Y tế - Văn hóaThư giãn

Nhạc sĩ của Đất nước trọn niềm vui đã ra đi

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 4/9/2013, vào hồi 16 giờ 30 nhạc sĩ Hoàng Hà – tác giả của ca khúc đi cùng năm tháng "Đất nước trọn niềm vui" – đã trút hơi thở cuối cùng tại thành phố Vũng Tàu, ở tuổi 85.

Nhạc sĩ Hoàng Hà.

 Nhạc sĩ Hoàng Hà có tên thật là Hoàng Phi Hồng, ngoài nghệ danh Hoàng Hà, ông còn có một nghệ danh khác là Cẩm La. Ông là người con, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng lại sống và hưởng thụ những giờ khắc cuối cùng tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông là một nhạc sỹ đã có nhiều cống hiến cho âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về cách mạng, về sự nghiệp thống nhất đất nước.

Là một nhạc sỹ rất nhạy cảm với thời cuộc và luôn chất chứa nhiều cảm xúc mới mẻ, tươi vui, lạc quan giữa những thăng trầm, các tác phẩm của ông đến nay vẫn được ngân lên mỗi ngày, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Sự lạc quan, tình yêu thương của ông dành cho cuộc sống, cho quê hương đất nước xuyên suốt mỗi tác phẩm, nhiều ca khúc có tiếng vang như “Hò dân công,” “Vui lên đường,” ông khẳng định tên tuổi mình trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam bằng những tác phẩm để đời: “Ánh đèn cầu Việt Trì,” "Ngày cách mạng thứ bảy," "Làng ta làm thuế,"… Không chỉ thế, bằng lòng yêu con trẻ, nhạc sỹ Hoàng Hà còn sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng như: "Con mèo ra bờ sông," "Cùng múa hát mừng xuân,"…

