Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh vượt mảng qua sông tìm chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Để đến trường, hàng ngày các em ở bản Đồi, Biện, Nghéo của xã Thạch Lâm (Thạch Thành, Thanh Hóa) phải dậy từ tinh mơ, đi bộ ra bến sông rồi đánh đu trên những chiếc mảng luồng ọp ẹp. Mùa lũ, việc đi lại càng nguy hiểm.

Là xã miền núi cao nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, dù có đường Hồ Chí Minh đi qua, nhưng Thạch Lâm là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Thạch Thành. Gần 100% dân số là đồng bào Mường. Xã có 7 thôn thì có tới 3 thôn (Đồi, Nghéo và Biện) bị ngăn cách với trung tâm xã, huyện bởi sông Bưởi.

Mùa nước cạn, bà con vào rừng chặt luồng, nứa và cây rừng làm cầu qua sông. Nhưng cây cầu mỏng manh chỉ tồn tại được dăm bữa nửa tháng, qua cơn mưa nặng hạt, nước thượng nguồn đổ về, cầu lại bị cuốn phăng. Mùa lũ, sông Bưởi cuồn cuộn đục ngầu, ngập các chân ruộng. Có năm nước ngập vào đến chân núi, khi ấy hơn 260 hộ dân 3 thôn lại bị cô lập như một ốc đảo.

Chiếc mảng mong manh đưa học sinh tới trường mùa lũ. Ảnh: Lê Hoàng.

Chỉ tay về phía dòng sông đang cuồn cuộn chảy, trưởng thôn Biện, ông Bùi Văn Tiến cho biết, thôn có hơn 90 hộ thì 50 hộ bị cô lập hoàn toàn. Cuộc sống của bà con dựa cả vào ruộng nương nhưng hầu hết chân ruộng có thể canh tác đều ở bên kia sông, nên ngày nào cũng phải kéo bè vượt sông đi làm, hiểm họa luôn rình rập. Mùa thu hoạch sắn, ngô, khoai, lúa trùng với mùa nước lớn nên việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch cũng rất khó khăn.

Mọi vật dụng sinh hoạt thiết yếu của bà con đều phụ thuộc vào khu chợ nằm gần trung tâm xã nên dân bản phải chèo mảng sang sông mua sắm. “Không có đường nên chẳng ai vào đây bán hàng cả. Hơn nữa đời sống dân bản Mường còn nghèo lắm. Cả tháng mới sang chợ một lần nhưng cũng chỉ dám mua muối và cá khô thôi. Rau thì vào rừng hái thôi. Một năm hai vụ ngô cũng chưa đủ tiền mua gạo mà”, bà Bùi Thị Hoa, người thôn Đồi, chia sẻ.

Dân bản còn nhớ mùa lũ năm 2008, sông Bưởi dâng lên tận đường Hồ Chí Minh, 3 bản bị cô lập gần tháng ròng. Không gạo, không muối, nhiều nhà phải ăn cháo ngô cầm hơi…

Không có cầu qua sông, khổ nhất vẫn là học sinh. Để đến trường, hàng ngày các em phải dậy từ tinh mơ, đi bộ ra bến sông, rồi đánh đu trên những chiếc mảng luồng ọp ẹp. “Người lớn vượt sông vất vả đã đành, thương nhất là lũ trẻ, mỗi ngày phải qua sông 2-4 lần. Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa xuống thì cực khổ trăm bề. Biết để các cháu tự đi lại như thế này là rất nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào khác vì bố mẹ còn bận phải lên nương làm rẫy”, ông Bùi Văn Hưng ở thôn Nghéo, tâm sự.

Hàng ngày tại bến sông của các thôn Đồi, Nghéo và Biện, cả trăm học sinh phải tự kéo bè vượt sông đến lớp. Em Bùi Thị Duyên, học sinh lớp 6A, trường THCS Thạch Lâm, cho biết nhà ở xa nên hàng ngày phải thức dậy từ 5h sáng, đi bộ cả mấy cây số mới đến được bến sông này và nhờ các anh chị lớp trên kéo bè qua sông. Có bữa đông người, Duyên chờ cả mấy tiếng mới đến lượt lên bè nên đến trường muộn.

“Mùa này thường có lũ bất ngờ, dòng sông chảy xiết lắm. Có hôm đang chèo mảng ra đến giữa sông, chiếc mảng đứt dây neo rồi bị cuốn trôi cả mấy trăm mét mất hết cặp sách, bút vở, may không bạn nào chết đuối. Ở đây, bạn nào cũng học bơi, bất kể là nam hay nữ. Mỗi khi lũ lớn, tụi em đều phải nghỉ học dài ngày”, em Bùi Thị Huyền, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thạch Lâm kể.

Hiệu trưởng trường tiểu học Thạch Lâm I, cô Nguyễn Thị Mậu cho biết, số phải vượt sông ở 3 thôn Đồi, Biện, Nghéo chiếm hơn 1/3 số học sinh toàn trường. Vào mùa lũ, nhiều hôm các em không sang sông được khiến trường lớp vắng teo. Có lớp vắng tới hơn nửa buộc nhà trường phải thông báo nghỉ học rồi tổ chức dạy bù vào thứ bảy, chủ nhật cho kịp chương trình.

Theo ông Bùi Quý Ly, Phó chủ tịch UBND xã Thạch Lâm, mùa lũ ở đây thường kéo dài từ tháng 5 đến 11. Thời gian đó bà con đều phải đi mảng vượt sông chứ không có con đường nào khác. Mỗi ngày có khoảng hơn 300 lượt học sinh và hàng trăm lượt người dân ở các thôn Đồi, Nghéo, Biện đi bè qua sông.

“Vào mùa mưa lũ, việc đi lại rất nguy hiểm, thương các cháu học sinh lắm. Nhiều hôm nước dâng cao, các cháu nhỏ thì nghỉ học, còn cháu lớn thì cởi quần áo, bọc chung với sách vở đội lên đầu rồi ôm cây luồng làm phao sang sông đi học. Có một cây cầu là mơ ước của chính quyền và người dân xứ Mường nơi đây", ông Ly nói.

Lê Hoàng (VNE)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)