Trước hết phải thống nhất quan niệm: không có SGK chuẩn, chỉ có SGK viết theo chương trình chuẩn. Sách ngữ văn chương trình nâng cao chú ý đọc hiểu
, phần làm văn rèn luyện thao tác kỹ năng làm bài và hệ thống bài ôn tổng quát. Hai chương trình chuẩn và nâng cao không khác nhau bao nhiêu, chương trình nâng cao thêm hai văn bản, chỉ phân hóa nhẹ. Vì thế, chương trình nâng cao có thể dạy đại trà cho chương trình chuẩn. So với SGK cũ và sách thí điểm, SGK mới đã giảm tải, đáng kể vì chỉ còn 41 bài (trước đây là 55 bài) cho cả hai học kỳ. Nếu thấy còn quá tải, có thể bớt vài bài, không nên chạy theo chương trình vì bài ít thì dạy sâu và kỹ hơn. SGK ngữ văn lớp 12 nâng cao biên soạn bám sát chương trình, kế thừa cách biên soạn của lớp 10 và 11. Tuy nhiên vấn đề không chỉ là số lượng ít hơn mà là có những đặc điểm tính chất mới.
So với chương trình văn học – tiếng Việt trước đây, chương trình ngữ văn nâng cao có một số điểm mới đáng chú ý. Chương trình lấy tên là ngữ văn, thể hiện tinh thần thống nhất ba phân môn (văn học, tiếng Việt và làm văn). Chương trình coi trọng phương pháp tích hợp trong việc dạy học ba phân môn. Ba phân môn này gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau. Có thể nói đây là một khái niệm hết sức sâu sắc và toàn diện. Hiện nay có ba cách hiểu về “ngữ văn” theo từng cấp độ: ngôn ngữ và văn bản; ngôn ngữ và văn học; ngôn ngữ và văn hóa. Dạy ngữ văn là dạy phương tiện giao tiếp vì văn bản văn học cũng là một phương tiện giao tiếp. Chương trình coi trọng tính chất công cụ của môn ngữ văn nhằm đào tạo cho HS năng lực sử dụng tương đối thành thạo công cụ ngữ văn: nghe, nói, đọc, viết, đặc biệt là đọc và viết. SGK mới coi trọng kỹ năng rèn luyện, thực hành coi trọng tích hợp. Chương trình được xây dựng theo hai trục chính: đọc văn và làm văn. Các bài văn được xếp theo cụm bài: nghị luận, thơ, truyện, ký, kịch… Ngay cả văn học sử và lý luận văn học cũng hỗ trợ năng lực đọc văn cho HS. Phần làm văn gắn với phần đọc văn và tiếng Việt, đưa thêm một số văn bản thông dụng trong đời sống vào chương trình. Phần tiếng Việt không còn các nội dung ngữ học phức tạp như trước mà quy gọn vào một số kiến thức tiếng Việt, một vài phong cách chức năng, chủ yếu là hệ thống bài tập.
Phải đưa ra câu hỏi vì sao phải đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới như thế nào? Không thể một lúc mà đổi mới được, chỉ cần giáo viên mỗi bài đổi mới một điểm nào đó, một năm đổi mới vài bài cũng là tốt rồi. Làm được như vậy, sau nhiều năm sẽ đổi mới mạnh mẽ. Ví dụ trước đây thầy đọc trò chép theo kiểu rao giảng, đề thi theo dạng ghi nhớ, giáo viên dạy bài nào thì biết bài nấy còn bây giờ phải có vấn đề để dạy- vấn đề để học, dạy học sinh cách tự học và dạy xuyên suốt theo từng cụm bài. Khi sử dụng SGK nên chọn trọng tâm trọng điểm, chọn những văn bản ngắn dễ đọc dễ đi sâu, không nên dạy dàn trải, lặp đi lặp lại theo kiểu rải mành mành. Phần tiểu dẫn cũng nên thống nhất cách dạy, chỉ tập trung vào năm sinh, quê quán, những ảnh hưởng cuộc đời đến quá trình sáng tác, không nên biến nó thành bài giảng nhỏ bắt các em phải nhớ nhiều. Dạy văn phải cho học sinh thực hành, giáo viên tận dụng các kiểu bài tập để lớp học hoạt động tối đa, phát huy tính tích cực chủ động của HS. Đừng để lớp học hoạt động ít, nhất là với học sinh yếu. Học sinh học văn không chỉ hiểu tác phẩm mà còn phát hiện ra những đoạn văn hay, đẹp đầy ẩn ý của bài văn, những câu thơ hay của một bài thơ hay. Về đổi mới hình thức kiểm tra và đánh giá, đáng chú ý là đưa phần trắc nghiệm vào môn ngữ văn, tỉ lệ phần trắc nghiệm so với phần tự luận khoảng 3/7 nội dung kiểm tra.
GS.TS Trần Đình Sử
(trích bài nói chuyện tại khóa tập huấn thay SGK tại TP.HCM tháng 7-2008)
Bình luận (0)