Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: Nghề giáo đã cho tôi nhiều lắm!

Đã có lúc cô giáo Nguyễn Thị Long Hương – giáo viên Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch, quận Phú Nhuận chùn bước, tính bỏ nghề dạy học để tìm kế sinh nhai khác. Thế nhưng nhờ niềm vui phấn trắng bảng đen và những lời động viên của gia đình đã giúp cho Long Hương có thêm nghị lực tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người… 
“Cảm tình” với nghề của ba
Khi tôi hỏi duyên cớ nào mà đưa Hương đến ý định bỏ nghề thì cô không hề giấu giếm: “Từ nhỏ tôi đã có ước mơ làm cô giáo nhưng khi ra trường đi dạy người giáo viên phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn: dạy xa nhà, đồng lương eo hẹp, những ngành nghề khác thu nhập cao hơn”. Thế nhưng cũng may là cô chưa bỏ dạy ngày nào: “Khi có ý định nghỉ dạy, trong 3 tháng hè năm đó tôi “âm thầm” đi làm thêm nghề may nhưng rồi thấy không phù hợp. Hơn nữa khi xa trường mới thấy nhớ học trò, đồng nghiệp hơn bao giờ hết nên sau đó tôi đã quay lại với nghề”.
… Tuổi thơ của Long Hương đã đi qua những tháng ngày êm đẹp. Ngay từ nhỏ cô bé đã được hít thở không khí trong lành của môi trường giáo dục trong gia đình. Là một giáo viên dạy toán Trường Xô Viết (sau này nhập chung với Trường THCS Ngô Tất Tố – quận Phú Nhuận), ba của Hương có một “kho chữ” trong đầu. Người cậu ruột lại là một giáo viên dạy văn của Trường THCS Cầu Kiệu nên con đường học tập của mấy chị em Hương cũng rất thuận lợi. Dù rất cưng chiều con nhưng tối nào người cha cũng bắt các con của mình vào bàn ngồi học nghiêm túc vì theo ông “học cho ra học, chơi ra chơi” không được chểnh mảng bài vở. Ông thường tuyên bố: “Đi học là phải mang giấy khen về cho ba mẹ. Không có giấy khen thì đáng xấu hổ lắm nhất là con của thầy giáo”. Có lẽ vì những lời khuyên nghiêm khắc đó mà chị em Hương không ai bảo ai luôn học chăm và giỏi. Những tấm giấy khen của 5 chị em Hương luôn làm cho ba mẹ vui lòng và mãn nguyện. Hồi đó bạn bè nhiều đứa đi học thêm và rủ Hương đi cùng nhưng khi Hương xin phép thì ông bảo: “Con cứ học hết bài ở lớp đi đã khi nào học xong thì mới đi học thêm”. Cũng có lần vì chuyện học mà Hương đã bị ba la. Bữa đó do ở lớp chép bài không kịp nên Hương xin ba sang nhà bạn mượn vở về chép bài. Tưởng ba đồng ý ngay ai ngờ ông tuyên bố: “Chắc là con vào lớp ngồi nói chuyện riêng không tập trung nghe giảng nên chép bài không kịp. Lần này chứ lần sau con không được như thế nữa nha”. Trong con mắt của Hương, ba là người rất nghiêm khắc thế nhưng khi các anh chị học trò đến thăm ba ai cũng khen là “thầy rất hiền, thương học sinh lắm”.
Những ngày nghỉ cuối tuần trong ngôi nhà nhỏ náo nhiệt hẳn lên khi các bạn bè của ba đến chơi sau đó đánh cờ tướng và trò chuyện. Là con gái thế mà khi nào các bác trải chiếu ra Hương cũng sà vào xem đến nỗi rành các nước cờ luôn. Mẹ buôn bán nhỏ, ba đi dạy tuy kinh tế gia đình không khá giả nhưng cuộc sống tạm ổn định, mấy chị em ai cũng được học hành tử tế. Mỗi lần đi đâu về ba thường mua quà cho mấy chị em nhưng Hương thích nhất là những quyển truyện tranh có hình ảnh đẹp, cốt truyện hay, đọc hoài không chán. Cho đến bây giờ Hương vẫn còn giữ cuốn truyện tranh chú bé mũi dài Buratino mà ba đã mua từ lâu lắm. Tuy không nói ra cho ai biết nhưng Long Hương đã có “cảm tình” với nghề của ba từ bé. Không biết tương lai của mình như thế nào nhưng ước mơ lớn lên sẽ làm cô giáo luôn được Hương ấp ủ trong lòng. Ước mơ đó mãi đến năm 1987 cô mới thực hiện được.
