Y tế - Văn hóaThư giãn

Cơm gánh vỉa hè

Tạp Chí Giáo Dục

Đất Cố đô có hai “tiệm cơm” vô cùng đặc biệt nằm ngay trong lòng phố thị náo nhiệt. Đó là hai gánh cơm bán bên vỉa hè chẳng “đụng hàng” ai và chỉ để phục vụ những người lao động nghèo.
Mỗi ngày, cứ đến tầm 11 giờ trưa là người lao động nghèo bắt đầu kéo về góc đường Trần Cao Vân gần Bưu điện TP Huế để ăn trưa. Tiếng khách và tiếng chủ gánh cơm chộn rộn cả một góc phố. Khách gọi người phụ nữ luống tuổi đang xúc cơm là bà Hoa “cơm gánh”. Cái biệt danh ấy gắn với chị Hồ Thị Hoa (51 tuổi, ngụ phường Xuân Phú, TP Huế) hơn 10 năm nay.
Cơm gánh nuôi con
Chị Hoa mồ hôi nhễ nhại vừa dỡ gánh hàng vừa đon đả mời khách: “Hôm nay có cá nục, vịt kho, gà kho, trứng chiên, lòng xào, mực… Ai ăn gì thì chọn đi để tui lấy, giá cơm vẫn thấp nhất nước Huế ni”. Nói rồi chị thoăn thoắt lấy cơm cho khách. Khách đến ăn đa phần là thợ hồ, xe ôm, tài xế taxi, đánh giày, bán vé số dạo và cả giới công chức nghèo ở Huế. Nếu đông khách hết ghế, nhiều người sẵn sàng ngồi bệt xuống vỉa hè ăn và cười nói vui vẻ. Thỉnh thoảng lại có người xin thêm cơm vì chưa chặt dạ.
Chị Hoa kể, chồng chị mất đã 12 năm, mình chị gánh cơm đi bán nuôi cha mẹ chồng cùng bốn đứa con và một bà cô già đã 81 tuổi. Ngoài ra, tối về chị còn đi rửa chén bát thuê để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình. “4 giờ sáng chị dậy chuẩn bị nấu thức ăn. 10 giờ thì gánh cơm lên phố dựng bạt, thả ghế bán bên vỉa hè. Đến 2 giờ chiều thì dọn hàng về. Bây giờ chị đã sắm được cái xe đạp chở cơm nhưng vẫn còn cực lắm” – chị Hoa tâm sự.

Khách đến ăn cơm gánh là người lao động nghèo ở Huế. Ảnh: LÊ PHI
Mỗi ngày chị Hoa bán được 50 lon gạo, lời được khoảng 150.000 đồng. Ngoài ra, chị còn được một khoản lời là phần cơm và thức ăn dư lại. Tuy nhiên, những lúc trời Huế sụt sùi thì gánh cơm của chị chỉ bán được khoảng 20 lon. Lắm lúc đang bán thì trời đổ mưa làm cơm và thức ăn của chị ướt nhẹp, mấy mẹ con đem về nhà hấp lại ăn mấy ngày không hết. Lật cuốn sổ tay đã nhàu nát vẫn còn những cột nợ dài chưa được thanh toán, chị Hoa buồn buồn: “Mình thấy họ hiền lành, cực nên cho ăn nợ. Khi nợ đến 500.000-700.000 đồng thì họ phủi đít đi chẳng thèm trả, muốn đòi cũng chẳng biết họ ở đâu. Mình bán cho người nghèo nên chỉ 10.000 đồng/đĩa”.
Chị Hoa kể có khi khách đến không đủ tiền ăn đĩa cơm có cái đùi vịt nhưng vì thấy họ thèm ăn chị cũng nhắm mắt gắp cho họ rồi tính tiền theo giá hữu nghị chứ cơm đùi vịt giá phải 20.000 đồng. Hiện hàng cơm gánh của chị Hoa có thêm cô con gái tên Thúy về phụ giúp. Thúy đã có chồng nhưng không có việc làm, gia đình chồng lại nghèo nên Thúy xin mẹ phụ bán cơm để có thêm thu nhập. “Hơn 10 năm cơm gánh mẹ bán nuôi mình, giờ mình lại nối gót theo mẹ, lại ra đường bán cơm gánh để nuôi con, lo cho chồng” – Thúy buồn buồn, nói.
“Lão làng” cơm gánh
Nếu chị Hoa bán cơm gánh được 10 năm thì chị Trần Thị Vân (45 tuổi, phường Xuân Phú) lại là lão làng cơm gánh. Lúc danh tiếng cơm gánh của chị Vân đã “nổi tiếng” trong giới lao động nghèo xứ Huế thì chị Hoa mới lò dò bước chân vào nghề. Chị Vân nói: “Lúc đầu chị bán ở đường Ngô Quyền cho cả bệnh nhân nghèo ăn. Nhưng sau đó do bệnh viện có căn tin nên chị chuyển gánh cơm sang đường Trần Cao Vân. Vậy mà đã bán cơm gánh được hơn 20 năm rồi”. Anh xe ôm tên Hùng đang ngồi ăn cũng góp chuyện: “Chị Vân bán lúc cơm còn 1.500 đồng/đĩa, lúc đó tui đang học cấp 3 nên ăn cơm của chị. Giờ có gia đình rồi mà buổi trưa vẫn còn ăn cơm của chị ấy”.
 
