Y tế - Văn hóaThư giãn

Giải Cánh diều 2012: Chưa thu hút

Tạp Chí Giáo Dục

Có gần 20 phim truyện nhựa phát hành ra rạp trong năm 2012 nhưng chỉ có 11 phim tham gia giải Cánh diều và chất lượng không đồng đều
Dù ban tổ chức là Hội Điện ảnh Việt Nam đã nỗ lực vận động nhưng giải Cánh diều – giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam – vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các đơn vị sản xuất phim quan tâm gửi phim tranh tài. Bộ phim Mùa hè lạnh được đạo diễn Ngô Quang Hải mang đi dự giải vào phút cuối nên sẽ có 11 phim chính thức tham dự giải Cánh diều 2012 (trên tổng số gần 20 phim điện ảnh ra rạp trong năm). Điều đáng nói là sự sôi động và tính cạnh tranh của mùa giải lần này không cao khi nhìn vào danh sách phim tham dự, những người trong giới đã có thể dự đoán được phim nào có nhiều cơ hội thắng giải và phim nào chỉ “góp mặt cho vui”.
Phim Lạc lối còn bí ẩn
Ngoài bộ phim Lạc lối của đạo diễn – NSƯT Phạm Nhuệ Giang chưa được ra mắt báo giới và khán giả, các phim còn lại cũng không có được nhiều phim hay. Theo nhận định của nhiều người trong giới, qua “thẩm định chất lượng” từ báo chí, công chúng điện ảnh cũng có thể thấy rất rõ những ứng viên sáng giá.
Lâu nay, yếu tố nghệ thuật và doanh thu thường không gặp nhau trong cùng một tác phẩm điện ảnh. Các phim dự thi năm nay cũng tự động phân chia thành “hai luồng”. Phía phim doanh thu có Nhà có năm nàng tiên, Gia sư nữ quái, Cưới ngay kẻo lỡ. Phía phim kén khán giả có Đam mê, Lấy chồng người ta, Mùa hè lạnh. Riêng Cát nóng và Dành cho tháng 6 lại thuộc 2 “trường phái” khác, một làm “trả nợ” cho Hãng phim Giải Phóng – theo cách nói của đạo diễn Lê Hoàng; một đầu tư vì đam mê của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn.
Scandal – bộ phim thành công cả về doanh thu lẫn dư luận trên màn ảnh rộng 2012. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Tuy nhiên, sự khác biệt lớn của năm nay chính là có được hai bộ phim có đầy đủ 2 yếu tố: doanh thu và nghệ thuật, được sự khen ngợi của cả giới chuyên môn lẫn khán giả: Scandal – Bí mật thảm đỏ và Thiên mệnh anh hùng (cùng của đạo diễn Victor Vũ). Trong đó, Thiên mệnh anh hùng từng đoạt giải ban giám khảo tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2-2012. Cho nên, “bản lĩnh” của ban giám khảo và ban tổ chức, theo cách nói của đạo diễn phim Trăng nơi đáy giếng – Nguyễn Vinh Sơn, không chỉ là biết tách mình ra khỏi số đông khán giả mà còn dám chịu trách nhiệm, dám “bứt’ ra khỏi những chi phối không mang tính nghề nghiệp để ghi nhận được những sáng tạo, thành công mang tính đột phá.
Ai cũng có thể thấy các giải thưởng của hội nghề nghiệp lâu nay đều ít cơ hội cho phim giải trí, thương mại. Điều này cũng vô tình tạo tâm lý ái ngại, không mấy mặn mà gửi phim dự giải của nhiều đạo diễn, nhà làm phim tư nhân. So với những năm trước đây, phim điện ảnh ra rạp năm 2012 đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Doanh thu của phim cũng ngày càng tăng lên theo sự quan tâm, phản hồi – dù là khen hay chê – của công chúng.  Thế nhưng, sự phát triển theo chiều hướng đáng khuyến khích này của điện ảnh Việt vẫn không mang đến một không khí khác hơn cho giải Cánh diều lần này. 
Tiếp tục tranh cãi
Giải Cánh diều 2012 mở rộng tiêu chí hơn ở nhiều hạng mục là “rất đáng hoan nghênh”, theo nhìn nhận của đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn. “Cần có một quy định hết sức rõ ràng về tác phẩm dự giải. Ngay cả với Oscar, các phim dự giải đều phải là những phim đã được phát hành rộng rãi trong nước” –  đạo diễn Đào Bá Sơn bày tỏ về trường hợp phim Lạc lối, chưa được phát hành nhưng được chọn dự giải.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nêu quan điểm đã là giải thưởng của hội nghề nghiệp thì phim đoạt giải không cần cứ phải là phim được lòng khán giả. Cho nên, việc phim Lạc lối được chiếu rộng rãi hay không không quan trọng. Quan điểm này vấp phải phản ứng của báo giới và công chúng vì nếu giải thưởng riêng của hội, không quan tâm đến công chúng thì việc gì phải tổ chức lễ trao giải rùm beng lại còn tổ chức truyền hình trực tiếp?!
Nhiều người trong giới lo ngại một bộ phim chỉ được chiếu trong khuôn khổ ban giám khảo trong trường hợp được trao giải, liệu rằng có đủ sức thuyết phục số đông? Và uy tín, tiếng vang của một giải thưởng nghề nghiệp có đủ sức tác động đến công chúng hay chỉ chìm khuất theo kiểu “người trong giới chơi với nhau?”. PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Giám khảo phim truyện nhựa giải Cánh diều 2012, cho rằng không nhất thiết phải đặt ra quá nhiều chuẩn mực nhưng cần phải thống nhất việc phim chưa công chiếu rộng rãi có nên chấm giải hay không. Điều này được bà Hồng Ngát tiếp thu và cho biết “sẽ cân nhắc kỹ trong những năm sau”.
Nhiều ý kiến cho rằng giải Cánh diều muốn hướng đến công chúng thì phim dự giải phải là phim đã trình chiếu ở rạp, như quy định của giải Oscar vậy. Có như thế công chúng mới biết đến và có cơ sở để so sánh mức độ nhìn nhận, đánh giá của giới chuyên môn giữa các tác phẩm dự thi, lúc đó mới nói đến tính định hướng thẩm mỹ của giải thưởng. 
Cánh diều 2012 không thu hút được nhiều phim tham gia, lại gây tranh cãi ngày từ khởi đầu khiến nhiều người trong giới e ngại rằng rồi đây giải sẽ chỉ là “đến hẹn lại lên”, dần tự đánh mất vị thế của một giải thưởng nghề nghiệp.
Chấm giải theo tiêu chí chuyên môn
“Quan điểm giữa giám khảo và khán giả, thậm chí với cả báo chí, cũng có thể sẽ rất khác nhau. Có những phim đáp ứng được nhu cầu của công chúng nhưng không được lòng giới chuyên môn và ngược lại. Làm sao để thu hẹp được khoảng cách đó? Không dễ chút nào. Nhưng tiêu chí của ban giám khảo là đánh giá dựa trên tính nghề nghiệp chứ không thể theo góc nhìn của số đông khán giả. Lựa chọn hoàn toàn tùy thuộc vào bản lĩnh của ban giám khảo” – đạo diễn Vinh Sơn, thành viên ban giám khảo phim truyện điện ảnh, nói.

 

Bình luận (0)