Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Bài giảng có cần tích hợp hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

Báo Giáo Dục TP.HCM số ngày 1-12 có đăng bài Dạy thế nào cho hiệu quả? viết về tiết dạy thao giảng của một giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Là một GV dạy văn, nhân đây tôi cũng có vài ý kiến để trao đổi thêm về cách dạy tác phẩm này cũng như những quan điểm chưa thống nhất mà nội dung bài báo đã đăng tải.
Trước hết, phải khẳng định rằng bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác phẩm hay, một bài bút ký xuất sắc. Chính vì thế trong chương trình SGK mới, tác phẩm này (thực ra chỉ có một đoạn trích ở phần thứ nhất) đã được nhóm biên soạn đưa vào chọn giảng. Thành công của bút ký viết về con sông chảy qua đất thần kinh cũ không chỉ ở mặt nội dung mà chính là nét đặc sắc trong cách miêu tả, về ý tưởng, hình ảnh và ngôn ngữ của nhà văn. Tất cả những yếu tố đó đã làm nên sức hấp dẫn của bài văn. Để có một tiết dạy thành công, GV phải biết khai thác những yếu tố tạo nên phong cách trữ tình hướng nội súc tích và tài hoa của tác giả từ xuất phát điểm đó. Trên cơ sở này, GV mới dẫn dắt học sinh đi vào khai thác vẻ đẹp thiên nhiên phong phú, huyền ảo đầy chất thơ như tâm hồn người xứ Huế qua hình tượng dòng Hương giang.  
Nhiều GV cho rằng bút ký là thể loại khó dạy nhất nhưng (quan trọng là chữ nhưng) nếu biết cách khai thác thì bài giảng sẽ đạt đến đỉnh cao của nó. Vì thế không lý do gì mà chúng ta lại loại bỏ cái hay, cái đẹp ra khỏi chương trình, nhất là chương trình giảng dạy môn ngữ văn. Nằm kề với tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? có vẻ như làm cho học sinh ngán ngại và nhiều GV lo lắng cho sự phản xạ giữa hai tác phẩm này. Tuy nhiên, theo tinh thần của Hội đồng biên soạn SGK từng trao đổi qua các đợt tập huấn thì tiêu chí để tuyển chọn tác phẩm là đi theo trục loại thể chứ không theo trục thời gian như trước đây. Rõ ràng hai tác phẩm cùng thể loại ký được sắp xếp gần nhau là điều hợp lý, đó là chưa nói đến tài năng “mỗi người một vẻ” của hai cây bút sẽ có những bổ trợ cho nhau. NGND Hoàng Như Mai có nói đại ý: “Dạy văn là mục đích để cho học sinh nghe chứ không phải để các em nhìn thấy”. Máy móc giúp con người hiện đại hóa thao tác nhưng nó cũng có thể làm thui chột những cảm xúc thăng hoa, trí tưởng tượng bay bổng của con người. Nhất là đối với những tác phẩm có nhiều bàn cãi như bài bút ký này. Thực tế đã cho thấy, cũng có người tuy sử dụng thiết bị không nhiều nhưng lại quá lạm dụng màu sắc trong giáo án điện tử của mình, chỉ lo chú ý đến khâu kỹ thuật mà quên đi nội dung bài giảng. Như vậy sẽ làm học sinh phân tán tư tưởng, khiến nội dung bị chìm đi trong bài giảng. Vì thế, chúng ta cần phân biệt rõ giữa lạm dụng công nghệ thông tin và kỹ xảo của công nghệ như nhiều ý kiến chưa thống nhất trong bài giảng này.
Điều cuối cùng mà tôi muốn đưa ra để trao đổi ở đây là tất cả các bài giảng có cần tích hợp hay không? Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ cần hay không cần mà là phải biết tích hợp như thế nào cho phù hợp với bài học, nâng giá trị bài học cao hơn nữa qua phần tích hợp. Như vậy, việc GV liên hệ đến vấn đề môi trường trong bài bút ký xuất sắc này không cần thiết nếu không nói là còn làm giảm đi giá trị nội dung và nghệ thuật mà thầy trò đã cùng chung tay khám phá để hiểu biết.
Tôn Nữ Linh Giang (giáo viên THPT quận Bình Thạnh)
Tôi cũng lấy làm tiếc cho bài giảng Ai đã đặt tên cho dòng sông? của một tác giả là người con xứ Huế mà không có một đoạn phim quay về sông Hương như TS.Nguyễn Thành Thi đề nghị. Có thể sông Hương trên đoạn phim đó chưa đẹp chưa hay bằng sông Hương dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường nhưng nó sẽ giúp học sinh có một góc nhìn khác về dòng sông – nhân vật trữ tình của tác phẩm.
 

Bình luận (0)