Y tế - Văn hóaThư giãn

Bích Vân lội ngược dòng cùng tình khúc Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

 Yêu quan họ, là một nghệ sĩ Broadway chính hiệu, nhưng lại vừa phát hành album đầu tay là những tình khúc vượt thời gian của VN theo phong cách thính phòng mang tên Kiếp nào có yêu nhau.

Ðó là đôi nét về Bích Vân. Ðến đây, hẳn cũng chưa nhiều người biết Bích Vân là ai.
Dù là cái tên lạ lẫm với phần lớn khán giả trong nước, nhưng với cộng đồng người Việt tại hải ngoại, Bích Vân hiện là một trong những giọng hát được yêu thích của dòng nhạc thính phòng, bán cổ điển, trữ tình.
Ðặc biệt, Bích Vân là một trong những nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi được biết đến trên sân khấu nhạc kịch (gồm cả nhạc kịch hiện đại – musical và cổ điển – opera) tại sân khấu Broadway, Mỹ.
Từng học tại Nhạc viện TP.HCM, sau khi cùng gia đình định cư ở Mỹ, Bích Vân tiếp tục theo học thanh nhạc tại Ðại học New York và nhận bằng thạc sĩ về âm nhạc, chuyên ngành biểu diễn nhạc kịch cùng bằng sư phạm âm nhạc.
Thay vì đi hát, Vân lại chọn con đường giảng dạy tại ngôi trường mình đã học, miệt mài suốt hai năm cho tới khi những chuyến lưu diễn nhạc kịch liên tục khiến cô tạm xa giảng đường để chuyên tâm cho sự nghiệp của một nghệ sĩ biểu diễn.
Vân kể từ khi còn ở Ðại học New York, cô đã được chọn đóng trong vở monodrama (nhạc kịch ngắn viết chỉ cho một người diễn) Count to ten bản công diễn lần đầu tiên tại rạp Frederick Loewe, trung tâm New York. Tiếp đó là một vở diễn off-Broadway có tên A world without harmony.
Từ đây, mở đường cho cô đến với nhiều vở musical và opera chuyên nghiệp như The king and I, Miss Saigon, The music man, The phantom of the opera, Aida… ở nhiều bang khác nhau, tại nhiều nhà hát khác nhau.
Ngoài các vở diễn nhạc kịch, Bích Vân cũng là giọng hát chính trong nhiều buổi hòa nhạc tại các khán phòng nổi tiếng ở Mỹ như Rockefeller Center, Segerstrom Performing Arts Center, Carpenters Performing Arts Center…
Hẳn nhiên, không có con đường trải hoa hồng nào cho một nghệ sĩ gốc Á tại Mỹ như Bích Vân. Nền tảng về nhạc Âu – Mỹ gần như không có, ngoại hình nhỏ bé, gương mặt thuần Việt nên cô rất khó tìm vai trong những vở nhạc kịch phương Tây.
Nếu không có niềm đam mê cháy bỏng cùng giọng hát đẹp hiếm có, Bích Vân đã không có chỗ ở một nơi sân khấu đỉnh cao như Broadway.
Vân không kể nhiều về những gian khổ đã trải qua, chỉ nói rằng để có được một vị trí như hiện nay cô phải đấu tranh không ngừng như từng đấu tranh giữa việc học trường ÐH Kiến trúc hay Nhạc viện, việc học thanh nhạc hay chọn một nghề nghiệp khác khi vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ, việc chọn giảng dạy hay thành một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp…
Và trong lúc mọi thứ gần như ổn định tại “thánh đường Broadway”, Bích Vân lại lội ngược dòng về Việt Nam phát hành album đầu tay Kiếp nào có yêu nhau theo phong cách thính phòng bán cổ điển pha trộn nhạc nhẹ.
Với những ai đã có dịp thưởng thức tiếng hát cùng tài năng của Bích Vân sẽ sớm nhận ra dù khoe được chất giọng trong trẻo cùng kỹ thuật điêu luyện, nhưng Kiếp nào có yêu nhau vẫn chưa thể giới thiệu bằng hết những nét nổi bật trong cách ca, diễn của Bích Vân.
Sẽ lạ và “Bích Vân hơn” nếu cô phát hành một album nhạc kịch, cổ điển giao thoa.
Nhưng với Vân: “Là người Việt Nam, tôi muốn album đầu tay của mình phải gồm những tuyệt phẩm nhạc Việt. Ðó cũng là những ca khúc tôi được nghe và thấm nhuần từ bé, yêu thích và từng trình diễn trước không chỉ cộng đồng người Việt khắp mọi nơi mà cả cộng đồng người nước ngoài, nhận được nhiều thiện cảm”.
Vân nói trong danh mục các ca khúc cô thường diễn tại những liên hoan âm nhạc quốc tế bao giờ cũng có nhạc trữ tình, dân ca, quan họ của quê hương mình.
Chính những tiết mục này lại được khán giả quan tâm hơn, khiến cô rất tự hào và tự tin lựa chọn như một cách giới thiệu mình.
Album Kiếp nào có yêu nhau gồm những ca khúc đã đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam như Kiếp nào có yêu nhau, Nửa hồn thương đau, Hoài cảm, Xin còn gọi tên nhau, Tuổi 13, Cho em quên tuổi ngọc, Cô đơn, Hương xưa, Dòng sông xanh và một ca khúc do chính Bích Vân sáng tác – Một mảnh tình thơ.
Sắp tới, Album Season of love với những ca khúc quen thuộc trong các vở nhạc kịch danh tiếng được Vân Anh, nghệ sĩ dương cầm người Úc gốc Việt, phối mới theo phong cách hiện đại hơn, có chút màu sắc jazz cũng đã được Bích Vân hoàn thành và chờ ngày “lên kệ”.
Và tháng 4 này, Bích Vân lại lao vào phòng thu cho album mang hơi hướng nhạc kịch thứ hai của mình.
Ðó là sản phẩm hợp tác cùng một bạn học ở New York và cũng là một diễn viên của Broadway, Sean Buhr, được thu “sống” cùng dàn nhạc.
Chân dung một Bích Vân “đầy đặn” hơn sẽ sớm lộ diện trong nay mai khi cô thổ lộ sẽ nỗ lực giới thiệu đầy đủ các sản phẩm của mình tại Việt Nam cùng một vài kế hoạch làm việc tại quê nhà.
TTO

 

Bình luận (0)