Trò chơi khơi niềm cảm hứng ca hát cho các em, vốn vẫn được thấy dưới những hình thức văn nghệ ở trường, nay trở thành một thương vụ của ngành truyền hình.
Ra đời trên truyền hình Hà Lan vào năm 2010, “The Voice” (tại VN là Giọng hát Việt) hấp dẫn nhờ ý tưởng khai thác tính vô danh của người chơi qua vòng Giấu mặt cũng như khoác lên cuộc đua tài ca hát hình ảnh của một cuộc đấu võ đài.
Một tiết mục trong Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Vắt kiệt sức
Chương trình nhanh chóng phổ biến ở nhiều quốc gia và trở thành đối thủ nặng ký của những cuộc thi hát trước đó. Từ định dạng vốn dành cho người lớn, cuộc thi có thêm phiên bản dành cho trẻ em “The Voice Kids” từ năm 2013, mà VN là một trong những nước đầu tiên tổ chức với tên gọi “Giọng hát Việt nhí”.
Đáng ngạc nhiên là khi chuyển qua đối tượng trẻ em, chương trình vẫn giữ nguyên định dạng (format) lẫn hình ảnh sân khấu như phiên bản người lớn, không có bất cứ thay đổi nào để thích hợp hơn với người xem lẫn người chơi là trẻ em. Nên về bản chất, cuộc thi gần như là để giải trí cho người lớn và kiếm tiền cho nhà sản xuất, mà không thể nhắm tới đối tượng trẻ em vốn không được phép dùng điện thoại để nhắn tin.
Điều này cũng giải thích vì sao cuộc thi ở VN lại có quá nhiều bài hát người lớn như vậy. Những “Đám cưới chuột”, “Con cò”, “Sắc màu”, “Chiếc khăn Piêu”, “Giấc mơ trưa”…hoàn toàn xa lạ với thế giới tuổi thơ của các em bởi đòi hỏi sự phô giọng cầu kỳ lẫn nội dung tự sự không thích hợp của bản thân ca khúc.
Nếu không phải là người quá vô tâm để chỉ nhìn thấy những màn trình diễn và hỏi đáp thật hồn nhiên và trong sáng của các em. Bất cứ ai cũng đều biết các em gần như đã vắt kiệt sức mình trong guồng máy sản xuất được vận hành theo những cẩm nang hướng dẫn nhập khẩu từ chương trình gốc. Hơn ba tháng ròng rã vật lộn với các phần thi, nhiều em đã đổ bệnh hoặc phải nhập viện, chưa kể phải xin phép nghỉ học nhiều ngày liền.
Hình ảnh chọn lọc
Như các cuộc thi hát khác được tổ chức theo kiểu truyền hình thực tế, GHV nhí có cả hai phần trên và ngoài sân khấu để chứng tỏ sức mạnh biến những người vô danh thành thần tượng được đám đông yêu thích tại thời điểm diễn ra. Các em nhỏ vì vậy mà quay cuồng với lịch làm việc dày đặc, từ tập thanh nhạc, tập nhảy, tập với ban nhạc, phỏng vấn, ghi hình, quay video clip…
Những chi tiết thú vị và cảm động về cuộc sống đời thường của các em sẽ được chương trình nhấn nhá đậm nét. Để khi hình ảnh các em, xinh xắn và trong sáng như một thiên thần trên sân khấu vừa cất lên giọng hát, thì trái tim của khán giả cũng vừa kịp tan chảy. Cảm xúc của khán giả, một khi đã được tạo ra, sẽ được chương trình nuôi dưỡng nhằm cố gắng thúc đẩy họ cầm điện thoại lên nhắn tin (có phí) giữ thí sinh ở lại với chương trình.
Thật không may cho GHV nhí mùa đầu tiên là nhật ký của một ông bố lặn lội đường xa đưa con đi thi vừa qua đã vô tình tiết lộ một hậu trường trần trụi và nhếch nhác khuất sau vẻ hào nhoáng, vui vẻ và “nhân văn” của cuộc thi.
Ông Lương Quốc Thái, 42 tuổi, phụ huynh của thí sinh lọt vào top 15 Lương Thùy Mai, kể chuyện ba lần đưa con từ Hà Nội vào TP.HCM dự thi, ông và những ông bố đồng cảnh ngộ đã phải tiết kiệm bằng cách mua cơm về ăn chung, năn nỉ khách sạn cho giặt quần áo trong phòng, đem đồ ăn vào toilet nấu lén…
Khoản chi phí tổng cộng trên 50 triệu đồng mà vợ chồng ông phải giật gấu vá vai để “chiều con gái” và vì đã lỡ theo chương trình thật tương phản với con số 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo cùng hàng triệu tin nhắn mà nhà sản xuất thu được.
Cuộc đấu loại trừ
Và cũng giống như nhiều chương trình truyền hình thực tế, toàn bộ sức nặng hấp dẫn của GHV nhí nằm ở luật chơi đòi hỏi các thí sinh phải loại trừ lẫn nhau. Mặt khác, bằng tin nhắn bình chọn, nó cho phép đám đông được quyền quyết định ai sẽ là người chiến thắng.
Thế nên, trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, những tranh luận về chương trình mà người ta nghe được nơi công cộng thường là: ai xứng đáng hơn, thí sinh ấy có cái gì không hay, cần thay đổi cái gì thì mới được, có nên cứ hát mãi dòng nhạc ấy hay không… Những bất đồng quan điểm chính là điều mà nhà sản xuất mong đợi bởi nó có sức mạnh kích thích người xem nhắn tin ủng hộ liên tục.
Hai công văn vận động cho thí sinh của Sở Giáo dục & Đào tạo và UBND phường Đông Sơn ở Thanh Hóa, có thể nói đã xuất hiện trong một cơn cuồng mộ trộn lẫn cả niềm hãnh diện địa phương kiểu như vậy.
Không chỉ khinh suất về mặt chức năng và nhiệm vụ, hai văn bản này còn cho thấy sự hồ đồ và chạy đua thành tích của những người lớn có thể mù quáng đến mức nào. Vinh quang của bé Quang Anh lẽ ra đã thật trọn vẹn nếu không bị vẩn đục bởi toan tính của người lớn.
Cuộc vui đã khép. Các em đi đến vòng cuối cùng đã được trả về lại trường học, nơi lẽ ra các em đã phải có mặt từ hơn một tuần trước đêm chung kết. Bé Quang Anh đoạt giải nhất sẽ xây được căn nhà cho người mẹ vất vả làm công nhân vệ sinh. Với bé, niềm vui thật hãnh diện và lớn lao. Nhưng với những người giấu mặt đã dàn dựng cuộc vui, căn nhà ấy có khi chỉ đáng một cái cười khẩy.
theo Vietnam+
Bình luận (0)