Tác phẩm tiêu biểu nhất đi cùng năm tháng của ông là ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" ông viết năm 1975 khi đất nước thống nhất hai miền. Đến nay, vừa tròn 38 năm mà mỗi lần giai điệu của ca khúc ngân lên, thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc lại sống dậy, sinh động như sự kiện trọng đại này vẫn đang diễn ra vậy.
Một trong các nhạc phẩm gần đây của ông là bản giao hưởng hợp xướng gồm 4 chương mang tên “Côn Đảo" viết cùng với con trai là nhạc sĩ Hoàng Lương. Bên cạnh việc sáng tác nhạc, Hoàng Hà cũng nghiên cứu về các mảng Kinh dịch, Phật giáo… và ông xem đó như là thú vui tuổi già của mình.
Nhớ về nhạc sĩ Hoàng Hà, nhạc sĩ Phan Long chia sẻ: "Nhạc sĩ Hoàng Hà là người anh, người thầy, người thủ trưởng trực tiếp của tôi trong những năm làm chương trình văn nghệ dành cho thiếu nhi-mẫu giáo tại Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 1975 đến 1985). Anh cũng là người đầu tiên giới thiệu tôi vào Hội Nghệ sỹ Việt Nam. Đối với tôi, Hoàng Hà là tấm gương sáng về sự tận tụy hy sinh cho công việc, độ lượng, bao dung, ẩn trong đó là tính cách nghệ sĩ bay bổng nhưng con người lại chỉn chu như người thầy giáo già, giản dị, chân thật."
Hồi tưởng lại những ngày còn làm việc với nhạc sỹ Hoàng Hà, nhạc sỹ Phan Long đã kể lại những điều ông đã học từ đàn anh mà cho cho đến giờ, câu chuyện vẫn như ngày hôm qua và sẽ theo ông đến suốt cuộc đời:
"Tôi nhớ mãi kỷ niệm khi mới viết xong bài hát cho thiếu nhi: Từ Ra Dơ Líp (Razliv) đến Pắc Bó năm 1977. Tôi hát cho anh Hoàng Hà nghe và cũng để xin anh góp ý thêm. Lúc đó,tôi cũng phân vân, chưa biết nên đặt tên bài hát là gi, định đặt là: Nơi đây từ nơi đây. Vì lời bài hát có những câu: Nơi đây có mái nhà nhỏ xinh/Nằm soi bóng nước lung linh trời xa/Nơi đây suối Lê Nin chảy qua…
Nghe xong, tuy kiệm lời nhưng anh khen: Rồi nay mai bài của ông sẽ được nhiều thế hệ trẻ yêu thích đấy. Và anh góp ý cho tôi đặt tên bài hát là: Từ Ra Dơ Líp đến Pắc Bó. Lúc ấy, tôi vui sướng khôn tả, thế là đứa con tinh thần của tôi được mang cái tên do anh đặt cho. Bài hát này, sau đó là một trong 50 bài hát hay nhất thế kỷ 20.
Đêm hôm đó, khu tập thể nhà chúng tôi ở 128C Đại La Hà Nội cúp điện, dưới ánh đèn dầu leo lét, không đủ tỏa sáng cho căn phòng chật chội, vừa là chỗ kê bàn viết, giường, xưởng cưa, máy tiện, giá vẽ, máy bơm, khung xe mô tô cũ… như một cái kho, một câu nói nữa của anh còn tỏa sáng trong tôi đến bây giờ: Khi mình viết bài xong, nên hát, trao đổi rộng rãi với bạn bè, chỉnh trang kỹ càng cho thật ổn, vì quyền phát hành trong tay mình, khi đã thu thanh, in ấn, tung lên sóng rồi thì dù có đôi chỗ không bằng lòng cũng không thể kéo xuống mà sửa chữa lại được nữa."
Thể hiện sự tiếc nuối với một người nghệ sỹ đã có những cống hiến tận tụy cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sỹ Phan Long đã viết: “Tiếc thương thay vì điều tôi dự đoán năm 2011 đã đúng. Anh không còn cơ hội để chờ đợi nhận Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm nổi tiếng của mình nữa!”.
Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1929 tại vùng hoa ven Tây Hồ, Hà Nội. Đến năm 1985 ông vào định cư ở thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1946 cho đến cuối đời. Ông là một trong số những người tham dự đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) với tư cách người sáng lập.
Năm 1962, ông ra Hà Nội theo học khoa Sáng tác – Lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam tại vị trí biên tập viên. Trong một thời gian dài sau đó, Hoàng Hà ít viết nhạc mà chủ yếu tập trung vào công tác biên tập và giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp. Ông có 5 người con nhưng trong đó chỉ có nhạc sĩ Hoàng Lương là nối nghiệp nhạc sĩ của cha.
Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Hoàng Hà đã nhận được nhiều giải thưởng:
– Huân chương Lao động hạng Nhất
– Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Ba
– Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ) hạng Hai
– Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng
– Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật"
– Huy chương "Vì Sự nghiệp Phát Thanh"
– Huy chương "Vì Sự nghiệp Công Đoàn"
– Huy Chương Vàng Liên hoan Ca múa Á-Phi 1970: Nhạc Múa "Nhân dân Đông dương đoàn kết chống xâm lược Mỹ"
– Giải A Uỷ Ban Thiếu niên-Nhi Đồng (1967): Bài "Con mèo ra bờ sông"
– Hạng A nhạc Phim truyện (1973): nhạc phim nhựa "Người về đồng cói"
– Giải B Uỷ Ban Thiếu niên-Nhi Đồng (1982) về loạt ca khúc và nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi
– Giải Nhì Ca khúc Giải thưởng Âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam(1997) với bài "Mang theo mùa đông" (phổ thơ Hoàng Quý)
– Giải đặc biệt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999): Giao hưởng hợp xướng "Côn Đảo"
– Giải Nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với bài "Tiếng rừng dương"
Theo Vietnamplus

 

Bình luận (0)