Thời gian gần đây, hiện tượng “bạo lực học đường” trở thành vấn đề nóng của xã hội. Tuy nhiên đánh giá nó và tìm cách giải quyết triệt để là một việc làm không dễ.
Theo TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, cần phải nhìn nhận vấn đề “bạo lực học đường” (BLHĐ) một cách thận trọng và khách quan. Bên cạnh đó để làm triệt để thì Bộ GD-ĐT cần phải không né tránh, quyết tâm giải quyết.
Việc học sinh (HS) đánh nhau không phải thời nay mới có mà thời nào cũng có, không phải chỉ có mỗi HS Việt Nam mà nước nào cũng có chuyện “bắt nạt”. Ở Anh đã có cả hiệp hội “Chống bắt nạt trong trường học”, châu Âu có cả “Hiến chương Châu Âu vì trường học dân chủ không có bạo lực”.
Ở đây có vấn đề tâm lý lứa tuổi của tuổi mới lớn và đang lớn tính cách đang dần hoàn thiện, nhiều suy nghĩ hành vi chưa chín chắn, ổn định. Do đó chỉ cần bạn “nhìn đểu” mình có bao nhiêu chuyện xảy ra. Nếu hành vi ứng xử với nhau chỉ là những chuyện lặt vặt, có thể cho qua, coi đó là chuyện nhỏ nhưng mọi hành vi của HS trong các trường vừa qua lại không dừng lại để có thể cho là “chuyện nhỏ”.
Qua nhiều clip HS đánh nhau gần đây cho thấy, những mâu thuẫn dù là nhỏ hay lớn đều được đẩy đến cao trào đó là những cuộc “bạo lực”. Nhiều người khi xem xong những clip đều ở trạng thái “sốc” bởi lẽ không thể tin được HS thời nay lại manh động đến thế.
Tuy nhiên có một điều dễ nhận thấy, khi các hành vi “BLHĐ” được phương tiện truyền thông đưa tin dồn dập vô tình đã là hình thức tiếp tay để “BLHĐ” lan tỏa rộng hơn. Sở dĩ nói vậy là do hiện nay đa số các cuộc mổ xẻ đều đổ trách nhiệm lên phía nhà trường chứ chưa có sự lên án gay gắt đối với những HS gây ra “BLHĐ” hoặc đưa ra những cách giải quyết hay của mỗi nơi xảy ra sự việc.
Điều này được thể hiện ở chỗ, nếu như trước kia các hình ảnh HS đánh nhau được ghi lại bằng sự thiếu hiểu biết thì giờ đây nó đã có chủ đích. Hình ảnh chất lượng hơn, có sự sắp xếp “phân vai” để clip “độc” hơn.
Hiện nay, trong khi tìm nguyên nhân để giải quyết triệt để, chúng ta chỉ đưa ra những thiếu sót của nhà trường, của gia đình, của xã hội nhưng lại quên mất đối tượng cần giáo dục là những HS gây nên “BLHĐ”. Ngoài việc nghĩ cách giáo dục đến nơi, đến chốn thì những HS này cần phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng chúng ta đã quá coi nhẹ mặt này.
Một hiệu trưởng của một trường THPT ở Hà Nội phân tích, tụ tập bạn bè đi hành hung gây thương tích cho người khác, chỉ gửi về trường, về nhà để giáo dục thì chưa đủ để buộc các HS này phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Không thể để cha mẹ, thầy cô “è cổ” chịu thay cho các em. Chính vì thế, những HS ở tuổi vị thành vi phạm pháp luật tuy chưa thể bắt chúng ra tòa, nhưng luật pháp phải có hình thức như giam giữ có thời hạn để giáo dục, hay phạt cải tạo công ích…
“Chúng ta không từ chối kiên trì giáo dục HS nhưng trước khi để nhà trường làm chức năng giáo dục, có lẽ HS cần được xã hội, pháp luật bắt chúng phải chịu trách nhiệm cá nhân trước đã, chắc khi đó các hình thức giáo dục của nhà trường mới có tác dụng”, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.
Nếu HS bậc mầm non và tiểu học không thường bắt chước, làm theo thì ở bậc THCS, THPT về mặt tư duy các em đã phát triển tốt nhiều hơn về suy luận, cá tính bộc lộ rõ hơn. Xu hướng tự khẳng định mình ngày càng rõ nét. Do đó quá trình giáo dục lúc này thành công chính là quá trình làm sao để các em tự giáo dục, tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân. Vì vậy cần để HS tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước là cách giáo dục thiết thực và hiệu quả.
Nguyễn Hùng / Dan tri
Bình luận (0)