Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Xây một nhà trường khỏi xây ba nhà tù

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

“Cái mà cảnh sát không làm được thì thầy giáo lại làm được, vì đối tượng là con người, cụ thể là thanh thiếu niên”.Bà Patricia Latour, Phó quận trưởng quận Aubervilliers, tự hào nói như vậy khi có người hỏi về bí quyết giải quyết nạn thanh thiếu niên nhập cư hư hỏng quấy phá tại một thành phố “người đông đất hẹp” như Paris.

Trong những năm 1960, ông Quận trưởng cộng sản quận Aubervilliers đã quyết tâm giải quyết cho bằng được những vấn nạn  xã hội của một khu dân cư đông đúc với mục tiêu: trường học cho trẻ em, cuộc sống ổn định cho mỗi gia đình. Và ông đã làm được, “một cách dứt điểm”, theo lời ông. Nhưng từ đầu thập kỷ đến nay tình hình dân cư của quận  đã có nhiều biến động bất lợi. Dân nhập cư mới đến, đa số là người Rumani, đã làm tình hình an ninh, xã hội diễn biến xấu. Theo ông Patrivia Latour, Phó quận trưởng phụ trách giáo dục, thì “số dân nhập cư có đến 500, 600 người”. Mà họ đâu có đến lẻ tẻ! Kèm theo “bầu đoàn thê tử”, trong điều kiện sống có thể nói là thê thảm. Ở tạm bợ, chui rúc, không điện, không nước, vệ sinh tồi tệ; rồi còn phải trốn tránh cảnh sát, lo cháy nhà do đun nấu, chập điện. Trẻ con thì sao? Chỉ độ mươi lăm em đi học bữa đực bữa cái, còn lại thì lang thang đi ăn xin, móc túi, làm dân chúng ở địa phương rất lo lắng, phàn nàn. Người nhập cư cũng không thiết cho con đi học, vì để chúng đi kiếm ăn tự do còn có lợi cho gia đình hơn.

Trước tình hình này, lãnh đạo quận phải xắn tay áo, lăn lưng vào cuộc. Trước hết phải cho họ an cư để lập nghiệp. Đầu năm 2004, 80 người đã được sắp xếp chỗ ở trong những căn hộ xây trên bãi đất công cộng.Chủ hộ phải cam kết hoàn thành kế hoạch hội nhập trong 3 năm (chứng chỉ tiếng Pháp phổ thông, nghề nghiệp ổn định), và phải cho con cái đi học đầy đủ, thường xuyên.

Sự kiện con em người nhập cư đi học đánh dấu một bước ngoặt trong kế hoạch ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Thật vậy, đa số người nhập cư mù chữ, con cái chưa từng bước đến một nơi nào gọi là trường, lớp… Thế mà ngày nay, theo bà Hiệu trưởng Annie Faalsetti: “Vào buổi sáng nhiều cha mẹ đã đem con đến trường, có bà mẹ còn đề nghị gặp riêng giáo viên để hỏi về tình hình học tập của con mình. Thật là một bước tiến kỳ diệu!”. Bà nói thêm: “Thật khác nhau như ngày với đêm! Chỉ riêng việc chúng ngày nào cũng đến trường  là điều quá quý rồi, vì đó là điều kiện để chúng tiến bộ. Mà trên thực tế chúng tiến rất nhanh, tôi tin rằng chẳng bấy lâu chúng sẽ đuổi kịp trình độ chung. Chúng học nói, đọc, viết tiếng Pháp theo cam kết của cha mẹ với nhà cầm quyền”.

Phong trào cho con em đi học lôi cuốn nhiều gia đình nhập cư khác. Cảnh trẻ em lang thang ăn xin, đánh nhau, móc túi , ăn cắp vặt… bớt hẳn đi, làm mọi người sống yên ổn hơn.

Nhưng thành quả này cũng không thể có được nếu không có sự giúp đỡ của tổ chức “Hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nhập cư” và các cộng đồng dân cư trong quận. Mà quỹ của tổ chức này thì có hạn! Quận Ile-de-France có đến 3.000 người nhập cư, nhưng không học tập được kinh nghiệm của quận Aubervilliers vì không tìm đâu ra kinh phí. Ngay như ở Aubervilliers, những gia đình nhập cư không hội đủ tiêu chuẩn định cư cũng phải đi nơi khác. Đúng là cái khó bó cái khôn!

Bản thân các gia đình nhập cư nhiều khi cũng có những xáo động do nhiều nguyên nhân phức tạp về phong tục, tôn giáo. Nếu không có sự theo dõi, hỗ trợ kịp thời thì bao nhiêu công sức giúp đỡ của cộng đồng đều “bốc hơi”. Thực vậy, người nhập cư gốc Yougoslave lúc đầu hội nhập rất tốt, nhưng về sau hiện tượng bỏ học lại xảy ra. Con gái bị yêu cầu bỏ học sớm để lấy chồng, còn con trai phải đi làm theo cha. Giáo viên nhiều khi phải rất vất vả mới đảm bảo được việc duy trì sĩ số ở lớp có nhiều học sinh di cư.

Dầu sao việc xây dựng trường lớp, đưa con em từ bất cứ nguồn gốc chủng tộc, tôn giáo, giai cấp… nào vào học vẫn là một giải pháp tốt nhất để giải quyết tệ nạn xã hội. Vì nhà trường không phải chỉ là nơi dạy chữ mà trước hết là nơi dạy cách sống của con người trong cộng đồng.

PHAN THANH QUANG (Theo Thế giới Giáo dục)

 

Bình luận (0)