Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sự thật về những “thủy quái” ở Hồ Tây

Tạp Chí Giáo Dục

“Quái vật đầu người mình rắn” chỉ là tin bịa đặt, nhảm nhí. Tuy nhiên, đúng là ở Hồ Tây (Hà Nội) có một số loài “thủy quái” – ông Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân cho biết.
>> Hà Nội: Xôn xao tin đồn “quái vật” ở Hồ Tây

Mấy ngày nay, trên các diễn đàn, thông tin được quan tâm, hỏi han đặc biệt là đoạn video clip trên trang Arowana (trang sinh vật cảnh), quay một con vật hình thù kỳ dị và được đồn rằng, do người đi câu bắt được ở Hồ Tây. Theo đoạn video clip này, thì “quái vật” là con rắn có cái đầu hình người, với 2 tay và mái tóc dài màu bạc. 
Người tung đoạn clip cho rằng, một người câu cá đã tóm được nó ở khu vực chùa Trấn Quốc. Quái vật gồm 2 con, nhưng chỉ tóm được con đực, còn con cái đã chạy mất. 
Đoạn clip đã nhanh chóng lan truyền ra nhiều diễn đàn, được người hiếu kỳ download về máy điện thoại, rồi truyền tay nhau xem.

 

 
Thực tế, đoạn clip quay “quái vật Hồ Tây” này chính là một phần của đoạn clip quay “quái vật mình trăn đầu người”, được đồn là tóm được ở chùa Dơi (Sóc Trăng), từ hồi tháng 5, gây xôn xao một thời. 
Sự việc chỉ có vậy, song nhiều người rất thích… tin đồn, nên tin đồn qua nhiều lời kể, với một số người, đã biến thành… sự thật. Đoạn clip giả mạo này đã khiến nhiều người bỏ công sức đến Hồ Tây hỏi han, tìm hiểu. 
Thông tin quái vật mình rắn đầu người xuất hiện ở Hồ Tây khiến nhiều tay câu đổ xô về đây thử vận may.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, người quản lý du thuyền hồ Trúc Bạch, người có 15 năm kinh nghiệm đánh cá ở Hồ Tây, và ông Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân, thì chuyện hai con “quái vật đầu người mình rắn” chỉ là tin bịa đặt, nhảm nhí. Tuy nhiên, theo ông Tiến và ông Bân, đúng là ở Hồ Tây có một số loài “thủy quái”.  
“Quái vật”… ốc không nắp 
Loài “thủy quái” đầu tiên phải kể đến là ốc không nắp, hay còn gọi là không vẩy. 
Hồ Tây vốn nổi tiếng là một vựa ốc khổng lồ, cung ứng ốc cho cả thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, mấy năm nay, nhiều người tẩy chay ốc Hồ Tây vì dư luận ồn ào về loài ốc không nắp, được cho là ốc quái thai ở Hồ Tây. 
Ông Phan Ngọc Kim, Giám đốc Xí nghiệp Nuôi trồng thủy sản (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Hồ Tây) kể lại: “Mấy năm trước, thông tin về loài ốc không nắp ghê gớm lắm. Nhiều người chuyên cào ốc còn bỏ nghề vì sợ ốc bị… ma ám”. Những người bán ốc cũng ghê sợ khi nhìn thấy những con ốc không nắp thò cái miệng ù ụ thịt ra bò. Những người mê ăn ốc Hồ Tây khi nhìn thấy những con ốc này cũng hoảng hồn không dám ăn nữa. 
Nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu về loài ốc này, song cũng không có được câu trả lời thỏa đáng, khiến dư luận đồn đoán ầm ĩ. Người thì khẳng định do môi trường nước Hồ Tây có chất độc lạ. Có người cho rằng do một cơ quan bí mật đã tiến hành lai tạo ra một loài ốc mới. Thậm chí, người ta còn đồn thổi Hồ Tây nhiễm chất phóng xạ nên hình thành một loài ốc quái dị, không cần nắp vẫn sống. 
