Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Chàng sinh viên chinh phục khách hàng thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Với phần mềm ứng dụng cho điện thoại di động, sinh viên Nguyễn Long đã kiếm được hàng trăm triệu đồng và tạo được tiếng vang lớn

Học ngành cơ khí nhưng vẫn có thể nổi tiếng và trở nên “giàu có” nhờ viết phần mềm cho điện thoại di động nên hiện nay tài năng của sinh viên Nguyễn Long (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đang được cả thế giới biết đến với phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói ứng dụng trên điện thoại Black Berry – hãng điện thoại mà Tổng thống Mỹ Obama sử dụng.
Doanh thu mà Long kiếm được nhờ viết phần mềm hiện đã lên đến hơn 400 triệu đồng và con số này đang từng ngày từng giờ được nhân lên, sau mỗi lượt sử dụng.
“Tay ngang”!
Cách đây hơn 4 năm, cậu học sinh người Vũng Tàu “chính hiệu” Nguyễn Long thi đậu vào Khoa Cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, theo đúng lộ trình thì tháng 7 năm nay em sẽ tốt nghiệp và phục vụ đúng chuyên ngành mình học. Thế nhưng, thời gian này, đã có “bước chuyển” lớn trong cuộc đời Long khi em viết thành công phần mềm cho điện thoại di động có tên SayIt với chức năng nổi bật là chuyển văn bản thành giọng nói ứng dụng trên điện thoại Black Berry. Với phần mềm này, người dùng có thể điều khiển bằng giọng nói để thực hiện các lệnh gửi tin nhắn, gửi email, soạn thảo email… Hiện nay, người dùng tại châu Mỹ chỉ cần bỏ ra 5USD đã có thể sử dụng phần mềm này. Tại châu Á, giá rẻ hơn chỉ với 3USD. Long lý giải: “Việc ứng dụng điều khiển bằng giọng nói đã khá phổ biến trên một số dòng điện thoại nhưng với Black Berry thì vẫn rất mới mẻ. Do đó, việc tạo được ứng dụng này cho điện thoại Black Berry chắc chắn sẽ tạo được sự hưởng ứng lớn”. Nghĩ là làm, Long cho biết đã mất 30 đêm để đầu tư, nghiền ngẫm và hoàn thành phần mềm này. Chỉ viết vào ban đêm bởi ban ngày em phải dành trọn thời gian cho học tập vì đang trong giai đoạn làm khóa luận tốt nghiệp. “Do theo học chương trình liên kết đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp nên ngay từ năm nhất em đã quen học tập, làm việc với cường độ cao. Việc viết thành công phần mềm một phần cũng nhờ quá trình được rèn luyện như vậy” – Long nói. Đến nay, với hàng ngàn lượt tải, hiện số tiền Long thu được cũng đã vượt ngưỡng 400 triệu đồng. Bạn bè đặt cho Long một biệt danh mới là “Long triệu phú”. Mặc dù phần mềm tiện dụng của Long đã “chiếm cảm tình” của rất nhiều người sử dụng và hái ra tiền tuy nhiên Long vẫn đang tiếp tục nâng cấp lên, mở rộng một số tính năng mới và bổ trợ thêm một số ngôn ngữ để tăng khả năng ứng dụng.
Quyết chí ắt làm nên
Đôi khi nhiều người cứ nghĩ thành quả của Long chỉ tương ứng với một tháng ngắn ngủi bỏ ra để viết phần mềm nhưng ít ai biết rằng, đằng sau đó là biết bao công sức miệt mài tự học suốt hai năm liên tiếp. Cũng ít ai biết rằng, trước SayIt là 16 phần mềm đã được chàng sinh viên trẻ này dày công, đặt nhiều tâm huyết viết ra nhưng cũng đã rơi vào quên lãng. Những phần mềm đầu tay đó được viết trong thời gian từ khi Long bắt đầu tập tành, tiếp cận, tìm hiểu lĩnh vực lập trình. Long cho biết, việc tự học chắc chắn sẽ gặp nhiều trở ngại hơn so với được đào tạo bài bản ở trường lớp vì khi gặp những kiến thức “đau đầu”, khó hiểu mình chẳng biết hỏi ai. Mỗi lần như vậy, em lại lên mạng lục lọi, tìm kiếm nhiều tài liệu hơn, nhất là tài liệu của nước ngoài rồi nghiền ngẫm, nghiên cứu. Cũng theo Long, chính nhờ có vốn liếng tiếng Anh đã tạo thuận lợi rất lớn để em tiếp cận được những tài liệu hay, thiết thực liên quan đến ứng dụng của em. Ngạc nhiên là khả năng tiếng Anh “siêu phàm” của Long cũng hoàn toàn nhờ quá trình… tự học! Mặc dù thời cấp 3 đã từng sở hữu 2 giải nhì cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh tiếng Anh nhưng theo Long, đó chỉ là những kiến thức rất giản đơn, căn bản. Môi trường học tập nhiều áp lực bậc ĐH đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn, nhất là khi phải bắt đầu học thêm cả tiếng Pháp do yêu cầu của chương trình đào tạo nhưng Long vẫn trung thành với phương pháp tự học. Với em, “có máy tính là… đủ rồi!” bởi nếu biết chuyên tâm và đúng cách thì phương pháp tự học vẫn mang lại hiệu quả rất cao.
Với chương trình liên kết đào tạo đang theo học, sắp tới Long sẽ vừa có bằng kỹ sư trong nước vừa được Pháp cấp bằng thạc sĩ ở tuổi đời rất trẻ: 23!  Đây cũng là độ tuổi rất trẻ cho những thành công mà em đã gặt hái được và là tuổi “đẹp” để mở ra chặng đường mới cùng những dự định táo bạo hơn.
Dù tháng 7 mới chính thức rời ghế giảng đường nhưng nhiều doanh nghiệp, công ty, đơn vị đã “đặt hàng” chàng “triệu phú sinh viên” này ở nhiều vị trí công việc hấp dẫn. Tuy nhiên, Long vẫn chưa xác định đầu quân về đơn vị nào hết, định hướng theo đuổi công việc liên quan đến chuyên ngành đào tạo vẫn được em ưu tiên hàng đầu. Còn lập trình, công việc “tay trái” đã đem đến một “Long triệu phú” ngày hôm nay vẫn tiếp tục song hành cùng em bởi đam mê và công sức dành cho nó cũng nhiều không kém “nghề tay phải”.
Sau SayIt, phần mềm dành cho máy tính bảng PlayBook là Handy Scanner của Long hiện cũng đang được lọt vào top phần mềm bán chạy nhất. Ứng dụng này cho phép người dùng scan tài liệu để chuyển thành file PDF từ camera máy tính bảng.
Với Long, thành công nào cũng vậy, luôn có công sức dưỡng dục của những người lát từng viên gạch đầu. Càng ý nghĩa hơn khi thầy cô giáo dạy em từ lần đầu nắn nót từng nét chữ ấy cũng chính là cha mẹ! Cha mẹ Long hiện đều là giáo viên dạy tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (huyện Châu Đức, Vũng Tàu). Đi đâu, Long cũng tự hào mình là con nhà giáo!
Bài, ảnh: Mê Tâm
 
12 năm liền, Nguyễn Long đạt danh hiệu học sinh giỏi. Đồng thời, Long còn đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Anh văn cấp tỉnh các năm lớp 9 và 11; giải 3 môn hóa kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 12; giải thưởng “Nhà khoa học trẻ”… Bên cạnh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Long cũng từng thi đậu vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM ngành địa chất với số điểm khá cao 25,5. 

Bình luận (0)