Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc: Sinh viên mới tốt nghiệp khó tìm việc

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên TQ ra trường tràn ngập Hội chợ Việc làm ở Bắc Kinh

Tại hội chợ tìm việc làm mới đây ở Bắc Kinh, hàng ngàn sinh viên Trung Quốc (TQ) sắp tốt nghiệp chạy đôn chạy đáo đến gặp những người tuyển dụng lao động để đưa lý lịch.
Chỉ vài giờ trong hai ngày mở hội chợ, một công ty đã nhận 50 đơn xin việc chỉ để chọn lấy 5 người. Các sinh viên TQ năm cuối, cũng như những sinh viên khác trên khắp thế giới, đang lo tìm việc làm đầu tiên khi họ chuẩn bị ra trường. Nhưng tại TQ, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, viễn cảnh tương lai coi bộ ảm đạm và năm nay sẽ có đến 6,1 triệu sinh viên tốt nghiệp.
Trung tâm Triển lãm Quốc tế TQ ở Bắc Kinh rộng gấp năm-bảy lần kho hàng lớn trong sân bay được dùng để tổ chức hội chợ tìm việc làm cho sinh viên sắp ra trường vào hồi đầu tháng 6.
Ít việc làm hơn
Các công ty có gian hàng tại hội chợ cho biết, năm nay họ không tuyển nhiều người bằng những năm trước.
Một trong những đơn vị còn ít chỗ trống là Best Talent, hãng tuyển dụng kiếm người quản lý cao cấp và trung cấp cho các công ty quốc tế. Vicky Liu, người đại diện công ty nói, khi nhận hồ sơ của một ứng viên mang đầy hy vọng: “Lúc này có khá nhiều người xin việc, nên ngay cả những ai được giáo dục tốt cũng khó có cơ hội kiếm được việc làm”.
Cách đây vài tháng, Viện Khoa học Xã hội TQ ước tính còn khoảng 12% sinh viên đã ra trường hồi năm ngoái hiện vẫn chưa có việc làm. Con số này cao gấp ba lần so với tỉ lệ thất nghiệp chính thức tại đô thị.
Trong hội chợ tìm việc làm cho sinh viên toàn TQ, có Trương Hải, 24 tuổi, sắp tốt nghiệp từ một trường đại học ở Nam Kinh xa xôi. Trương đã sống hai tháng tại thủ đô Bắc Kinh để tìm việc làm, và anh cho biết: “Do khủng hoảng tài chính nên viễn cảnh xem ra không mấy tốt. Dù không có nhiều việc làm, nhưng lại có nhiều sinh viên tìm việc nên dĩ nhiên dẫn đến cạnh tranh gay gắt”.
Trương, đang học về khoa học máy tính, đã được gia đình chu cấp tiền để thuê một căn hộ ở Bắc Kinh trong khi tìm việc. Anh nói: “Tôi sắp ra trường đến nơi, tôi ngày càng lớn tuổi hơn và tôi vẫn đang xài tiền của gia đình nên chịu nhiều sức ép phải cố tìm một công việc”.
Trách ai?
Mặc dù cạnh tranh gay gắt, sinh viên dường như không đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng khó kiếm việc hiện nay.
Vương Diệu Mỹ, một trong số người dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh nói: “Thật tội nghiệp, nhưng tôi không thể phiền trách quá nhiều. Tôi cần phải tiếp tục kiếm cho được việc làm phù hợp”. Cô sinh viên 25 tuổi, học tiếng Anh tại thành phố Thiên Tân gần đó, có ý định ra nước ngoài tiếp tục học nếu không thể kiếm được việc làm.
Các quan chức chính phủ TQ hẳn hài lòng khi nghe sinh viên không đổ lỗi cho họ về việc vì sao sinh viên khó tìm việc làm.
Họ từng lo ngại rằng số sinh viên ra trường thất nghiệp cao có thể dẫn đến bất mãn. Điều này có thể là nguyên nhân cho bất ổn xã hội – như kiểu cách nay 20 năm, những sinh viên bất mãn đã kéo nhau xuống đường ở Thiên An Môn.
Arthur Kroeber, giám đốc quản trị công ty nghiên cứu kinh tế Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh nói: “Trong suốt 20 năm qua, chính phủ luôn quan tâm đến chuyện việc làm của sinh viên”.
Ông cho biết những vấn đề thất nghiệp hiện nay đối mặt với các sinh viên không chỉ do việc làm ít hơn, mà còn do hiện nay có nhiều sinh viên tốt nghiệp hơn. Nhưng ông Kroeber tin rằng vấn đề sẽ tự nó được giải quyết qua thời gian do sinh viên ra trường tự hạ thấp đòi hỏi của mình. Ông nói: “Một số công việc văn phòng chỉ đòi hỏi trình độ giáo dục trung học sẽ ngày càng sử dụng nhiều sinh viên đã học qua bậc đại học”.
Giúp đỡ từ Chính phủ
Chính phủ TQ không chỉ ngồi yên, các quan chức đang cố làm mọi thứ mà họ có thể nghĩ ra để giúp sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè này.
Tại thành phố Weifang thuộc tỉnh Sơn Đông, các quan chức trong mỗi Sở thuộc chính quyền đã được yêu cầu mỗi người phải tìm việc làm cho 3 sinh viên tốt nghiệp. Trong một đất nước mà quen biết cá nhân là rất quan trọng, các quan chức Weifang được yêu cầu phải sử dụng hết mọi mối quan hệ, tiếp xúc và ảnh hưởng.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng vừa công bố một kế hoạch sử dụng 1.600 sinh viên tốt nghiệp với hợp đồng 3 năm làm phụ tá cho quan chức trong các làng xung quanh thành phố. Điều này không chỉ giúp đỡ vùng nông thôn phát triển, mà còn kiếm việc làm cho những sinh viên có thể không đào đâu ra việc. Lương cho những vị trí công tác này tương đối thấp, khoảng 2.000 tệ (293 USD)/tháng trong năm đầu. Chính quyền thành phố cũng đã hứa lương sau đó sẽ tăng và sẽ cân nhắc những người có tiềm năng. Sau khi chấm dứt hợp đồng, họ có thể được phép thường trú tại Bắc Kinh, vốn sống còn cho tất cả những ai muốn tiếp tục làm việc tại thủ đô.
Cũng có những người tin rằng kinh tế TQ đang trong trạng thái tốt, và dần sẽ tạo nhiều công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.
Oliver Huang, mà công ty Mediaco của ông giúp các hãng nước ngoài kiểm tra thương hiệu của họ đang làm ăn ra sao tại TQ, là một trong những người lạc quan. Ông phát biểu tại Hội chợ tìm việc làm: “Các thị trường ở châu Âu và Mỹ nay đã chín mùi, nhưng TQ vẫn là nước đang lên, nhu cầu vẫn còn rất lớn”.
Quang Hùng

Bình luận (0)