Ông Phan Ngọc Kim cho rằng, loài ốc không nắp này không phải do đưa từ nơi khác đến, vì chưa thấy nơi nào ngoài Hồ Tây có giống ốc không nắp. Theo ông Kim, có thể có sự biến thái do môi trường nước Hồ Tây thay đổi. 
Tuy nhiên, kỹ sư Nguyễn Viết Bân, nguyên Giám đốc Trung tâm cá giống Nhật Tân thì cho rằng, loài ốc đặc dị ở Hồ Tây thực ra vẫn có nắp, chỉ là nắp của nó rất mỏng, trong suốt, như một lớp màng, nên phải dùng kính lúp soi mới thấy được. 
Ông Nguyễn Viết Bân: “Ốc Hồ Tây vẫn có nắp, nhưng nắp rất mỏng, trong suốt, nên khó nhìn thấy” 
Theo ông Bân, năm 1962, Công ty Đầu tư khai thác Hồ Tây đã đưa 4 tấn ốc đá xanh từ Hà Nam về rải khắp Hồ Tây để làm thức ăn cho cá trắm đen và cá chép, vì loài ốc này phát triển rất nhanh. 
Bản thân loài ốc này đã phát triển nhanh, gặp môi trường Hồ Tây nhiều dinh dưỡng, nhiều ánh sáng, ôxi lại phát triển càng “siêu tốc”. 
Do phát triển nhanh, vòng đời lại ngắn, chỉ chừng 3 tháng, nên trong điều kiện nào đó, một lượng ốc nhất định không kiếm đủ canxi tạo nắp đậy miệng. Loài ốc không nắp này, cũng giống như trứng gà mềm do thiếu canxi. 
Cá chép mọc “hoa” 
Sau vụ ồn ào về “thủy quái ốc”, lại rộ lên tin đồn về “quái vật cá chép” ở Hồ Tây. Lý do là thi thoảng các “cần thủ” lại câu được một con cá chép không có vẩy, lại có đốm đỏ chi chít trên thân. 
Thực tế, theo ông Bân, đây không phải là “quái vật”, mà là đặc sản mới của Hồ Tây. Nó là một loài chép hoàn toàn mới, được lai tạo giữa chép Hungary và chép Việt Nam. 
Năm 1972, Viện Nghiên cứu thủy sản I (ở xã Đình Bảng, Bắc Ninh) được các nhà khoa học Hungary tặng 4 cặp cá chép Hungary. Loài chép này mình ngắn, nhẵn nhụi, không có vẩy, lớn nhanh, ăn tạp, sống khỏe. Đem cá chép Hungary lai với chép Việt Nam thịt thơm ngon, nhằm tạo ra giống chép mới cho năng suất và chất lượng cao. 
Cá chép… mọc “hoa” đánh bắt ở Hồ Tây 
Đến năm 1986, giống chép mới này lại được lai với cá chép Indonesia tạo ra giống chép mới nữa. Đến năm 1990, giống chép lai tạo này được thả đại trà ở Hồ Tây và phát triển rất nhanh. Những con chép không vẩy, mà người bán hàng thường gọi là chép lột, chính là gene lặn không vẩy từ đời tổ tiên của chúng thể hiện ra trong các thế hệ bây giờ. 
Điều đặc biệt là thịt giống “chép lột” này cực kỳ thơm ngon, chứ không nhạt như tổ tiên của chúng, do đó, được giới sành ăn rất ưa chuộng, chúng được bán với giá 100 ngàn đồng/kg. 
Theo chị Đặng Thị Lý, phụ trách bán cá ở Hồ Tây, mỗi ngày, công ty đánh bắt được vài chục con chép không vẩy, song chưa lên đến bờ đã bị các lái buôn tranh nhau mua mất.  
Theo ông Nguyễn Viết Bân, ngoài chép không vẩy, Hồ Tây còn một loại cá chép trông khá kỳ dị với lớp da loang lổ, nhiều màu sắc, trông rất lạ. Người dân không dám ăn loại cá này. 
Kỳ thực, đây là loại đột biến sắc tố trong cấu trúc di truyền của giống cá chép Hungary lai với chép Việt. Vì chép Việt màu hồng, chép Hungary màu đen, nên khi bị đột biến sắc tố, sẽ cho ra một loài có màu sắc loang lổ như vậy. Tuy nhiên, chất lượng thịt của loài cá này không có vấn đề gì cả. 
Theo Phạm Ngọc Dương
VTCNews

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)