Những hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt (ảnh) không nhất thiết phải do hiệu trưởng tổ chức, chỉ cần đoàn trường đứng ra phát động là được (ảnh minh họa). Ảnh: Thái Bình |
Đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần thứ XI sát thực tế, theo chủ đề của năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Để đáp ứng chủ đề này đòi hỏi hiệu trưởng phải đổi mới cách nhìn, cách làm việc của mình, có tầm nhìn sâu, nắm bắt được khả năng của từng giáo viên để giao việc cho từng người phù hợp với năng lực của họ, từ đó phát huy tính sáng tạo của từng thành viên trong trường, nâng dần chất lượng giáo dục toàn diện.
1. Theo tôi cách làm của ông hiệu trưởng trường A, khi mới nhìn vào chúng ta thấy ông là một hiệu trưởng đa tài, rất toàn vẹn. Việc gì dù lớn hay nhỏ trong trường ông đều làm. Nhưng để thể hiện bản lĩnh của mình ông còn bắt mọi người làm theo để chứng tỏ cái gì mình cũng làm được. Việc ông đi dự giờ góp ý tất cả các môn như vậy là lấn sân, theo tôi ông phải giao việc này cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phụ trách vì làm một lúc nhiều việc càng dễ mắc sai lầm hơn, nhất là hiện nay trong trường việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, hiệu trưởng có đủ điều kiện để dự các tiết dạy này không? Có thể góp ý giáo án điện tử không? Còn các môn khác không thuộc chuyên môn của mình, mình góp ý buộc giáo viên làm theo ý mình là không tốt. Việc xếp hàng, giáo dục đạo đức học sinh là trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm và tổng phụ trách, hiệu trưởng chỉ theo dõi và nhắc nhở đừng làm thay như thế… Các phong trào khác như: TDTT, văn nghệ, lao động… ông đều đóng vai chính, do vậy khi có ông thì công việc trôi chảy, còn khi không có ông thì công việc rối tung lên, vì từ trước tới giờ ông không giao cho ai phụ trách, giáo viên chỉ làm theo nhạc trưởng. Làm như vậy ông cứ tưởng mình là người toàn năng, thật ra là không toàn vẹn, không phát huy tính tích cực sáng tạo của từng thành viên trong tập thể sư phạm nhà trường. Trên thực tế có nhiều hiệu trưởng làm như hiệu trưởng trường A để thể hiện bản lĩnh, quyền hạn hiệu trưởng của mình, làm nổi để cấp trên khen mình là hiệu trưởng toàn năng.
2. Còn ông hiệu trưởng trường B thì hoàn toàn trái ngược, ông thực hiện giao việc theo kế hoạch tuần, tháng, học kỳ, năm học cho giáo viên thực hiện, ông chỉ việc theo dõi và động viên nhắc nhở từng bộ phận làm tốt công việc được giao, nếu bộ phận nào khi thực hiện có gặp khó khăn thì ông cùng giáo viên đó tháo gỡ trở ngại vướng mắc để hoàn thành tốt công việc được giao. Theo tôi, hiệu trưởng trường B biết người biết việc mà giao việc cho từng người phù hợp, phát huy tính năng động sáng tạo của từng thành viên trong trường để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mà cấp trên giao phó. Ông ta chỉ có mắc một lỗi là chưa theo sát từng việc làm, cụ thể là ông ung dung uống trà khi tổng phụ trách điều khiển học sinh xếp hàng chuẩn bị chào cờ, đúng ra ông phải có mặt theo dõi việc làm của tổng phụ trách, nếu có khó khăn gì thì ông kịp thời nhắc nhở, giúp tổng phụ trách hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phải tin tưởng giáo viên, sẵn sàng giao việc cho từng bộ phận, hiệu trưởng theo dõi nhắc nhở đôn đốc giáo viên làm, có như thế mới phát huy hết khả năng linh hoạt sáng tạo của từng giáo viên. Hiệu trưởng phải thể hiện bản lĩnh của mình, khi nào giáo viên làm không được thì hiệu trưởng mới nhúng tay làm, thể hiện mình nói được làm được. Có như thế mới đúng là hiệu trưởng toàn năng.
3. Hưởng ứng chủ đề năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, theo tôi, người quản lý (hiệu trưởng) phải có các điều kiện sau đây mới đáp ứng chủ đề năm học mới này: hiệu trưởng phải giỏi về chuyên môn vững về nghiệp vụ, giỏi tin học, biết linh động sáng tạo trong công việc sử dụng giáo viên; biết phân công bố trí hợp lý, phát huy tính sáng tạo của từng thành viên trong trường và có trình độ chuyên môn trên chuẩn của cấp học mình phụ trách. Khai thác triệt để người tài, giao việc đúng sở trường từ đó công việc trong trường mới trôi chảy và tốt hơn.
Đổi mới quản lý phải là đổi mới cách làm, cách nhìn của hiệu trưởng, biết nhìn sâu hiểu rộng, sẵn sàng giao việc cho từng bộ phận, phát huy tính sáng tạo tích cực trong công việc của giáo viên, từ đó mọi người mới làm hết khả năng của mình, phát huy hết sở trường của cá nhân để phong trào của trường sẽ đồng bộ phát triển hơn. Có như thế tôi tin chắc rằng công việc của trường hoạt động tốt, chất lượng giáo dục sẽ ngày càng nâng cao, do đội ngũ nhiệt tình công tác, do có hiệu trưởng đa tài, linh hoạt sáng tạo trong quản lý.
Dương Minh Vũ (Bến Tre)
Bình luận (0)