Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiếng Anh i-Learn theo Đề án 2020

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ trên bảng tương tác

Nhằm góp phần vào việc triển khai thành công đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa vào thí điểm chương trình dạy tiếng Anh theo giáo trình giảng dạy i-Learn ở một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố với mục đích sau khi học xong chương trình, các em có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ 2 ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Chỉ hơn một học kỳ triển khai nhưng tín hiệu phản hồi rất khả quan. Thầy Trần Thích – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Văn Liêm (Q.6) – cho biết: Trường đã triển khai chương trình tiếng Anh tự chọn cho học sinh và liên kết với nhiều đối tác trong 2 năm qua. Tuy nhiên, khi dự một tiết dạy rất sinh động theo giáo trình i-Learn nhà trường quyết định triển khai thêm một số lớp học theo giáo trình mới trong năm học 2012-2013.
“Ở góc độ quản lý, chúng tôi rất yên tâm vì chương trình đã được Sở GD-ĐT thẩm định và điều thứ hai là qua tiết học, chúng tôi thấy chương trình thực sự đã thu hút được học sinh. Với độ tuổi của các em hiện nay, chủ yếu là vui – học, học – vui, như vậy là đạt được yêu cầu của bậc tiểu học. Chúng tôi thấy có một điều rất bổ ích là qua việc dự các tiết do giáo viên nước ngoài đứng lớp, chúng tôi có yêu cầu giáo viên Việt Nam dạy tiếng Anh cũng như dạy các phân môn ở bậc tiểu học nên học tập phong cách dạy giống họ thì tôi đảm bảo học sinh tiểu học sẽ không bỏ học, sẽ không chán học vì lớp học vui quá”, thầy Trần Thích chia sẻ.
Không phải đến bây giờ các chương trình bổ trợ tiếng Anh mới được triển khai tại các trường tiểu học, mà vấn đề là việc sử dụng gặp phải một số trở ngại như nội dung giảng dạy được chuyển tải từ các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính như Anh, Mỹ, Úc, Canada, Singapore… nên chưa đáp ứng sát sao với thực trạng và nhu cầu tại Việt Nam và khó tương tác. Đa số phần mềm chỉ được ứng dụng giảng dạy trên lớp, về nhà học sinh không sử dụng để ôn tập lại. Đặc biệt, đầu ra của các chương trình hiện nay chưa rõ ràng, chưa hướng đến khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam như Đề án 2020 đặt ra.
Lý do giáo trình i-Learn được chấp thuận đưa vào thí điểm do khắc phục gần như toàn bộ những bất cập này. I-Learn được biên soạn dễ dàng và phù hợp cho giáo viên và học sinh Việt Nam. Chương trình cung cấp các phương tiện cần thiết cho giáo viên khi đứng lớp, giúp giảm tải áp lực công việc đáng kể. Với bài giảng tương tác của i-Learn, thầy cô không còn vất vả chuẩn bị giáo án mà thay vào đó là tập trung thu hút sự chú ý của học sinh vào bài học nhiều hơn. Các bài học “phonic” được thiết kế trong giáo trình một cách hợp lý để học sinh tiếp nhận kiến thức bài bản hơn vì đây là kiến thức quan trọng đối với lứa tuổi bắt đầu học ngoại ngữ.