Tâm sự với nghề
Tốt nghiệp trường sư phạm, Long Hương không được về dạy gần nhà mà phải nhận công tác ở Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp (lúc này cấp 1, 2 chung). Mới đầu Hương cũng nản vì trường xa nhà đi lại quá vất vả. Nhưng khi nghĩ tới những bạn bè khác phải đi các huyện ngoại thành Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè thì cô lại an tâm vì thấy mình còn may mắn hơn nhiều. Về trường Hương mới biết còn có nhiều người ở xa hơn mình, một tuần mới được về thăm nhà một lần. Dạy vài tháng dành dụm được ít tiền Hương mua chiếc xe đạp để làm phương tiện đi về ngày hai buổi. Không chỉ những giáo viên trẻ đồng lương khiêm tốn mà ngay cả những thầy cô giáo có thâm niên cuộc sống cũng chật vật hơn những nghề khác. Thế nhưng nhịp sống học đường đã bắt đầu cuốn hút những cô giáo mới ra trường trong đó có Long Hương. Phan Tây Hồ lại là ngôi trường có nhiều hoạt động phong trào nên từng ngày niềm vui lấn át hết mọi nỗi buồn cho những ai không đứng ngoài cuộc. Hàng ngày tiếp xúc với các em, Hương thấy mùa xuân như ở mãi trong tuổi của mình, mọi lo toan vướng bận của cuộc sống cũng dần vứt bỏ hết. Lắng nghe giọng nói trong trẻo, nhìn ánh mắt thơ ngây của học trò thầy cô nào cũng muốn truyền cho các em những tình cảm thân thương nhất, cho các em biết những điều hay lẽ phải, Long Hương bộc bạch: “Cũng có khi các em bị cô giáo la mắng vì mắc lỗi thế nhưng không bao giờ các em giận cô, xong đó là thôi, hồn nhiên lắm”. 
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nhưng kỷ niệm nhiều nhất đối với cô giáo Hương là hình ảnh những học trò nghèo. Nhìn chiếc áo các em chưa lành lặn, nhiều em không có tiền ăn sáng, chưa có tiền mua sách vở cô chủ nhiệm không khỏi bùi ngùi, lời bài giảng có lúc như chùng xuống. Nhiều học sinh nghèo nhưng lại hiếu học muốn “thay đổi cuộc đời” bằng tri thức. Ngược lại, có em được sống trong nhung lụa nhưng cuộc đời vẫn thiếu may mắn do cha mẹ bất hòa, không người chăm sóc nuôi dưỡng. Cô Long Hương kể, có lớp cô chủ nhiệm chỉ 50 học sinh mà đã có 10 em phải bơ vơ sống trong cảnh “gà con mất mẹ” vì chuyện ly hôn, phải nhờ bàn tay của họ hàng người thân. Không chỉ thiệt thòi về tình cảm mà nhiều lúc các em lại trở thành nạn nhân của xung đột gia đình. “Các em chỉ còn lại chỗ dựa từ thầy cô, bạn bè, trường lớp nên hơn ai hết giáo viên chủ nhiệm phải hiểu hoàn cảnh từng trường hợp để thông cảm và giúp các em định hướng lại cuộc đời” – Hương chia sẻ kinh nghiệm.
Năm 2003, cả gia đình cô giáo Nguyễn Thị Long Hương “bội thu” về con đường học vấn. Vừa tốt nghiệp khóa học chính trị, Hương vào Trường ĐH Sài Gòn lấy bằng cử nhân tiểu học, học thêm lớp cán bộ quản lý. Đó cũng là năm đứa con gái lớn thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thiện – chồng Hương vừa công tác vừa theo học cử nhân toán – tin Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn để làm gương cho con cái. Tâm sự về nghề Hương đã trải lòng mình: “Nghề dạy học cho mình nhiều thứ nhưng đáng quý nhất là nghề đã cho mình một trái tim biết thương yêu trẻ, một nhân cách với những phẩm chất cao quý để sống và làm việc tốt hơn”.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)