Tỷ lệ mù chữ còn cao
Châu Phi chiếm 20% diện tích đất và nơi này hiện có đến 900 triệu con người sống chen chúc. Dân số châu Phi chiếm 14% dân số thế giới, nhưng trong số gần 1 tỉ con người đó, giới trẻ dưới 25 tuổi chiếm tới 71%, khiến đây là lục địa “trẻ” nhất thế giới.
Cứ mỗi năm con số dân chúng trong các đô thị lớn lại tăng 3,5%. Thành phố đông dân nhất là thủ đô Lagos của Nigeria với 16,9 triệu người. Đây cũng là xứ có số dân đông nhất châu Phi với 131 triệu dân. Châu Phi có trên 2000 ngôn ngữ được nói. Người theo Hồi giáo là 358 triệu tín đồ, Thiên chúa là 410 triệu, nhưng trong số 53 quốc gia thì chỉ có 19 xứ là có nền chính trị thật sự dân chủ. Châu Phi chủ yếu vẫn là một châu lục nông nghiệp, vì có tới 66% số dân phải sống bằng nghề nông. Có đến 50% người dân Phi châu sống với dưới 1 đô la/ đầu người/ngày, khiến có thể nói đây là vùng đất nghèo nhất hành tinh, nhưng cũng có xứ khá giàu như nước Mauritius với thu nhập bình quân đầu người là 12,800 đô la/năm. Các xứ nghèo nhất có thể kể như Burundi, Malawi, Sierra Leone, Somalia có mức GDP hàng năm là 600 đô la.
Đáng chú ý nhất là trong số 38 quốc gia trên thế giới được hai tổ chức Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ IMF liệt kê là các xứ nghèo thì châu Phi có đến… 32 quốc gia!
Nước là vấn đề nan giải cho châu Phi, chỉ có 45% dân số vùng quê có nước uống tương đối sạch và vùng phía bắc thì khá hơn với 84% dân chúng vùng quê.
Số người biết chữ từ 15 tuổi trở lên là 60% dân số, trong số này thành công nhất là Seychelles với 92% dân số biết chữ và tệ nhất là Burkina Faso chỉ với 12,8% dân số biết chữ.
Tương lai của châu Phi
Theo các nhà nghiên cứu, nếu khắc phục được hai tên “đại thù” là bệnh tật và nạn tham nhũng đang hoành hành nhiều xứ, cuộc sống châu Phi có thể tốt hơn nhiều. Gần phân nửa các xứ châu Phi nói tiếng Anh, đây là một ưu điểm rất lớn trong vấn đề thương mại quốc tế và một đội ngũ nhân công có thể nói tiếng Anh có thể làm tăng thêm số công việc trong ngành dịch vụ để phát triển kinh tế.
Nếu châu Phi thật sự hướng tới một tương lai rạng rỡ thì đầu tư ngoại quốc vẫn cần thiết trong một thời gian. Cuối cùng các chính phủ châu Phi lẫn các cường quốc bên ngoài sẽ nhận ra là phí tổn hỗ trợ chiến tranh triền miên sẽ nhiều hơn chi phí cho giáo dục và y tế rất nhiều, nhất là các chương trình phát triển của địa phương.
Một châu Phi hòa bình và ngày càng thịnh vượng sẽ là thành viên tích cực trong đại gia đình thế giới, và sẽ giúp cho thế giới được an toàn hơn, sung túc hơn và đoàn kết hơn.
H.Hoa
Bình luận (0)