Tại Hà Nội vừa diễn ra cuộc tọa đàm Đỗ Nam Cao – một con đường thơ do Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Hội Nhà văn, Tạp chí Văn hiến và Ban liên lạc khóa IV Hội Nhà văn VN tổ chức với hơn chục bản tham luận của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Gia đình nhà thơ cũng có mặt tại buổi tọa đàm.
Đỗ Nam Cao sinh ngày 8.6.1948 tại xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, mất ngày 8.11.2011 tại TP.HCM. Nhà thơ Thanh Thảo cho biết: Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn Hà Nội năm 1970, Đỗ Nam Cao đã tình nguyện đi chiến trường Nam bộ, sau chiến tranh anh chuyển sang làm báo và đã in tập thơ Những cánh cò lửa. Sau đó anh vẫn viết nhưng không công bố, nên ít người biết thơ anh.
Chân dung nhà thơ Đỗ Nam Cao – Ảnh: BTC cung cấp |
Tới năm 2001 anh in tập thơ thứ hai Dính với giọng thơ khá lạ và được dư luận chú ý mặc dù anh là một nhà thơ khá lặng lẽ, không quảng bá cho thơ mình. Trước Đại hội Hội Nhà văn VN năm 2010, nhà thơ Đỗ Nam Cao được đặc cách công nhận là hội viên.
Nhà thơ Thanh Thảo nhận định: “Tuy đã qua đời một năm vì trọng bệnh, nhưng chắc chắn thơ Đỗ Nam Cao sẽ còn sống rất lâu bởi thơ anh rất hay và đậm đặc tinh thần của nền văn hóa sông Hồng. Năm 1988, Đỗ Nam Cao đã viết bài thơ Gửi Trường Sa nói về sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân ở đảo đá Gạc Ma, Trường Sa với những câu thơ đau đớn: “Trường Sa ư với ngày thường xa thật/Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà/Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ/Đảo mới gần mới thật đảo của ta/Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn/Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô/Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực/Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra/Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực/Bãi đá ngầm cào rách thịt da”.
Theo TNO
Bình luận (0)