Một tiệm net thu hút bạn trẻ nghiện game online ở TP.HCM – Ảnh: TRẦN HUỲNH |
Đồng tình với ý kiến trên, các bậc cha mẹ có mặt tại NVH Phụ nữ TP.HCM vào sáng 19-6 bày tỏ nỗi lo lắng trước thực trạng một bộ phận giới trẻ sa lầy trong thế giới ảo của “mê cung” game online.
Những con số đáng lo
TS Trần Vĩnh Sa (phó phòng CNTT, Sở Thông tin & truyền thông TP.HCM) cho biết hiện khoảng 5 triệu người Việt thường xuyên chơi game online, trong đó khoảng 1 triệu người chơi chuyên nghiệp. Hiện người chơi Việt Nam có thể tham gia chơi 35 game online. Tuy nhiên, đáng lo là trong đó có tới 27/35 (77%) mang tính bạo lực. Có tới 9/27 game bạo lực (33%), đối tượng bị tiêu diệt là con người. Ở góc độ nhập vai trong các game online bạo lực, có tới 10/27 game có góc độ nhập vai không rõ ràng (đâm chém bắn giết không phân biệt tốt xấu).
“Hàng trăm ngàn giờ công học tập, lao động hoặc nghỉ ngơi (để tái tạo sức lao động) bị tiêu tốn chỉ trong một ngày”, TS Sa cho biết. Đã từng có những thanh thiếu niên “cày” suốt 6-7 ngày liên tục, chơi đến kiệt sức phải đi cấp cứu hoặc đột tử trên bàn máy tính. Cũng từng có những vụ án trong đó các game thủ vì không tiền chơi game đã thực hiện trộm cắp, cướp giật tài sản của gia đình và xã hội. Nguy hiểm hơn, theo TS Sa, chính là việc game thủ không nhận thức được thế giới ảo và thật. Họ sống trong thế giới ảo và phạm tội do hành xử theo những cảnh bạo lực trong thế giới ảo đem vào thế giới thật…
Nhu cầu “được là mình”
* Năm 2006: 2 game online mang tính bạo lực trên tổng số 2 game online được cấp phép (100%) * Năm 2007: 13 game online mang tính bạo lực trong tổng số 21 game online được cấp phép (62%) * Năm 2008: 10 game online mang tính bạo lực trong tổng số 15 game online được cấp phép (67%) * Tháng 1-2009: 2 game online mang tính bạo lực trong tổng số 3 game online được cấp phép (67%) (nguồn: bài tham luận tại Hội thảo về trò chơi trực tuyến tại TP.HCM, tháng 2- 2009) |
Game online quá hấp dẫn, thiếu sân chơi lành mạnh, quản lý kinh doanh game online chưa hiệu quả, chủ tiệm net thiếu cái tâm…là những điều được nêu lên như là nguyên nhân khiến giới trẻ nghiện game online. Cùng chia sẻ, TS Trần Thị Giồng cho rằng game online sở dĩ hút hồn các game thủ bởi vì trong thế giới ảo đó họ “được là mình”.
Họ say mê khám phá những điều mới lạ, chinh phục những thử thách; và hơn thế, chơi game online cũng là để chứng tỏ theo kịp bạn bè, theo kịp thời đại (trong lúc tiệm game đầy rẫy quanh cổng trường).
Nhiều ông bố bà mẹ vì quá bận rộn đã không dành đủ thời gian cho con khiến chúng cảm thấy cô đơn. TS Nguyễn Thị Bích Hồng kể: “Bà mẹ nọ cấm con chơi đá bóng, học võ vì sợ gãy chân, cấm con nuôi cá kiểng vì sợ…tốn tiền. Thế là cậu bé chơi game online vì trong nhà sẵn có máy tính nối mạng”.
Ở nhà đã vậy, khi đến trường trẻ càng thêm căng thẳng. Áp lực bài vở, giáo viên giảng bài kiểu “đọc chép”, thiếu sân chơi học đường… Trong khi đó, game online không chỉ hấp dẫn mà còn tạo cơ hội để người chơi tăng cường óc sáng tạo, trí tưởng tượng và nhập vai “anh hùng” với quyền lực, sức mạnh trong tay.
Nhà sản xuất game online luôn biết cách tạo ra những mục tiêu xa mãi đến bất tận để thu hút những người trẻ không có mục tiêu chinh phục ngoài đời. Ngoài ra, theo TS Giồng, người trẻ luôn có nhu cầu “thuộc về” (nhóm, tổ chức), nên khi cuộc sống thật không đáp ứng được thì họ tìm đến các bang, hội trong thế giới ảo.
“Pháo đài” gia đình làm gì?
TS Trần Vĩnh Sa nêu ra nhiều việc cần làm trong quản lý game online: xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá tính bạo lực (và cờ bạc) song hành cùng hệ thống khuyến cáo độ tuổi được chơi game, cương quyết lọc bỏ những game mang tính bạo lực cao ngay từ khâu kiểm duyệt, tăng mức phạt các đại lý Internet vi phạm quy định đóng cửa sau 24g… Về “xây”, TS Sa đề xuất nhiều biện pháp như xây dựng các game online mang tính giáo dục, nghiên cứu đánh giá tác hại của game online, từ đó định hướng lâu dài…
“Tôi quản lý chặt tiêu xài của con”, chị Vy – một bà mẹ ở quận 12 – chia sẻ. Tiếp lời chị, một ông bố cho biết cần đặt máy tính nơi phòng khách để dễ kiểm soát con. Trong khi đó Đức – một bạn trẻ từng nghiện game online – cho biết: “Cháu cai được game online nhờ nhận thức ra đó chỉ là thế giới ảo mà hậu quả thì rất thật”. Còn Huy, một bạn trẻ khác, chia sẻ kinh nghiệm: “Cháu chơi game online nhưng không bao giờ nghiện do biết chủ động giới hạn thời gian chơi bằng cách lên kế hoạch cuộc sống hằng tuần, hằng tháng”.
“Trẻ cần được tham gia các nhóm sinh hoạt để có cơ hội rèn luyện các kỹ năng sống, thể hiện và phát huy tiềm năng của bản thân”, TS Giồng nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm coi trọng giáo dục gia đình, TS Bích Hồng cho rằng cha mẹ cần quan tâm chăm sóc và đồng hành với con trong mọi vấn đề của cuộc sống từ rất sớm.
“Cha mẹ cần sống tốt để nêu gương, biết cách lắng nghe, tránh áp đặt quan điểm gây ức chế, khen ngợi hành vi tốt của trẻ”. Ngoài ra, TS Bích Hồng còn đúc kết những việc cụ thể có thể làm để phòng ngừa con bị nghiện game online: dạy con sử dụng máy tính, hướng dẫn con khai thác Internet có lợi, đặt máy tính ở không gian sinh hoạt chung, định mức thời gian sinh hoạt, động viên con tham gia các hoạt động lành mạnh…
Theo Thái Bình / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)