Học vui – Vui học
Để việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả phụ thuộc vào nhiều khâu như thiết kế chương trình, chuẩn bị bài giảng, thao tác giảng dạy, phát triển các hoạt động trên lớp… Vui học, học vui là một tiêu chí biên soạn i-Learn. Khả năng bắt chước, mô tả của trẻ em độ tuổi tiểu học là một đặc tính trong quá trình phát triển nhận thức và đây là một điều kiện thuận lợi để việc ứng dụng i-Learn đạt kết quả cao. Phương pháp thực hành giao tiếp thông qua các trò chơi ngôn ngữ bài hát, các hoạt động vui nhộn làm xúc tác cho việc nâng cao hiệu quả tương tác giữa thầy và trò, từ đó tạo ra phản xạ học tiếng Anh giúp các em có thể ứng dụng mọi lúc mọi nơi được lồng ghép vào giáo trình khá linh hoạt và đích đến là giúp các em phát huy tối đa năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Vai trò học sinh được phát huy tối đa. Các tình huống, trò chơi trong giờ học sẽ tạo cho trẻ phản xạ đối đáp, học thuộc lòng mẫu câu, từ vựng, bài hát… và dần dần hình thành phản xạ khi giao tiếp không cần tư duy từ Việt sang Anh và ngược lại. Các trò chơi sinh động theo cặp, nhóm để thực hiện một công việc cụ thể vừa giúp các em phát huy tinh thần tập thể vừa tạo động cơ tiếp thu kiến thức chủ động và hào hứng hơn. Khi muốn tham gia trò chơi thì các em phải hiểu người khác đang nói gì hay đã viết gì, dần dần các em sẽ hình thành thói quen phải nói được những điều mình quan tâm hoặc để diễn đạt thông tin cho các bạn khác hiểu. Hơn nữa, học trong bầu không khí thư giãn, thân thiện do cả thầy và trò tạo ra, việc tiếp thu kiến thức thực sự mới diễn ra một cách tự nhiên và đi sâu vào trí nhớ.
Tính tương tác đa chiều
Giáo trình i-Learn có ưu điểm là nó không gói gọn trong phạm vi lớp học mà gồm có cả nhà trường, phụ huynh cùng tham gia. Nó cũng không giới hạn không gian lớp học mà ngay cả khi cô và trò ở nhà vẫn có thể làm việc cùng nhau
Ông Võ Đại Phúc, Chủ tịch Công ty cổ phần Đại Trường Phát (đơn vị cung cấp giáo trình i-Learn) cho biết: “Đối với giáo viên, chúng tôi thiết kế bài giảng điện tử, mỗi bài giảng là sự kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp hiện đại. Đối với học sinh, chúng tôi xây dựng các hoạt động rất vui, các trò chơi, đặc biệt chúng tôi có hệ thống quản lý học tập LMS, để có thể theo dõi được tiến độ học tập của các em học sinh ở nhà. Đối với phụ huynh, chúng tôi xây dựng forum cho những học sinh có con em đang theo học chương trình để phụ huynh có thể giao lưu với giáo viên, nhà trường và đội ngũ thực hiện chương trình của i-Learn”.
Ông Phúc cho biết thêm giáo viên tham gia giảng dạy chương trình sẽ tham gia lớp tập huấn khoảng 250 giờ cho mỗi trình độ thông qua nhà xuất bản như Oxford. Riêng học sinh cũng được cung cấp 1 tài khoản để khai thác các nguồn thông tin và dữ liệu đặc biệt là phần âm thanh, hình ảnh và video để học thêm ở nhà.
Ông Lê Ngọc Điệp – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) – khẳng định: “Ngày nay, dạy học không phải chỉ là người giáo viên với bảng đen nữa mà phải có nhiều phương tiện giảng dạy và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các phần mềm… Chủ trương của Sở GD-ĐT là những phần mềm nào tốt nhất có thể hỗ trợ cho giáo dục, cho các phương pháp giảng dạy thì sở sẽ thẩm định và xin Bộ GD-ĐT cho phép các trường thực hiện để hỗ trợ cho giáo viên và học sinh. Đó cũng là một trong những cách mà chúng ta tiếp cận với công nghệ thông tin để làm cho việc học tiếng Anh càng ngày càng tốt hơn”.
 Ngoài việc giúp các em phát huy cao độ tính tự giác và tích cực trong việc học, thực hành, có thể tự chủ trong các hoạt động giao tiếp tiếng Anh, gia tăng năng lực tiếp cận cuộc sống, những kiến thức tích hợp từ i-Learn sẽ giúp các em tự tin đạt được chứng chỉ từ các kỳ thi kiểm tra trình độ năng lực ngoại ngữ phải do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Trường ĐH Cambridge cấp mà đối với bậc tiểu học là chứng chỉ Starter, Mover và Flyer. Được biết, năm học 2013-2014, giáo trình i-Learn dự kiến sẽ được mở rộng trên toàn thành phố, sau đó sẽ triển khai ở các địa phương khác như: Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)