Tuy biết là có nguy cơ bị quỵt nợ nhưng chị vẫn cho nợ. Ngó mặt quen thì lại cho nợ, khi nào có thì trả. Không có tiền thì người ta mới ăn nợ, mà có nghèo họ mới đến ăn cơm gánh của mình. Họ cũng cơ cực như mình chứ sung sướng chi mô.
Chị HỒ THỊ HOA

Chị Vân nói nghề gánh cơm đi bán của chị không ngại khổ, không ngại vất vả mà chỉ sợ… bị đội trật tự đô thị dí vì buôn bán chiếm dụng vỉa hè. Nhiều hôm chị Vân, chị Hoa bị dí quảy gánh chạy không kịp nên bị tịch thu hết đồ đạc. “Bị tịch thu thì mình phải lên xin chuộc lại. Nhưng chuộc lại thì họ bảo ký vào bản cam kết không bán nữa. Mà không bán nữa thì biết làm nghề chi nuôi con. Không có việc làm, con cái sinh ra lêu lổng, trộm cắp, mấy anh công an lại bắt tội. Cứ mỗi lần bị bắt là chị nói lý với họ thế đấy” – chị kể.

Theo chị Vân, bây giờ mà bị tịch thu ghế, bạt chị xin “tại trận” luôn. Nếu không xin được thì thôi chứ chị không lên chuộc nữa vì thủ tục nhiêu khê mà chị thì mù tịt chữ nghĩa. “Nói chị gánh mấy gánh cũng được chứ đụng vào giấy tờ là ngại lắm. Mình ít chữ nghĩa, biết đường mô mà lần” – chị Vân nói. Nói là ngại chuyện chữ nghĩa, thế nhưng khi bảo tính tiền cho khách thì chị tính còn nhanh hơn cả máy đếm bạc.
Giống chị Hoa, hoàn cảnh chị Vân cũng rất đáng thương. Nhà có ba đứa con, chồng chị bị tật ở chân nên chỉ ở nhà trông nhà. Vì vậy hồi mới lấy chồng chị đã phải quảy gánh cơm đi bán. Nhờ ky cóp từ gánh cơm mà cả gia đình chị Vân sống sót qua những ngày cơ hàn và nuôi cô con gái học xong CĐ, cậu con trai cũng đang bước vào trường nghề.
Ở Huế, hầu hết người lao động nghèo tìm đến gánh cơm vỉa hè của chị Vân, chị Hoa là để được ăn ngon, ăn rẻ mà còn được thêm cơm miễn phí. Với người nghèo, bữa ăn của họ chỉ cần có thế.
Theo PLTP

 

Bình luận (0)