Gặp những đứa trẻ bán vé số trong đêm Sài Gòn, chứng kiến cuộc mưu sinh đơn độc của chúng, tôi chợt liên tưởng đến những con thiêu thân…
Đon đả mời chào từng tờ vé số trong đêm Sài Gòn, có ai dám chắc tương lai chúng sẽ không như những con thiêu thân rụng dưới chân cột đèn…. |
Mưu sinh và…
Đêm Sài Gòn đầy cạm bẫy. Tôi vô tình gặp những đứa trẻ bán vé số, bình thường như hàng ngàn hàng vạn đứa trẻ đang lầm lụi mưu sinh trong cuộc đời nhọc nhằn này.
Tôi đã từng ngồi khắp mọi xó xỉnh trên mảnh đất miền Trung nghèo, nhưng cái cách bán vé số của lũ trẻ miền Trung ngây ngô và đôi khi có phần khắc khổ.
Những đứa trẻ ở Sài Gòn thì hoàn toàn khác. Chí Tài, cái tên mà cậu bé khai ra, không biết là tên thật hay một cách dùng nickname để tạo cảm tình cho người mua, trông già dặn và có phần tinh ranh so với vóc người nhỏ bé của em.
Tầm 9 tuổi, quê quán lúc bảo Kiên Giang, lúc nói Sóc Trăng. Chỉ biết chắc chắn qua lời kể của người chủ quán, rằng em rời quê lên Sài Gòn bán vé số, hiện ở trọ cùng bà nội trong một con hẻm nghèo trên tỉnh lộ 13, quận Thủ Đức.
Em kể, ba má ở quê làm ruộng, em được nghỉ hè nên bà nội mang em vào cùng đi bán vé số. Lúc ở quê, đi học về em chỉ quanh quẩn việc nhà hoặc phụ ba má làm ruộng. Nghe hàng xóm bảo con cái họ đưa lên Sài Gòn bán vé số, lạc rang… kiếm được nhiều tiền, ba má gửi em cho bà nội, mang lên phố. “Một tờ vé số 10 ngàn, con lời được 1 ngàn, bán cả đêm cũng kiếm được mấy chục ngàn đó chú”, Tài kể.
Với ra đầu đường, thằng bé giật giọng: “Ê, vào đây mày. Đây có chú dễ thương lắm!”. Một cô bé tầm nhỏ hơn, tóc nửa nâu nửa vàng, người khô queo như cây củi, có mấy chiếc răng sún hồ hởi chạy vào, ôm lấy anh bạn ngồi cùng tôi một cách rất “chuyên nghiệp”.
“Mua cho con đi chú, mai vé trúng mời con uống cà phê nghen chú. Chú ở đâu? Con ở trong hẻm này luôn đó chú”, con bé đon đả mời chào. Thấy khách lưỡng lự cầm bao thuốc, con bé răng sún tinh mắt đảo một vòng quanh bàn rồi kêu: “Cô chủ quán, cho chú bao diêm cô ơi, diêm đây ướt cả rồi”.
Đón lấy bao diêm từ người chủ quán, cô bé thuần thục quẹt lửa. Ánh mắt nó thích thú với ngọn lửa xanh vàng bập bùng.
Cạm bẫy
Thùy Vân, tên cô bé, cũng một cái tên rất kêu, kể: “Con không có ba, má con đi ở cho nhà người ta, gửi con cho hàng xóm lên Sài Gòn bán vé số. Con nhỏ hơn thằng kia nhưng con đi bán vé số trước nó lâu lắm rồi chú.
Bữa đầu nó khờ, khuya rồi còn tới góc chợ tối thui bán cho bọn nghiện, bị chúng giật hết vé, sợ quá khóc cả đêm không dám về nhà luôn đó chú”.
Thằng bé đang mời khách ở bàn bên bỗng lên tiếng: “Bia của chú sao bảo con uống. Chú mua cho con 1 tờ đi, con uống hết trơn cho chú coi”. Đám thanh niên ở trần trùng trục, người đỏ gay xăm trổ vằn vện phá lên cười hô hố thách thức.
Thằng bé lầm lỳ cầm ly bia lên không chút lưỡng lự. Hạ ly bia xuống, thằng bé chạy tới bàn tôi: “Chú mua mấy tờ, số nào con cũng có, chú cứ chọn. Con đi bán hoài, khách bảo uống bia uống rượu hoài nên quen rồi. Nhưng cũng có nhiều khách bắt con uống, xong rồi đuổi con đi”.
Đêm Sài Gòn đã về khuya. Hai đứa trẻ lại dắt díu nhau tiếp tục cuộc mưu sinh. Nhìn ánh đèn đường vàng vọt, tôi giật mình khi nghĩ tới lũ thiêu thân tội nghiệp, cứ mải mê lao vào ánh sáng rồi rụng xuống từng đợt dưới chân cột đèn.
Lũ trẻ đang nhọc nhằn mưu sinh trong đêm Sài Gòn cũng vậy. Chúng còn quá nhỏ, nào biết trước cuộc đời đang giăng sẵn cạm bẫy chờ đón, trong khi chúng hoàn toàn rời xa vòng tay cha mẹ, lầm lụi đối mặt với cuộc đời.
Có ai dám chắc rằng, sau này chúng sẽ không như đám thanh niên xăm trổ đầy mình, dưới gầm cầu, nằm vạ vật bên lề đường.
“Thanh niên tứ xứ ở Sài Gòn đông lắm, nhất là ở vùng ngoại thành. Không ít đứa kiếm được tiền từ nhỏ, lớn lên nhiễm bao nhiêu tật xấu, trai xấu một đường, gái cũng xấu theo một đường”, mắt tôi cứ cay cay khi chạy xe về nhà trong đêm tối, không biết vì lời nói của bác bán trứng lộn khuya hay vì chợt có con thiêu thân nào vừa bay vào mắt…
Lê Quang Minh / TPO
Bình luận (0)