Hơn 50 bạn trẻ vừa có hành trình sinh viên balô để vừa khám phá miền Tây sông nước, vừa rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội trên chiến trường Ấp Bắc (Tiền Giang) lừng lẫy năm xưa.
Niềm vui bắt cá trong ao -Ảnh: Đoan Ly |
Đi, trải nghiệm để không những hiểu thêm về một vùng đất mà còn khám phá nhiều khả năng tiềm ẩn của chính mình, để kết nối cho mình “tròn trịa” hơn…
Dấu chân hôm nay trên chiến trường xưa
Có lẽ bạn nào cũng có tâm trạng háo hức trước chuyến đi. Không quen nhau nhưng những ngại ngần ban đầu nhanh chóng tan biến trong một tập thể toàn người trẻ này, nhất là khi mọi người tự giới thiệu về mình và đặt biệt danh cho nhau. Cùng những gương mặt trẻ đầy sức sống, chị Nguyễn Thị Thanh (29 tuổi) bộc bạch: “Ra trường làm việc hơn năm năm rồi, những lo toan hằng ngày làm mình như bị chai đi… Đây là dịp để mình hâm nóng lại bản thân”.
Tự tin và trưởng thành hơn với chuyến đi -ẢNH: N.NAM |
Dừng chân tại khu di tích Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cả đoàn chia làm bốn đội để đánh… trận giả với vượt bãi mìn, bắn máy bay, chui hầm phục kích… “Tôi rất thú vị khi nhận ra được nhiều điều qua trò chơi “vượt bãi mìn” khi cả nhóm chỉ có một con đường ra khỏi đó: mỗi người phải chú ý công việc của người đi trước để khi đến lượt mình có thể tránh được những sơ sót của người trước” – bạn Đặng Thanh Phong, một học viên cao học ngành xã hội học, vui vẻ cho biết.
Đứng xem đám trẻ diễn cảnh đánh trận Ấp Bắc phía trước nhà, bà Nguyễn Thị Lành (75 tuổi), một nhân chứng sống trong trận đánh ác liệt này năm xưa, chống gậy bảo: “Hồi đó trận đánh ác liệt lắm. Đánh xong không còn cây lúa nào đứng được, bà con phải cấy lại. Còn máy bay phía bên kia rơi đầy trên các cánh đồng”. Rồi bà say sưa kể lại không khí chiến đấu hào hùng khi xưa của “đàng mình” bên cánh đồng lúa xanh bát ngát đến tận chân trời.
Trận Ấp Bắc diễn ra ngày 2-1-1963 là chiến thắng lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam, khởi đầu hàng loạt chiến thắng sau đó của quân dân Nam bộ. Chuyến đi có chủ đề “Khám phá văn hóa sông nước miền Tây” này nằm trong chương trình “Du lịch học sử – rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội” do Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tổ chức với chi phí 299.000 đồng; theo đúng yêu cầu “ngon, bổ, rẻ” của nhiều bạn trẻ. |
Bạn Nguyễn Anh Thư, hướng dẫn viên của tour sinh viên balô, chia sẻ: “Tụi mình không muốn đưa những kiến thức lịch sử đến với các bạn trẻ một cách nhồi nhét mà thông qua các trò chơi sinh động, mỗi bạn sẽ rút ra cho mình những cảm nhận riêng về khu di tích Ấp Bắc, về những gì từng xảy ra tại đây trong quá khứ cũng như cuộc sống thực tế của bà con địa phương bây giờ”.
“Quen tay”, những chiếc túi nilông, những tờ giấy báo nằm rải rác khắp các “trận địa” mà các bạn trẻ đi qua… Và đã thành thói quen, bạn Nguyễn Châu Thu Thảo, điều hành tour, vừa gom nhặt rác vừa mời gọi bạn bè: “Các bạn ơi, chúng ta chỉ để lại duy nhất những dấu chân trên chặng đường đi qua”…
Trải nghiệm thú vị
Với chuyến đi hai ngày một đêm rong ruổi khắp các điểm đến của hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, nhiều sinh hoạt văn hóa – xã hội mang đậm chất miền Tây đã được các bạn trẻ tiếp cận từ soi nhái đêm, tát mương bắt cá, đờn ca tài tử… đến thưởng thức ẩm thực miền sông nước (cháo trắng kho quẹt, trà mật ong, kẹo dừa, ngô khoai nướng…) “Được gặp bà con miền Tây chất phác, tôi suy nghĩ nhiều đến cuộc sống xô bồ của mình tại TP… Có lẽ tôi sẽ phải có sự điều chỉnh nào đó để gắn bó với thiên nhiên hơn” – bạn Ánh Hồng cảm nhận.
Về phía những người điều hành chuyến đi, mặc dù còn đang là SV ngành du lịch nhưng có thể nói đó là những bạn trẻ rất có “máu” nghề nghiệp. Quan trọng hơn, họ hiểu rõ ý nghĩa những việc mình đang làm qua tour du lịch. “Với việc phân đội chơi trò chơi, mỗi bạn sẽ tự nhận ra vai trò cá nhân của mình trong tập thể cũng như học thêm nhiều kỹ năng làm việc nhóm…” – bạn Lương Thùy Phương Dung, thành viên điều hành tour, cho biết.
NGUYỄN NAM (TTO)
Bình luận (0)