Năm học 2008-2009 đánh dấu một “làn sóng” tăng học phí tại các trường ĐH, CĐ khu vực ngoài công lập (Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh). Về nguyên tắc, mức học phí phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, không phải những trường dân lập thu học phí cao là có chất lượng cao.
Học phí “rượt đuổi” theo trượt giá
Theo tính toán của Trường ĐH Thăng Long, trong những năm vừa qua, mức học phí mỗi năm tăng khoảng 9% (7% trượt giá + 2% cải thiện điều kiện học tập). Nhưng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú, mức tăng đó không phù hợp với năm học 2008-2009 bởi mức trượt giá sẽ hơn 20%. Với tính toán này, mức học phí đối với sinh viên mới nhập học (khóa 21) đã tăng lên tới 10 triệu đồng/năm (tương đương với 1 triệu đồng/tháng), tăng gấp đôi so với năm học 2007-2008.
Được quảng cáo là trường đào tạo đa ngành mang tính quốc tế, mức học phí của ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng khiến sinh viên “choáng váng”: 18-20 triệu đồng/năm tùy theo ngành học. Riêng 2 năm học đầu, học phí là 16-18 triệu đồng/năm. Với mức học phí này lãnh đạo nhà trường cho biết trường sẽ giảng dạy theo nội dung chương trình đào tạo được chọn lọc từ các nước tiên tiến và sử dụng ngoại ngữ trong giảng dạy, chủ yếu là tiếng Anh các ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, kế toán – kiểm toán và tài chính ngân hàng. Khảo sát của Bộ GD-ĐT trong năm học 2005-2006 cho thấy, mức học phí tại các trường ngoài công lập phổ biến ở mức 350.000 – 400.000 đồng/tháng thì đến năm học này, hầu hết các trường đã tăng 1,5 – 2 lần.
Nhiều trường tuy không ở thành phố lớn nhưng cũng điều chỉnh tăng học phí với lý do tương xứng với điều kiện đã đầu tư cho hoạt động giảng dạy, giá cả tăng cao, kinh tế khó khăn, thêm nhiều khoản chi phí phát sinh hoặc phải tăng là một nguyên nhân được nhiều trường viện dẫn việc tăng học phí. Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cũng vừa điều chỉnh mức học phí lên 720.000 đồng/tháng để “tương xứng” với mức đầu tư gần 120 tỷ đồng xây dựng khu giảng đường, phòng thực hành thí nghiệm khu liên hợp thể dục thể thao, khu nhà ăn, ký túc xá… Còn trong “thư ngỏ” về việc tăng học phí gửi sinh viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long Phan Huy Phú cũng “trần tình”: Mức học phí mới sẽ là khó khăn lớn cho nhiều gia đình sinh viên, tuy nhiên, trong tình hình kinh tế hiện nay, trường sẽ khó tồn tại được với mức học phí thấp hơn.
Chất lượng “mù mờ”
Trên thực tế, các trường ngoài công lập hiện nay do phải tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước nên được quyền điều chỉnh học phí cho phù hợp với các điều kiện thực tế. Và nói như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, mức học phí phải tương xứng với kinh phí đầu tư cho hoạt động và chất lượng đào tạo của trường để người học có thể chấp nhận được.
Thế nhưng, thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Điều này đã thể hiện rõ qua đợt khảo sát về hoạt động của các trường đại học của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội vừa qua. GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho biết: Các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là trường ngoài công lập mở ra trong thời gian qua nhiều quá, trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường chưa phải là tốt, thậm chí dưới mức trung bình. Nếu tính riêng từ năm 2005 đến nay, có 132 trường ĐH, CĐ mới thành lập hoặc nâng cấp nhưng những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa đủ. Cụ thể là đội ngũ cán bộ còn rất yếu, nếu tính trên mặt bằng toàn quốc thì có 10,5% cán bộ giảng dạy đại học là có mặt trong những trường mới mở. Số cán bộ có trình độ cao thường là cán bộ kiêm nhiệm chứ không phải là cán bộ cơ hữu của các trường đó.
Kết quả thanh tra hoạt động của các trường ngoài công lập của Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ rõ “yếu huyệt” của khu vực này, đó là tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng nhà trường.
Với mức thu học phí “quốc tế” nhưng trên thực tế, chương trình giảng dạy chi tiết của Trường ĐH Bắc Hà không bảo đảm cấu trúc, khối lượng kiến thức ngành và chuyên ngành theo quy định; chưa qua thẩm định của hội đồng khoa học và đào tạo nhà trường… các trường ĐH Đại Nam, ĐH Dân lập Cửu Long và một số trường cao đẳng dân lập đều ở trong tình trạng tương tự. Cũng theo kết quả kiểm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội, các điều kiện đảm bảo chất lượng khác cũng “dưới mức trung bình”. Về diện tích phòng học, thư viện dành cho sinh viên theo tiêu chuẩn 6m2/sinh viên nhưng trung bình chỉ đạt có 1,4m2/sinh viên. Có rất nhiều ngành đào tạo mới mà chương trình chưa ổn định, ngành mới mở bao giờ cũng nhằm vào nghề đang “hot” trên thị trường lao động nhưng lại là những ngành nghề chưa có kinh nghiệm đào tạo.
Thực trạng này cho thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần có biện pháp quyết liệt đối với các trường ĐH ngoài công lập để bảo vệ quyền lợi người học. Việc áp dụng một mức trần học phí đối với khu vực ngoài công lập cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc nhằm hạn chế hiện tượng các trường đua nhau tăng học phí nhưng chất lượng đào tạo thì “mù mờ”, không được đánh giá, kiểm định rõ ràng.
Việt Lan (sggp)
Bình luận (0)