Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Nghị lực vượt nỗi đau da cam

Tạp Chí Giáo Dục

Mang trên mình di chứng chất độc da cam từ bố, để đến được lớp học và đỗ ĐH là nỗ lực rất lớn của Trịnh Đình Anh.

Sức khỏe yếu, Trịnh Đình Anh không ngồi học được lâu.

Trịnh Đình Anh (SN 1993) và gia đình hiện ở thôn 3, Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Anh đỗ Đại học Kinh tế với 24,5 điểm (khối A) khiến nhiều người càng thêm khâm phục, nghị lực phi thường của em.

“Là con thứ ba trong gia đình, nhưng thiệt hơn hai chị gái đầu, từ lúc sinh ra cho đến lúc hai tuổi, Anh liên tục phải nhập viện do cơ thể không phát triển. Suốt thời gian đầu, Anh liên tục phải điều trị ở bệnh viện. Sau đó vài năm, gia đình mới xác định rõ con mình bị dị tật do nhiễm chất độc da cam từ bố”, bà Đoàn Thị Nguyệt, mẹ của Anh kể.
Việc đứng thẳng, đi lại với Anh rất khó khăn. Thế nhưng, thấy bạn bè đi học, Anh cũng đòi bố mẹ cõng đi học cho bằng được. Từ lớp 1 cho đến lớp 4, bố mẹ thay nhau cõng Anh đến trường. Phải đến cuối năm học lớp 4, khi có đợt phẫu thuật miễn phí, thì gia đình mới có điều kiện đưa Anh đi phẫu thuật chữa trị.
Sau đợt phẫu thuật, Anh đứng không còn ngã nữa, thế nhưng vẫn không thể đi lại nhiều, sức khỏe vẫn yếu, cơ bắp không phát triển. Từ năm học lớp 5 đến lớp 9, Anh vẫn tới trường nhờ người bạn thân cùng lớp đưa đón. Sức khỏe yếu, nhưng Anh vẫn nỗ lực thi đỗ vào Trường THPT Thiệu Hóa. Nhà cách xa trường cả chục kilômét, Anh phải ở trọ gần trường để theo đuổi việc học.
“Sức khỏe bố không được tốt, trong khi mẹ phải lo việc đồng áng nên em trọ học để đảm bảo sức khỏe cho mình và đỡ vất vả cho bố mẹ. Ở trọ học, em tự rèn luyện cuộc sống không có bố, mẹ bên cạnh. Mọi việc từ đi chợ nấu cơm, tự giặt quần áo… đều tự làm”, Anh chia sẻ. Đó hẳn là công việc rất nặng nhọc đối với cậu học trò cao đến 1,7m mà nặng chỉ vỏn vẹn 37kg.
Những năm học phổ thông, Anh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh và đạt giải. “Nghe tin con đỗ đại học, gia đình chúng tôi vui lắm. Thế nhưng, sinh hoạt của gia đình và việc học của Anh phụ thuộc vào 6 sào lúa và tiền hỗ trợ chất độc da cam của Nhà nước. Rồi đây, chỉ còn phương án là vay tiền ngân hàng cho em đi học đại học” – ông Trịnh Đình Ly- bố Anh nói.
Ước mơ của Anh thật giản dị, có một chiếc xe đạp điện để đi học (vì không thể tự đi xe đạp, xe máy, hay đi bộ xa được) và một công việc ổn định sau khi ra trường để tự lo cho cuộc sống của mình đền đáp công ơn của bố mẹ và những người tin yêu mình.
Hoàng Lam / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)