Bị bố mẹ chửi mắng: bỏ nhà đi. Gia đình mải làm ăn không quan tâm: bỏ nhà đi. Bố mẹ ly hôn, chán đời: bỏ nhà ra đi…Đó là hiện trạng của giới trẻ hiện nay. Hậu quả của những “kịch bản” làm mình làm mẩy, dại dột của các cô gái trẻ là bị kẻ xấu lợi dụng; bắt cóc, tống tiền, cướp giật, ép bán dâm…
Trong 6 tháng đầu năm 2008, đã xảy 160 vụ buôn bán trẻ em và phụ nữ, trong đó phần lớn là các cô gái trẻ. Các vụ án đau lòng liên tục xảy ra trong thời gian vừa qua thường xuyên được kết luận bằng câu: “Bọn trẻ bây giờ hư quá. Được ăn sung, mặc sướng, học trường ngon mà còn nổi loạn. Đến khi xảy ra chuyện thì hết đời”.
Thế nhưng, có bao giờ, người lớn, các bậc cha mẹ nhìn lại và nhận thấy rằng lỗi một phần cũng thuộc về mình?
Nghiêm khắc hay nuông chiều
Bắt đầu là câu chuyện của Lê Ngọc Thanh, 16 tuổi, ở Q. Hoàng Mai, Hà Nội. Thanh đang tuổi lớn, xinh xắn nên có nhiều bạn bè. Đêm nào cũng có người gọi điện, nhưng đến khi bố Thanh nhấc máy thì không ai trả lời. Cho rằng con mình đua đòi có bạn trai khi chỉ mới tí tuổi đầu nên bố mẹ Thanh đã nhiều lần nặng lời mắng mỏ.
Giận bố mẹ, Thanh bỏ đi, chỉ mang theo duy nhất chiếc xe đạp cũ. Lang thang vạ vật mấy ngày ở bến xe buýt, công viên, Thanh nhẵn túi. Đêm 23-8-2008, Thanh phải gọi taxi đến nhà bạn để xin “tiếp viện”. Thế nhưng không chiếc taxi nào muốn chở một cô bé không tiền.
Hai người đàn ông đi taxi đã cho cô bé đi nhờ. Thế nhưng, bọn chúng đã đưa Thanh vào chỗ vắng định giở trò dâm ô. May mắn là công an phường Hoàng Liệt có mặt kịp thời nên cô bé mới được giải cứu.
Sau vụ án đó rất nhiều chữ nếu được đặt ra. Trong đó có chữ “Nếu” cha mẹ Thanh chịu tìm hiểu con gái và để ý đến con nhiều hơn, mọi việc sẽ không diễn biến xấu đến như vậy.
Ở tuổi thiếu nữ, các em thường rất dễ bị tổn thương và có những hành động sốc nổi. Quá nghiêm khắc hay quá nuông chiều đều không phải là giải pháp giáo dục tốt.
Bố mẹ ơi! Hãy quan tâm đến con
Một nguyên nhân và cũng là thực trạng đáng báo động đó là sự thờ ơ, vô tâm của các bậc phụ huynh. Họ nghĩ rằng con mình đủ khôn lớn để tự giải quyết những việc xảy ra với nó.
Thật đáng lo khi nhiều bố mẹ cho biết họ nghĩ rằng con mình có thể tự lo hoặc “Nó bỏ nhà đi, hết tiền rồi về đấy mà”. Sau vài lần thấy con đi chơi qua đêm mà vẫn trở về bình thường, những lần sau họ không cần hỏi đến.
Họ có nghĩ rằng cuộc sống ngoài kia có bao nhiêu cạm bẫy, con cái họ liệu có thể được an toàn?
Như trường hợp của em Nguyễn Thị Lan, nhà ở phường Trương Định, Hà Nội. Bố mẹ bận bịu kiếm sống nên để mặc em tự xoay xở. Lan thường giải trí bằng cách ra quán Internet. Đột nhiên Lan mất tích.
Năm ngày sau, công an phá được ổ mại dâm, đưa cô bé trở về nhà, bố mẹ Lan mới ngỡ ngàng. Năm ngày trong sự khống chế của kẻ xấu, Lan đã phải tiếp khách.
Điều đáng lên án là suốt thời gian con gái vắng mặt ở nhà, bố mẹ cô bé không hề lo lắng, báo với cơ quan công an. Sự thờ ơ, vô trách nhiệm đó đã khiến Lan phải chịu hậu quả nặng nề.
Mỗi bố mẹ đều có cách dạy con khác nhau. Nhưng mong muốn cuối cùng vẫn là những đứa con lớn lên khoẻ mạnh, sống tốt trước hết cho chính bản thân nó.
Có bà mẹ đã than thở rằng “Giá như mình bớt yêu con đi một chút, thì nó không hư hỏng thế này”. Nói thì vậy chứ bố mẹ chỉ có thể bớt ăn, bớt mặc, chứ ai bớt yêu con. Thay vì chiều chuộng hãy yêu con cho đúng, quan tâm cho tốt.
Bên cạnh đó, nếu muốn một đứa trẻ phát triển tốt, bảo vệ được trẻ, cần phải có sự giáo dục, giúp đỡ của xã hội. Đã đến lúc cần có những địa chỉ, số điện thoại khẩn cấp để khi gặp trường hợp xấu, các em có thể cấp báo.
Theo Tiếp Thị &Gia Đình
Bình luận (0)