Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tay đi tìm thế giới, chân đi khắp thế gian

Tạp Chí Giáo Dục

Gương mặt với những sợi tóc lòa xòa gần như gí sát vào khối đất, còn những ngón tay dài nổi đầy gân xanh lần sờ trên đất, Bùi Thế Thành đang hoàn thành tác phẩm Bến Nhà Rồng trên nền bản đồ Việt Nam có tên gọi “Việt Nam quê hương tôi”, chuẩn bị tham gia cuộc triển lãm “Ánh sáng từ bàn tay” của Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

Bùi Thế Thành bên Đôi giày đi khắp thế gian – Ảnh: H.Đ.

Bùi Thế Thành đã 19 tuổi nhưng nhỏ như học sinh lên 10. Lưng còng gập, cộng thêm một u to như cái nồi đất khiến dáng vẻ của Thành đầy khắc khổ. Cùng với sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo, nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị và họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh, đến nay Thành đã hoàn thành được nhiều tác phẩm điêu khắc rất ấn tượng mà theo họa sĩ Huỳnh: “Đó là sự bất ngờ và khám phá lớn lao của tôi đối với các em khiếm thị nói chung và Thành nói riêng”.

Thành – như một tác phẩm điêu khắc

Không chỉ nỗ lực học giỏi và tham gia mọi hoạt động trong trường, Thành còn chơi rất cừ một số nhạc cụ: đàn guitar, organ và nhị. Mong muốn lớn nhất của Thành là thành lập một ban nhạc có tên gọi Seven Boys. Đến nay đã có đủ bảy cậu bé trong KTX Trường Nguyễn Đình Chiểu tham gia ban nhạc, Thành hi vọng ban nhạc có thể đi biểu diễn “chứ không chỉ hát trong những ngày kỷ niệm và giao lưu”. Còn xa hơn, Thành mong sau này được học trong một trường nghệ thuật nào đó để có thể kiếm một công việc nuôi sống bản thân.

Họa sĩ Huỳnh còn khá trẻ, kể với tôi về lớp điêu khắc của các em khiếm thị: “Điêu khắc vốn là một bộ môn nghệ thuật đầy tính sáng tạo và khó khăn đối với nhiều người sáng mắt. Tuy nhiên, khi nhận lời tham gia dự án Art House của Trường Nguyễn Đình Chiểu thì tôi biết đó là một thế giới hoàn toàn mới lạ và cần được khám phá. Đối với người sáng mắt, việc sáng tác một tác phẩm người ta được nhìn ngắm và thưởng thức, còn với người khiếm thị đó là sự hi sinh và hiến mình cho nghệ thuật. Họ không bao giờ được thưởng thức những tác phẩm ấy bằng mắt. Đây là dự án đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam dành cho người khiếm thị”.

Đối với người khiếm thị, thậm chí chưa từng nhìn thấy ánh sáng và đồ vật, thì việc tưởng tượng như thế nào giúp họ làm ra tác phẩm như thế. Lúc đầu, thầy giáo mô tả cho các em về hình khối, thế nào là hình tròn, thế nào là khối vuông… sau đó mua những đồ vật bằng nhựa, sành, sứ về để các em… sờ. Sau một thời gian dài làm quen với hình khối như vậy, các em bắt đầu sáng tác những tác phẩm đầu tay của mình.

Họa sĩ Huỳnh nói trong số hơn 10 học sinh khiếm thị tham gia lớp điêu khắc này, Thành là người gây cho anh những bất ngờ thú vị. Trước khi học lớp điêu khắc, Thành từng tham gia lớp vẽ và các tác phẩm của Thành đã đoạt giải cao trong các kỳ thi của thành phố Hà Nội. Tranh của Thành cũng được đem đi tham dự ở một số nước trên thế giới, thậm chí vẽ và đấu giá trực tiếp trên truyền hình của Đài VTV3.

Thành đặc biệt thích những đền đài, mặc dù việc hình dung về đền đài, đình chùa là điều rất khó, thậm chí việc tổ chức nặn một tổ hợp tác phẩm mang tên “Ngàn năm Thăng Long” cũng do Thành nghĩ ra. “Tôi thấy thật khó tin khi những bậc tam cấp, những mái đầu đao, những con rồng… được Thành chăm chút và làm tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến thế. Nếu không giới thiệu, chắc chắn ít người biết đó là tác phẩm của một học sinh khiếm thị – nói tới đây, họa sĩ Huỳnh trầm giọng – Có điều này tôi thấy thật sự rất xót xa, là Thành có một thân hình mang đầy tính điêu khắc”.

Các học sinh khiếm thị của Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đang hoàn thành tác phẩm “Việt Nam quê hương tôi" – Ảnh: H.Đ.

Gương mặt méo và nụ cười tròn

Đó là nhận xét của nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị về cậu học sinh đặc biệt trong lớp của mình. Hơn một năm làm thầy ở lớp điêu khắc này, chưa bao giờ thầy không nhìn thấy nụ cười trên gương mặt của Thành. “Thành có gương mặt méo mó nhưng có nụ cười thật tươi, thật tròn”. Thành có nhiều bệnh trong người, nhưng chưa bao giờ em than vãn về bệnh tật của mình hay chí ít tỏ ra bi quan với cuộc sống. Trong mỗi chuyến đi dã ngoại bao giờ bố Thành cũng đi theo đề phòng mọi điều bất trắc. Cũng nhờ có bố luôn bên con, mô tả những hình khối, cảm nhận về những tác phẩm của Thành và bạn Thành làm ra mà tác phẩm của các em rất có hồn.

