Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ngành sư phạm-Nỗi lo đầu vào

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cách đây hơn chục năm, đào tạo sư phạm đã từng có thời “hoàng kim”, đã từng xóa được nỗi ám ảnh “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” trong những năm 80 của thế kỷ XX. Nhưng nỗi ám ảnh đó dường như đang trở lại, khi mà vài mùa tuyển sinh gần đây số lượng thí sinh dự thi sư phạm bắt đầu giảm nhiệt.
Đối với nơi đào tạo ra những người thầy, việc không được nhiều học sinh giỏi lựa chọn, có thể để lại hậu quả mà không chỉ một ngành phải gánh chịu…
Điểm chuẩn không cao
Mùa tuyển sinh năm 2009, cận cảnh “lò sư phạm” có tiếng nhất cả nước – ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy, tỷ lệ “chọi” đã có vẻ giảm “nhiệt” hơn. Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay là 21.000, giảm 2.600 hồ sơ so với năm 2008. Trong khi chỉ tiêu tuyển khóa mới 59 của trường năm nay là 2.500, tỷ lệ “chọi” trung bình là 1/8,4.
Về “lượng” là thế, về “chất” còn đáng nói hơn. Điểm chuẩn đầu vào của ĐH Sư phạm Hà Nội năm nay không hề cao. “Đỉnh” nhất là sư phạm Toán lấy 22 điểm (KV3), sau đó là Văn khối C 23 điểm; còn lại rất nhiều ngành khác lấy thấp, như Hóa, Sinh chỉ lấy 16 điểm; Tin 16,5 điểm. Chỉ tiêu là 2.500 sinh viên cho khóa mới 59 vẫn không tuyển được đủ với NV1, trường phải lấy thêm 266 sinh viên ở NV2.
Sinh viên khoa Điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thực hành kiểm tra linh kiện bo mạch. Ảnh: Mai Hải
Ngoài “lò” ĐH sư phạm Hà Nội, dễ dàng nhận thấy “đầu vào” của nhiều trường sư phạm khác đang gặp khó khăn. Trong thông báo toàn cảnh NV3 của Bộ GD-ĐT cho mùa tuyển sinh năm nay mà Bộ vừa công bố, có sự góp mặt của quá nhiều trường sư phạm. Trường Sư phạm kỹ thuật Nam Định tuyển 500 chỉ tiêu với điểm chuẩn chỉ là 13 cho KV3. Trường ĐH Thái Nguyên cũng tuyển thêm các ngành đào tạo giáo viên THCS trình độ ĐH sư phạm với điểm chuẩn chỉ từ 13-17 điểm. Sư phạm Huế cũng phải tìm kiếm thêm nguồn từ NV3 cho một số ngành nghề với điểm chuẩn chỉ từ 13-16 điểm. Tình trạng này cũng diễn ra chung đối với các trường CĐSP của các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Tĩnh… và rất nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Một thực tế đáng lo lắng hiện nay cần đặt ra, đó là khi đặt bút ghi hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ, nhiều học sinh có học lực giỏi đã không đăng ký dự thi vào ngành sư phạm.
Học sinh giỏi không chọn “làm thầy”
Những năm trước, đào tạo sư phạm đã rơi vào cảnh “mịt mờ” với quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng đến năm 1997, ngành GD-ĐT đã từng ghi nhận một đột biến. Theo GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội (hiện là chuyên gia tư vấn của Bộ GD-ĐT ở dự án đào tạo giáo viên THPT và TCCN), năm 1997, với việc Chính phủ quyết định miễn học phí cho sinh viên sư phạm, cộng với thời điểm đó, lương của giáo viên được nâng lên đã tạo một đột biến cho chất lượng đầu vào cho các trường sư phạm. Điển hình nhất là ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1997 lần đầu tiên lấy điểm chuẩn vào khoa Toán là 27 điểm. Khoa thấp nhất cũng lấy 23-24 điểm. Khoa Văn cũng lấy tới 25 điểm. Các nhà giáo dục đã gọi đó là thời kỳ vàng “3 con 9”. Ngành sư phạm trở thành ngành “hot” sau nhiều năm dài èo uột.
Sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM thực tập trong phòng thí nghiệm Lý. Ảnh: MAI HẢI
Nhưng thật đáng tiếc, thời kỳ “vàng” đó kéo dài được 5-6 năm. Mấy năm trở lại đây, nhất là 2 mùa thi gần đây nhất, chất lượng đầu vào sư phạm đã “xuống”. Đâu là lý do? Khi tìm hiểu vấn đề này, hầu hết ý kiến mà chúng tôi thu lượm được khá trùng nhau.
Vũ Quang Long (Giao Thủy, Nam Định) là sinh viên xuất sắc tốt nghiệp của ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2005, được giữ lại trường nhưng hiện nay chỉ nhận mức lương 2 triệu đồng/tháng. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, tốt nghiệp loại khá ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2007, là đảng viên từ năm lớp 12, hiện nay là giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 2, Nghệ An, dù vất vả cả tháng vừa dạy vừa làm chủ nhiệm cũng chỉ được trên 2 triệu tiền lương/tháng.
Thậm chí, tại buổi đối thoại trực tuyến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa diễn ra mới đây, thầy giáo Phạm Hồng Cường đã gây “choáng” khi hỏi về trường hợp của vợ mình làm giáo viên mầm non ở huyện mà lương chỉ vẻn vẹn 360.000 đồng/tháng.
Nếu đồng lương của giáo viên cách đây chục năm được coi là “tươm tất”, thì với sự trượt giá những năm gần đây, hầu hết giáo viên đang phải sống vất vả với đồng lương của mình, nhiều người lại phải “chân trong, chân ngoài”. Như vậy, có thể thấy, thu nhập thấp là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều học sinh giỏi không lựa chọn nghề giáo. Điều này theo GS Đinh Quang Báo, là một nỗi đau.
Ngoài vấn đề lương (thu nhập nói chung), hiện nay việc chọn trường dự thi đối với những học sinh thực sự có năng lực đã trở nên thực tế (thậm chí thực dụng) hơn. “Đã có SV nói với tôi, nếu tốt nghiệp ĐH Thương mại, chỉ đi bán bảo hiểm cũng được chục triệu đồng/tháng; còn nếu đi dạy, chỉ vài triệu đồng tháng”, GS Đinh Quang Báo đau đáu. Tương tự ý kiến của GS Báo, hầu hết các ý kiến khác cũng cho rằng đó là lý do căn bản nhất khiến học sinh không còn thích vào nghề sư phạm.
Mặt khác, một trở ngại rất lớn nữa là tình trạng tốt nghiệp sư phạm rồi, xin việc không dễ. Có trường hợp tốt nghiệp thủ khoa ĐH sư phạm vẫn khó tìm chỗ dạy, phải “cầu cứu” đến Bộ trưởng. Không ít người phàn nàn phải mất nhiều tiền thì mới xin được chỗ đi dạy. Đây cũng là một nguyên nhân khiến đầu vào sư phạm vài năm nay tụt giảm.
Chúng ta hãy đặt vấn đề, nếu tăng lương cao cho giáo viên, có thể thu hút được sinh viên giỏi; nếu cơ hội việc làm rộng thì sẽ thu hút được nhiều SV khá. Còn nếu vừa lương thấp, vừa khó tìm việc thì học sinh khá giỏi chắc chắn không ai muốn vào.
Rõ ràng, bài toán “đầu vào” của sư phạm cần được tính toán ngay, trước khi nó trở thành “bi kịch” của ngành GD-ĐT. Vì, hơn ai hết, giáo viên là người quyết định chất lượng dạy và học!
LÂM NGUYÊN (SGGP)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)