Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

2010: Hà Nội cơ bản xóa phòng học tạm, học nhờ cho bậc mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Theo nghị quyết về đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2015" được thông qua sáng nay, 17/7, từ nay đến năm 2015, Hà Nội sẽ đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho phát triển giáo dục mầm non.
Sau khi hợp nhất, giáo dục mầm non Hà Nội hiện có 790 trường mầm non ở các loại hình: công lập, dân lập và tư thục, trong đó có 653 trường mầm non công lập, 137 trường mầm non dân lập, tư thục và 5 cơ sở giáo dục mầm non có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Mạng lưới các trường mầm non được phân bố ở 29 quận, huyện và thị xã. Hầu hết các phường, xã, thị trấn đều có các trường mầm non. Các trường mầm non công lập hiện có 2.307 điểm trường. Số trẻ mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non ngày một tăng. Tính đến tháng 5/2009, tỷ lệ trẻ nhà trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 24,3%; trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến trường đạt 85,5%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,4%. Tỷ lệ trẻ khuyết tật được học hoà nhập tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt tỷ lệ 66,6%.
Đến 2015: Hà Nội phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 7% -Ảnh: VNE
Tuy nhiên hiện nay, các trường, nhóm, lớp mầm non còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con ngày càng cao của người dân. Hiện có khoảng 14,5% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và gần 80% trẻ nhà trẻ chưa được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non. Ở khu vực nội thành còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập. Cấp học mầm non Hà Nội thiếu khoảng 700.000m2 đất.
Tỷ lệ trẻ được nuôi dưỡng trong các trường mầm non nông thôn cũng còn thấp; chất lượng nuôi dưỡng còn hạn chế do đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, mức đóng góp tiền ăn thấp. Do đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non nông thôn khá cao, từ 11 đến 18%.
Từ những bất cập đó, HĐND Thành phố Hà Nội đã quyết định, thông qua Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2015. Mục tiêu của đề án là nhằm tạo bước chuyển biến cơ bản, vững chắc và toàn diện về chất lượng giáo dục mầm non Hà Nội.
Với nguồn kinh phí hơn 3000 tỷ đồng, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Củng cố mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non. Ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non ngoại thành. Phấn đấu đến năm 2010 hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp. Thực hiện phổ cập một năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Xây dựng hệ thống trường, lớp chuẩn hóa, đồng bộ theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, tương xứng với vị thế của Thủ đô.
Cụ thể, đến năm 2010, tỷ lệ trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 28%, tỷ lệ trẻ em 3- 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 85%, thực hiện phổ cập 1 năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi để chuẩn bị vào lớp 1. Huy động tỷ lệ trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt tỷ lệ 65%. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%.
Cơ bản xoá phòng học tạm, học nhờ, tiếp tục gom các điểm lẻ, chung với nhà dân thành các trường, nhóm, lớp đủ diện tích theo chuẩn quy định. Quan tâm mở rộng quỹ đất và đầu tư xây dựng trường. Đầu tư trang thiết bị và đồ chơi phục vụ phổ cập 1 năm trẻ mẫu giáo 5 tuổi. 100% trường mầm non được kết nối Internet. Phấn đấu 15% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia…
Đến năm 2015, Hà Nội đặt chỉ tiêu phấn đấu huy động trẻ em dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 35%, tỷ lệ trẻ em 3 – 5 tuổi đến trường, lớp mẫu giáo đạt 95%, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp. Huy động tỷ lệ trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non ra lớp đạt tỷ lệ 70%. Nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 7%;
60% số trường mầm non thực hiện chương trình đổi mới giáo dục mầm non; 40% số trường mầm non còn lại thực hiện chương trình đổi mới hình thức tổ chức giáo dục mầm non; 80 % số trường mầm non ứng dụng tin học trong quản lý và trong giáo dục trẻ. Tỷ lệ trẻ em đạt chuẩn phát triển 90%;
Xây dựng mới để thay thế toàn bộ phòng học cấp 4; xây dựng 100% trường, nhóm, lớp, mầm non đủ điều kiện. Phấn đấu 50% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia. Thí điểm chuyển 20 trường mầm non công lập có điều kiện phát triển thực hiện tự đảm bảo toàn bộ chi phí thường xuyên và hoạt động theo mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao…
Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên, Hà Nội sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non hợp lý, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất từ 1đến 2 trường mầm non công lập, khuyến khích phát triển các loại hình trường mầm non dân lập, tư thục. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các cơ sở giáo dục mầm non. Có chính sách ưu tiên đầu tư đặc biệt cho các trường mầm non nông thôn thuộc các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo Hà Nội mới

Bình luận (0)