Từ ngày 25 đến 30-4-2009, tại 29 Hàng Bài sẽ triển lãm các tác phẩm của Thành và các bạn học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu trong dự án Art House với hơn 300 tác phẩm được chia thành nhiều chủ đề: Ngàn năm Thăng Long, Việt Nam quê hương tôi, Ước mơ bay lên… Dự án Art House của Trường Nguyễn Đình Chiểu do Quỹ Lion Club (Thụy Điển) và Tổ chức EDE (Đức) tài trợ về cơ sở vật chất ban đầu, sau này tồn tại nhờ những người yêu nghệ thuật và nhà hảo tâm. Đến nay dự án đã đi vào thực hiện được hơn một năm. Triển lãm tranh, tượng và tác phẩm điêu khắc của các em học sinh khiếm thị lần này là kết quả sự nỗ lực của cả thầy và trò Trường Nguyễn Đình Chiểu suốt thời gian qua.

Thầy PHẠM HỮU QUỲ
(hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội)

Chính sự lạc quan, tươi tỉnh ấy của Thành khiến những người xung quanh không còn cảm thấy cuộc sống khó khăn và vất vả nữa. Sự không bi quan của Thành làm những người khác có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn mà mình đang nếm trải. “Tôi cũng đã già, lấy lớp học làm nguồn vui, và cũng có thể coi đây là “sân chơi” cuối cùng của tuổi già nên tôi sẽ cùng các em đi tiếp để khám phá thế giới của những người khiếm thị” – nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị cho biết.

Thế giới ấy là một thế giới hoàn toàn khác, càng tiếp xúc càng khiến người ta bất ngờ.

Anh Bùi Đức – bố Thành, một ông bố hết sức tận tâm với con, luôn theo Thành trong mọi cuộc dã ngoại để hướng dẫn Thành và các bạn nặn tượng – kể: “Thành sinh ra bình thường, đến khi học lớp 1 thì thầy giáo mới phát hiện mắt cháu mỗi ngày một kém. Tôi và nhà trường hết sức chữa chạy nhưng không khỏi, mới đưa cháu vào Trường Nguyễn Đình Chiểu”.

Sau đó, lại phát hiện Thành bị bệnh tim. Hết hi vọng chữa cho đôi mắt có thể nhìn thấy lờ mờ lại đến mong muốn chữa bệnh tim. Từ Viện Mắt đến Viện Tim, 19 năm Thành lớn lên là 19 năm ba mẹ Thành rong ruổi nay đây mai đó.

Đôi giày đi khắp thế gian

Tuy thế, cuộc sống của gia đình Thành  vẫn tràn ngập niềm vui từ những điều bất ngờ giản dị Thành làm cho bố mẹ. “Nhận học bổng 1,6 triệu đồng, nó lẳng lặng nhờ người đi mua một cái tivi tặng mẹ vì mẹ bán hàng nước và hàng ăn cả ngày, chả có lúc nào được xem tivi” – mẹ Thành kể.

Nhưng ấn tượng nhất đối với bố Thành là năm 2004, Thành tham dự cuộc thi vẽ về Hà Nội và bất ngờ đoạt giải A.

Bức tranh Thành vẽ mang tên ban nhạc Seven Boys. Bức tranh được mang đi dự thi và triển lãm ở Nhật Bản. Một lần khác, Thành mang về nhà một bức tượng và bảo: “Con nặn đây nhưng không biết giống bố hay giống con”. Anh Đức nhìn bức tượng đầy vẻ khắc khổ với những đường nét gồ ghề bảo: “Bố thấy giống bố”. Anh nói với con vậy, nhưng lại nói với tôi: “Thật ra tôi thấy bức tượng ấy giống Thành. Và các gương mặt do cháu nặn ra đều có nét gì đó của cháu”.

Học với các thầy được vài tháng, khi bắt đầu có thể nặn tượng được, Thành nói: “Thầy, cho em sờ mặt thầy”. Thế là cả hai ông thầy ngồi im lặng hàng giờ cho Thành sờ. Cuối cùng, gương mặt của hai thầy giáo được Thành nặn xong. Những gương mặt được nặn trong sự tri ân lớn lao của một cậu học sinh tật nguyền đối với những người thầy được trưng bày trang trọng và nâng niu trong phòng trưng bày của trường. Những bức tượng gây sự xúc động cho bất kỳ ai nhìn vào bởi sự thô vụng nhưng đầy xúc cảm của tâm hồn một cậu học sinh khiếm thị.

Một thứ mà họa sĩ Huỳnh giới thiệu với tôi khi nói về Thành là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của em: một đôi giày. Khi nặn nó, Thành bảo muốn có một đôi giày để đi khắp thế gian. Đôi giày ấy Thành đã nặn xong và đôi tay của em không chỉ để sờ những gương mặt, vật dụng và hình khối. Tôi tin rằng bằng đôi tay ấy em còn tìm được, nhận ra, tưởng tượng cả thế giới cho mình và là sự bất ngờ đầy thú vị cho người sáng mắt.

HOÀNG ĐIỆP (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)