Y tế - Văn hóaThư giãn

Lý luận phê bình trong đời sống văn học, bao giờ đủ?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc một số cuốn sách bị thu hồi sau khi xuất bản vì chứa đựng những nội dung không phù hợp với cuộc sống, xã hội vốn đã là một điều bất thường trong đời sống văn học. Không những thế, việc tiến hành các biện pháp thẩm định tác phẩm bị thu hồi, tịch thu cũng gây nhiều vấn đề khiến bạn đọc cũng như những người sáng tác cảm thấy lo âu.
        Sách bị cấm, tác giả hoang mang
Có lẽ trong số những tác phẩm gặp sự cố sau khi xuất bản thì Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông có số phận ly kỳ nhất. Sách bị tịch thu vì có một quyết định kết luận tác phẩm này: “Truyền bá lối sống dâm ô đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Sau đó, đến lượt NXB cũng tổ chức một hội đồng thẩm định khác để đưa ra một kết luận ngược lại. Sau đó, mọi chuyện dần chìm vào im ắng, sách bị cấm ở TPHCM nhưng vẫn bán thoải mái ở các địa phương khác.
 
Các lớp tập huấn LLPB được mở thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu phát triển của VHNT hiện nay.
Một trường hợp khác là vụ thu hồi cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ – Thành ngữ sành điệu bằng tranh. Cuốn sách tranh này bị thu hồi sau những tranh cãi nảy lửa về nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, cũng chính vì tranh cãi quá nhiều nên quyết định thu hồi lại có một lý do mang đậm tính hành chính: “không thực hiện đúng nội dung đọc duyệt và cấp phép của NXB”.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tâm sự: “Cho đến tận bây giờ, khi sách của tôi không còn trên thị trường thì tôi vẫn không biết rằng vì sao sách của tôi lại bị xem là khiêu dâm, đồi trụy. Thật ra, là một người sáng tác tôi tôn trọng mọi nhận định, dù có vài nhận định theo tôi vượt quá dụng ý của tôi trên trang viết, cũng như vượt quá tầm tác phẩm. Thế nhưng, khi những nhận định đó lại do cơ quan chức năng đưa ra để quyết định số phận của tác phẩm thì ít ra cũng phải có giải thích về mặt học thuật, về mặt phê bình để tác giả hiểu được vì sao tác phẩm của mình bị ngăn cấm”.

Không chỉ có tác giả, bạn đọc cũng đứng trước sự mơ hồ qua những đánh giá của cơ quan chức năng. Bạn đọc Hoàng Thị Yến, thành viên của diễn đàn văn học trẻ, phản ánh: “Tôi đánh giá tác phẩm không thật sự xuất sắc, không phải là tác phẩm hay nhất của Nguyên nhưng bảo nó khiêu dâm thì thật lạ”. Phức tạp hơn nữa là trường hợp Sát thủ đầu mưng mủ – Thành ngữ sành điệu bằng tranh với việc phân thành 2 phe bạn đọc ủng hộ và phản đối cãi nhau suốt một thời gian dài. Và cho đến tận bây giờ, tác phẩm lại được xuất bản sau một số chỉnh sửa nhỏ. Rốt cuộc hầu như không bạn đọc nào, nhất là bạn đọc trẻ có thể hiểu được vì sao sách này lúc được cho xuất bản lúc lại không.

        Lý luận phê bình đang ở đâu?
Hẳn những người yêu sách không thể quên được sự kiện cuốn hồi ký Lê Vân – Yêu và sống, sự kiện văn học lớn một thời. Khi cuốn sách ra mắt đã tạo nên những tranh luận xôn xao về những điều mà sách trình bày. Sự tranh luận trở nên phức tạp, thậm chí trong một lần ra mắt sách đã biến thành buổi tranh luận căng thẳng về nội dung tác phẩm. Ngay sau đó, hàng loạt bài phê bình, phân tích tác phẩm này xuất hiện, các nhà phê bình đã vạch rõ những tích cực và tiêu cực của tác phẩm này, những giá trị, quan niệm của tác giả… Gần như ngay lập tức, dư luận lắng xuống khi bạn đọc đọc được những bài lý luận phê bình về quyển sách này, qua đó phần nào hiểu được giá trị thật sự của tác phẩm.
 
LLPB chưa đóng vai trò cần thiết đối với sự lựa chọn các tác phẩm VHNT của người đọc.
Một sự kiện khác, việc xuất bản lại vài tác phẩm từng in tại miền Nam trước năm 1975 đã ngay lập tức bùng lên những tranh luận mâu thuẫn nhau về việc xuất bản, về nội dung, giá trị tư tưởng của chúng. Các nhà phê bình vào cuộc, nhiều bài phê bình đã chỉ rõ bản chất thật của những tác phẩm này trong đó có các nhà phê bình thuộc thế hệ đã từng đọc các tác phẩm trên khi được xuất bản lần đầu tiên.
Việc tham dự của các nhà lý luận phê bình cũng đã góp phần khắc phục một hệ quả không mong muốn của các lệnh thu hồi, cấm xuất bản: sách lậu. Vấn đề này nằm ở chỗ các lệnh thu hồi đã vô tình tạo nên sự kích thích tâm lý tò mò của bạn đọc, trong khi đó hệ thống phát hành chính thức đã loại bỏ tác phẩm nên người đọc tìm đến với sách lậu. Trong một vụ bắt giữ sách lậu tại Thủ Đức (TPHCM) người ta đã phát hiện hàng loạt sách cấm, sách thu hồi. Một người bán sách lậu cho biết, mỗi lần có sách bị thu hồi thì nhu cầu tìm sách đó đọc lại tăng vọt. Tuy nhiên, với các tác phẩm có sự can thiệp của đội ngũ lý luận phê bình, tâm lý tò mò được giải tỏa thì bạn đọc giảm hẳn nhu cầu tìm mua.
        Lý luận phê bình từ khâu xuất bản
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết: “Một tác phẩm khi bị xem xét nên có một hội đồng chuyên môn đánh giá độc lập với sự tham gia của những cơ quan có năng lực chuyên môn cụ thể, trong trường hợp này có thể là Viện Văn học, Hội Nhà văn… Từ đánh giá của giới chuyên môn sẽ có biện pháp xử lý thì ít ra phần nào thuyết phục hơn với tác giả và bạn đọc”.
Tuy nhiên, việc thu hồi, ngăn chặn tác phẩm sau xuất bản là một việc không ai mong muốn và có thể gây ra những hệ quả xấu về mặt xã hội. Luật Xuất bản mới vừa được đưa vào áp dụng có nhấn mạnh đến nâng cao trình độ, trách nhiệm của đội ngũ biên tập, vai trò đọc duyệt của giám đốc, tổng biên tập các NXB. Nếu ngay từ khâu đọc duyệt đã có các cá nhân đủ năng lực nghiệp vụ, có trình độ lý luận, phê bình để phối hợp với tác giả nhằm chỉnh sửa hay thay đổi các chi tiết cần thiết thì vừa có thể đảm bảo có những tác phẩm phù hợp với yêu cầu được xuất bản, vừa tránh được các quyết định thu hồi, tịch thu gây tranh cãi như vừa qua.
theo SGGP

 

Bình luận (0)