Mấy năm gần đây, trong các kỳ hội giảng giáo viên (GV) giỏi ở Khánh Hòa, không ít giải cao đã “rơi” vào tay GV các huyện miền núi (MN) Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (KS, KV). Ở các kỳ thi tuyển đầu vào cao học, không thiếu GVMN đỗ ngay “phát đầu”, trong khi nhiều đồng nghiệp khác ở nội thành, nội thị, kể cả các trường trọng điểm lại bị trượt. Còn với các hoạt động văn hóa – văn nghệ thì dù tự biên, tự diễn nhưng các thầy cô giáo MN cũng không thua kém gì ai. Điều ấy chứng tỏ miền núi không thiếu người giỏi, không hiếm người tài.
Nhưng cũng có một thực tế khác là trong suốt mấy chục năm qua, đội ngũ GVMN chưa bao giờ ổn định – nếu không nói là bấp bênh! Đó cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng giáo dục (GD) MN còn yếu…
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Khánh Hòa thì việc phân bổ lực lượng GV trên địa bàn toàn tỉnh khá đồng đều, không có khoảng chênh lớn giữa miền xuôi và miền ngược. Tính riêng tiểu học thì tỷ lệ GV/lớp của 2 huyện MN tuy có thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh (KS : 1,19, KV : 1,14 so với toàn tỉnh là 1,31) nhưng bù lại, MN rất ít lớp học 2 buổi/ngày; còn ở THCS và THPT thì cả KS và KV đều cao hơn tỷ lệ chung của cả tỉnh. Nếu tính về trình độ đào tạo, trừ số ít GV tiểu học dân tộc thiểu số được tuyển “ngang” để có người đứng lớp trong những năm khó khăn trước đây thì tỷ lệ GV đạt chuẩn của MN hiện nay không thua kém gì đồng bằng, thậm chí có cấp học còn trội hơn. Đời sống, sinh hoạt ở mỗi nhà trường cũng tươm tất hơn trước, “điện – đường – trường – trạm” đã phủ kín từ lâu, bệnh sốt rét cũng lùi dần và nếp sinh hoạt ở nhiều xã ven đường liên tỉnh đã bắt đầu có “nét” thị tứ rồi. Vậy vì sao đội ngũ GVMN vẫn không ổn định?
Vấn đề này đã được ngành GD&ĐT giải thích là do chưa có nhiều GV an tâm gắn bó với trường lớp, với học sinh MN. Không biết điều ấy có đúng không nhưng quả thực, rất ít trường học ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có được nền nếp dạy – học và không khí sinh hoạt chuyên môn như ở các huyện đồng bằng, dù chỉ là các trường nhỏ vùng xa. Ngay cả những thầy cô giáo hăm hở, nhiệt tình cũng phải sớm buông tay vì nhận ra rằng kiến thức và cả tâm huyết của mình khó có đất “dụng võ” trước sức ỳ của HS và không khí trầm lắng của nhà trường. Tâm lý “ăn xổi ở thì” khá phổ biến ở nhiều người, nhất là các thầy cô giáo trẻ từ dưới xuôi lên, chỉ mong hết hạn để chuyển về quê. Trong khi đó những GV giỏi và cán bộ quản lý có năng lực, kinh nghiệm, chịu được phong thổ thì lãnh đạo địa phương để mắt tới và rút sang các cơ quan, đoàn thể của huyện nên đội ngũ nòng cốt của GDMN hầu như năm nào cũng phải “làm mới”.
Trong các hội nghị giáo dục của tỉnh, người ta luôn kêu về chất lượng GDMN yếu kém và thường đặt ra vấn đề tăng cường chế độ, chính sách ưu đãi cho học sinh, nhất là học sinh dân tộc thiểu số như là công thức để giải bài toán chất lượng, hiệu quả GDMN. Điều đó là cần thiết nhưng không đủ; để vực dậy phong trào GDMN thì sự hỗ trợ các điều kiện học tập cho HS đến mức độ nào đi nữa cũng chỉ mới là ½ vấn đề, nửa kia không kém phần quan trọng là phải thực sự coi trọng việc xây dựng đội ngũ nhà giáo ổn định về nhiều mặt, nâng dần chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần bằng những chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực để họ yên tâm với công việc dù chỉ là trong thời hạn “nghĩa vụ” và từ đó biết đâu ngày càng có nhiều người quyết định ở lại lâu dài với GDMN.
Mười năm nay, Khánh Hòa đã thành công trong chủ trương “đổi gạo lấy chữ” để nâng tỷ lệ trẻ đi học tiểu học xấp xỉ với các huyện đồng bằng. Đầu năm học 2008-2009 này cũng đã đột phá chuyện phủ kín mầm non bán trú, làm cho các cháu học sinh dân tộc thích ra lớp mẫu giáo để được ăn trưa hơn là quanh quẩn ở nhà. Ngành GD Khánh Hòa cũng đã thực hiện tốt kế hoạch huy động các nguồn lực để kiên cố hóa trường lớp học; quyên góp tiền bạc, sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập chi viện các trường học 2 huyện MN. Các phòng GD&ĐT Khánh Sơn, Khánh Vĩnh cũng đang triển khai kế hoạch cải thiện chất lượng chuyên môn cho các trường học bằng nhiều hình thức đa dạng như tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm theo cụm trường; kết nghĩa, giao lưu với các trường thành thị, đồng bằng, bố trí “phiên dịch” cho các lớp đầu cấp tiểu học … Tất cả nỗ lực ấy đều rất đáng quý nhưng hiệu quả đạt được đến đâu còn tùy thuộc rất nhiều vào việc “an cư lạc nghiệp” cho GVMN vì xét cho cùng không ai có thể thay thế các nhà giáo trong việc làm ra chất lượng cho GDMN.
Ngọc Dũng (GD&TĐ)
Bình luận (0)