GV tiến hành tiết dạy trên lớp sao cho phù hợp với tình hình thực tế của lớp. Ảnh: N.Anh
|
Để có tiết học phù hợp, hiệu quả và thành công thì người thầy phải có cái nhìn tổng thể, bao quát và toàn diện. Phải tiến hành tiết dạy trên lớp sao cho phù hợp với tình hình thực tế của lớp học, trường học. Phải “liệu cơm gắp mắm”, phải “chế biến” tiết học sao cho phù hợp, khoa học về thời gian, cách thức lên lớp và phương pháp tiến hành nhưng vẫn phát huy hiệu quả tương tác giáo dục cao nhất. Theo tôi, để đạt được những tiêu chí đó mỗi giáo viên (GV) phải:
Thứ nhất, đó là dựa vào tình hình thực tế của lớp học. Mỗi lớp có những đối tượng học sinh (HS) khác nhau về tính cách, về trình độ nhận thức, về khả năng tiếp thu, về điều kiện hoàn cảnh gia đình. Những điều kiện thực tế lớp học sẽ giúp GV có tiến trình lên lớp phù hợp, để truyền đạt kiến thức cơ bản và trọng tâm, vừa giúp HS trung bình hiểu bài và vận dụng bài, vừa giúp HS có học lực khá, giỏi có điều kiện tiếp xúc với dạng bài tập nâng cao. Mặt khác, vào lớp GV phải tạo cho HS cảm thấy thoải mái, hứng thú và khơi gợi sự năng động, ham phát biểu xây dựng bài ở mỗi HS trong lớp. Điều này rất quan trọng, nó là một tiêu chí của tiết học tốt, giúp HS hiểu bài ngay tại lớp, thông qua quá trình phát biểu, trao đổi bài giữa GV và HS sẽ giúp HS vận dụng và hiểu bài ngay tại lớp – hiệu quả của bài học được phát huy.
Thứ hai, dựa vào tình hình thực tế của trường học như cơ sở vật chất: bàn ghế, lớp học, máy chiếu, trang thiết bị, cách thức quản lí, số lượng HS… cũng tác động đến hiệu quả đến việc dạy tốt và học tốt. Thực ra, với GV điều này đã được đánh đổi bằng sự chuẩn bị giáo án chu đáo từ trước đó, không chỉ về yêu cầu nắm vững kiến thức, kỹ năng mà còn phải biết dự kiến trước các tình huống phát sinh để có cách giải quyết. Nhiều GV có kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy học ví việc soạn giáo án cho từng bài học y như là xây dựng các “kịch bản” vậy. Các thành tựu của CNTT giờ đây đã giúp ích cho GV rất nhiều trong công việc này với điều kiện họ biết nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để giáo án không ngừng phát triển; nhiều bài giảng, nhiều môn học, tiết học nếu áp dụng CNTT vào bài giảng với những phần mềm như: Power Point, Violet… sẽ tạo ra sự sinh động, hiệu quả trong giảng dạy. Tuy nhiên, không phải điều kiện thực tế của trường nào cũng cho phép GV lên lớp bằng giáo án điện tử, trừ khi những tiết thao giảng hay dạy tốt.
Thứ ba, hoạt động dạy và học là nhiệm vụ trọng tâm của trường, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện. Hoạt động của tổ chuyên môn: Tổ chuyên môn sinh hoạt 2 lần/ tuần, tập trung vào công tác chuyên môn như thảo luận về đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, nghiên cứu đồ dùng dạy học tự làm, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức thao giảng dự giờ rút kinh nghiệm đối với những bài mới, bài khó, kế hoạch và nội dung dạy tự chọn, tổ chức kiểm tra theo đề chung để đánh giá chính xác trình độ học sinh, đặc biệt thực hiện đầy đủ các tiết thực hành, thí nghiệm… Ban giám hiệu và các tổ trưởng chuyên môn thường xuyên kiểm tra hồ sơ giáo án, dự giờ GV (định kì và đột xuất) để kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình, việc đổi mới phương pháp, hiệu quả giảng dạy để kịp thời có những điều chỉnh, khắc phục những sai sót theo đúng yêu cầu chung, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ GV. Để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tạo không khí học tập sôi nổi trong HS, nhà trường thông qua tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên thường xuyên phát động phong trào thi đua “Dạy tốt và học tốt”: tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề, thao giảng trong GV; xây dựng những điển hình tập thể và cá nhân học tập tốt… có đánh giá, tuyên dương khen thưởng. Tất cả sẽ thúc đẩy phong trào dạy và học trong nhà trường diễn ra sôi nổi và đạt kết quả tốt.
Dựa vào tình hình thực tế để tiến hành dạy học cho phù hợp, hiệu quả là cái nhìn tổng thể, hài hòa và mang tính toàn diện của GV khi tiến hành các hoạt động dạy và học. Đó là cái nhìn tổng thể về lớp học, trường học và thực tế địa phương sở tại để có những giờ lên lớp phù hợp, hiệu quả. “Biết mình, biết ta trăm trận trăm thắng” cũng là câu nói để cho thấy cái nhìn khái quát về thực tế, qua đó biết tận dụng và phát huy hết thảy nội lực để giành thắng lợi. “Liệu cơm gắp mắm” chính là phương thức, cách thực hiện từ cái nhìn tổng thể thực tế mà mình công tác để có những tiết học hay và thành công.
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM)
Bình luận (0)