Trong những ngày hè 2013, nhóm miệt mài nghiên cứu khoa học
|
Ở một xóm nhỏ, tít miền quê xa thuộc xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) có một nhóm học sinh đã mày mò nghiên cứu và sử dụng thành công nang mực, vỏ trứng vịt – là những phế thải trong thủy sản và chăn nuôi – để hấp thụ hàm lượng chì trong nước nhằm hạn chế sự độc hại do ô nhiễm chì gây nên…
Đề tài nghiên cứu của các em đã đạt giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi “Bảo vệ và cải thiện nguồn nước” năm 2013 do Bộ GD-ĐT, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và Hội Liên hiệp khoa học Việt Nam đồng tổ chức.
Từ sự trăn trở…
Em Trương Quốc Sĩ, một thành viên trong nhóm thực hiện, nói về sự hình thành của đề tài: “Chúng em là thành viên Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” do thầy Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng bộ môn sinh – hóa Trường THPT An Lạc Thôn, đảm trách. Thầy thường dạy về thảm họa ô nhiễm môi trường, trong đó tình trạng ô nhiễm chì ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt là quá trình phát triển trí não của trẻ em…”. Em Lê Huỳnh Như, thành viên nữ có gương mặt thông minh, đôn hậu, tiếp lời: “Từ kiến thức thầy giảng, tụi em tìm hiểu thêm trên mạng, sách vở thì được biết nguồn nước nhiễm chì phần lớn do ô nhiễm nước thải công nghiệp… Càng tìm hiểu tụi em càng sợ khi biết, nếu ăn hoặc uống nước nhiễm chì thì phân tử chì sẽ tích tụ trong xương, máu và tế bào. Sau đó ảnh hưởng trực tiếp tới gan, thận, thần kinh, quá trình sản xuất máu và khả năng sinh sản của phụ nữ… Ngoài ra, ô nhiễm chì còn gây ra bệnh ung thư. Nếu trong cơ thể trẻ nhỏ có lượng chì khoảng 10 ugm/dl thì có thể dẫn đến nguy cơ chức năng não bị phá hủy…”.
Những vấn đề trên cứ trăn trở trong suy nghĩ đồng thời thôi thúc các em phải-làm-gì-đó để hạn chế những độc hại do chì gây ra. Thế là các em, gồm: Nguyễn Công Minh Hòa, Nguyễn Công Huỳnh Như, Trương Quốc Sĩ mạnh dạn trình bày ý tưởng và xin Ban giám hiệu trường tạo điều kiện thực hiện nghiên cứu đề tài. Sau khi nghe các em trình bày ý tưởng, lãnh đạo trường đồng ý. Còn thầy Nguyễn Ngọc Hải thấy các em tuy học khác lớp nhưng lại có cùng ý tưởng nên đã xếp chung một nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của thầy.
Góp phần định hình nghề nghiệp
Do thời khóa biểu học tập của ba thành viên khác nhau nên nhóm chọn chủ nhật để “làm việc”, và thống nhất chọn nang mực làm vật liệu nghiên cứu. Nguyễn Công Minh Hòa phân tích: “Sở dĩ nhóm chọn nang mực là vì trong nang mực có canxi có khả năng hấp thụ chì. Nang mực cũng dễ tìm, có nhiều ở vùng miệt biển quê em, điển hình như ở huyện Vĩnh Châu… Số mực đánh bắt được ngư dân bán cho các công ty chế biến thủy hải sản hay thương lái ở TP.HCM… Người ta giữ lại phần thịt của mực, còn phần nang tách bỏ đi. Tụi em xin những phế thải đó về nghiên cứu. Riêng phần mẫu nước bị nhiễm độc chì thì nhờ thầy trợ giúp”.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải nói về cách làm: “Tôi đến nhờ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng pha nước bị nhiễm độc chì rồi lấy nước đó đem về cho các em nghiên cứu. Thật may là trung tâm rất ủng hộ công trình nghiên cứu này”.
Trong quá trình thực hiện nhóm gặp không ít thất bại, chẳng hạn qua nhiều thí nghiệm rồi nhưng nước vẫn còn mùi hôi, nghĩa là trong nước vẫn còn ô nhiễm chì. Qua tìm hiểu, nhóm phát hiện nguyên nhân là ở khâu xử lý: Hóa ra số nang mực khi xin về đã được tách khỏi mực 3-4 ngày trước, sau khi rửa sạch phơi khô rồi đem thí nghiệm thì khả năng hấp thụ chì của nang mực rất kém. Vậy là nhóm phải vận dụng kiến thức suy luận, cuối cùng thống nhất “luận điểm”: Có thể số nang mực đó để lâu quá nên bị nhiễm khuẩn, không thể hấp thụ được chì. Thế là nhóm đặt hàng người quen nhờ xin giùm nang vừa mới tách khỏi mực. Số nang mực tươi đó được nhóm rửa sạch, phơi khô rồi đem vào phòng thí nghiệm. Kết quả đúng như suy luận của nhóm: Nang mực càng tươi thì khả năng hấp thụ chì càng tốt.
Không dừng lại ở thành công này, các em còn bàn: Sao không giã nhuyễn nang mực ra để so sánh khả năng hấp thụ chì giữa nang mực để nguyên và nang mực giã nhuyễn? Thế là cả nhóm lại bắt tay làm ngay. Kết quả là nang mực giã nhuyễn hấp thụ chì tốt hơn. Từ thành công trong nghiên cứu nang mực, nhóm quyết định thử dùng thêm các phế thải khác, lần này chọn vỏ trứng vịt. Em Trương Quốc Sĩ cho biết: “Chúng em xử lý vỏ trứng vịt y chang như nang mực. Kết quả cũng thành công. Tuy nhiên qua hàng loạt thí nghiệm với các nguyên liệu, cuối cùng công trình chứng minh khả năng hấp thụ chì trong nước của nang mực là tốt nhất”.
Trong khi đó, em Nguyễn Công Minh Hòa nhớ lại: “Mỗi lần làm thí nghiệm xong, chúng em đóng mẫu nước bỏ vô chai, rồi nhờ thầy Hải gửi mẫu đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của Sở KH&CN tỉnh kiểm định. Trong thời gian chờ đợi kết quả, ai cũng hồi hộp. Nếu trung tâm cho biết mẫu nước thành công thì mọi người thở phào sung sướng. Còn khi kết quả ngược lại, chúng em tự an ủi, động viên nhau cố lên…”.
Năm học 2013-2014, Lê Huỳnh Như và Nguyễn Công Minh Hòa học lớp 12, còn Trương Quốc Sĩ lên lớp 11. Hiện nay, tranh thủ những ngày chưa nhập học, với sự hỗ trợ của trường, nhóm tiếp tục nghiên cứu một số đề tài khác. Những ngày hè với việc làm có ý nghĩa này đã góp phần định hình rõ nét hơn mong ước nghề nghiệp cho tương lai của các em: Lê Huỳnh Như và Nguyễn Công Minh Hòa dự định thi vào ngành dược Trường ĐH Cần Thơ, còn Trương Quốc Sĩ thì chọn ngành công nghệ thực phẩm cũng thuộc Trường ĐH Cần Thơ.
Thế Phượng
Càng tìm hiểu tụi em càng sợ khi biết, nếu ăn hoặc uống nước nhiễm chì thì phân tử chì sẽ tích tụ trong xương, máu và tế bào. Sau đó ảnh hưởng trực tiếp tới gan, thận, thần kinh, quá trình sản xuất máu và khả năng sinh sản của phụ nữ… |
Bình luận (0)