Ngày 29.11, Viện Văn học tổ chức tọa đàm Văn xuôi nữ trong bối cảnh Việt Nam đương đại, với 23 tham luận của các nhà văn, nhà khoa học công tác ở một số trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM.
Phân tích về nữ quyền văn học, nhà phê bình trẻ Trần Thiện Khanh cho rằng: “Có thể nói, văn học nữ quyền đã bung ra, rộng khắp chưa từng thấy, thời đại phụ nữ bước vào văn học một cách tự tin, đàng hoàng và đầy thách thức. Văn học nữ quyền không chỉ chống lại văn hóa nam quyền mà còn phơi bày, lật tẩy, hạ bệ, giễu cợt, mỉa mai, giải ảo quyền lực nam giới. Và buộc nam giới phải thừa nhận văn học nữ là một bộ phận quan trọng của nền văn học đương đại”.
Tham luận của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân (Đại học Hà Nội) với tiêu đề Xét lại thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà – một trong những biểu hiện của âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi nữ VN những năm gần đây đã gây sự chú ý của hội thảo khi khẳng định: những người phụ nữ hôm nay đã bước qua khỏi sự ám ảnh về thân phận, về kiếp đàn bà bé mọn trong văn học truyền thống, họ đã đứng lên đối diện với đàn ông để “xét lại” bản chất của những người đàn ông mà họ chỉ có một mối quan tâm là phục tùng và dâng hiến.
Cũng trăn trở về nữ quyền văn học, thạc sĩ Hồ Khánh Vân (Đại học KHXH-NV TP.HCM) có 2 tham luận Bước đầu xác lập một số khái niệm trong phê bình văn học nữ quyền và Tự thuật tính dục – một lối viết nữ trong văn xuôi VN từ năm 1990 đến nay.
Cuộc hội thảo trên gây chú ý của dư luận với sự có mặt của khá nhiều nhà văn nữ tại Hà Nội.
Theo TNO
Bình luận (0)