Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người chuyển hướng một con thuyền

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Nguyễn Thị Liễu trao đổi kế hoạch trong tuần với thầy Phạm Quốc Tuấn
Hơn 12 giờ trưa, sân trường vắng lặng. Các em học sinh (HS) lớp bán trú và giáo viên (GV) của Trường THCS Ngô Chí Quốc, Q. Thủ Đức, TP.HCM đã vào phòng học tranh thủ nghỉ trưa. Thế nhưng, tại phòng BGH nhà trường vẫn còn vài mái đầu chụm vào nhau xem đi xem lại những tờ giấy, bản vẽ xây dựng trường. Cạnh đó, mấy hộp cơm văn phòng nằm trên bàn chờ chủ cũng đang nguội dần.
Đó là cuộc hội ý kéo dài của BGH Trường THCS Ngô Chí Quốc về sự thay đổi bản thiết kế 4 dãy lớp học của trường sắp được thi công trong thời gian tới. Theo như dự án bản vẽ trước đây, ngoài việc cải tạo 8 phòng học, trường còn xây thêm 14 phòng học mới.
Sáng kiến của BGH
Đến nay, cô Nguyễn Thị Liễu – Hiệu trưởng nhà trường vẫn “đứng ngồi không yên” vì trường vẫn thiếu 3 phòng. Nghĩ tới ngày khánh thành cô khấp khởi vui mừng vì trước mặt người nữ hiệu trưởng sẽ hiện ra một ngôi trường mới mà nhiều năm trước đây còn sình lầy nước đọng. Nhưng nỗi buồn lại bắt đầu thoáng qua khi cô biết nhiều PHHS vẫn chưa có chỗ để gửi con mình vào học bán trú. Theo phương châm “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cô Liễu – thầy Tuấn – thầy Dũng, bộ ba của BGH nhà trường cố tìm giải pháp tối ưu khác. Thế là những cuộc họp lại được triển khai và kết quả cuối cùng đã không phụ lòng những người “cầm chịch”.
Đưa tôi đi ngắm một vòng “sắc diện” ngôi trường mới, cô Liễu không giấu được niềm vui: “Tuy phòng chức năng, phòng truyền thống bị cắt bớt và phòng GV chật lại một chút nhưng trường đã có thêm 3 lớp cho HS mà không phải xin thêm kinh phí và quỹ đất”. Rảo qua các dãy nhà, nhìn thấy khuôn mặt rặng rỡ của những thầy cô đi vào lớp học còn thơm mùi sơn mới, lòng tôi hân hoan hòa chung niềm vui với BGH nhà trường.
Còn nhớ cách đây đúng 20 năm, theo quyết định của UBND Q. Thủ Đức, Trường cấp 1-2 Ngô Chí Quốc “cất tiếng chào đời”. Ngày mới thành lập, trường chỉ có hai dãy nhà cấp 4 với 10 lớp học trên một mảnh đất hoang vu, trái nẻo. Sau khi tách cấp 1 ra, Trường THCS Ngô Chí Quốc cũng chẳng “giàu có” gì thêm. Nếu trước đây thầy cô cả hai cấp đều “chia nhau” chịu cảnh lội sình để vào trường thì bây giờ chỉ có những GV ở lại dạy THCS lãnh đủ. Mùa mưa, thầy trò không bị ướt quần áo nhưng sình lầy bắn tứ tung, bùn đỏ “nở hoa” khắp người. Mùa khô về, sân trường lổm nhổm đá mi, bụi mù trời trong giờ ra chơi. Thiếu bóng cây, vài cái quạt máy treo trên tường không đủ “sức” xua đi cái nóng từ mái tôn ập xuống. Lớp học nóng như lò bánh mì, thầy trò mồ hôi cứ vã ra như tắm. HS sở tại đều là con em gia đình lao động nghèo, việc học hành không được đầu tư nên chất lượng toàn trường thường “đội sổ” nhất nhì quận. Một số GV nhớ lại: “Lúc trước, mỗi lần đi họp chỉ cần nghe ai nhắc đến tên trường, ai cũng cúi mặt xuống chứ không dám ngẩng đầu lên vì thành tích thua xa trường bạn. HS giỏi đếm trên đầu ngón tay, tỷ lệ yếu kém chiếm đa số. Nếu bỏ qua thành tích học tập thì hạnh kiểm của HS nhà trường cũng chẳng có gì khả quan. Mỗi khi nhận lớp, GVCN buồn nhiều hơn vui vì có lắm trò cá biệt, thích quậy phá thay vì chăm chỉ học hành”. Thời điểm này, Phòng GD-ĐT quận tăng cường huy động thêm đội ngũ GV có năng lực từ các trường khác về để “vực dậy” phong trào cho ngôi trường đang còn thiếu “lửa”. Đó là thầy Phạm Quốc Tuấn, thầy Phạm Ngọc Thanh Nhã, cô Nguyễn Thị Liễu, cô Hồ Thị Kim Ngân…
Khó khăn đi qua, niềm vui ở lại
Nhiều năm liền là tổ trưởng bộ môn lịch sử của Trường THCS Hiệp Bình, cô Nguyễn Thị Liễu luôn được đồng nghiệp cảm phục, HS kính trọng nhờ năng lực chuyên môn tốt và nhiệt tình công tác. Thực tế cho thấy, GV khi chuyển trường thường có 2 lý do: thứ nhất vì hoàn cảnh gia đình và thứ 2 do cấp trên điều động công tác theo năng lực lãnh đạo. Trường hợp cô Liễu “rơi” vào lý do thứ hai vì dù ở trường nào cô cũng phải đi hết 5 cây số mới đến được nơi làm việc. Phòng GD-ĐT đã không nhầm khi chọn người để đưa vào “nấc thang” mới trong công tác quản lý chuyên môn của Trường THCS Ngô Chí Quốc. Từ ngày cô Liễu về, không khí chuyên môn đã bắt đầu được nhen nhóm trong các tổ bộ môn của trường. Các tiết học trên lớp từng bước đi vào kỷ cương, nền nếp và từng bước được nâng cao chất lượng. Tuy chưa phải là người đứng đầu “cầm sào chịu mũi” nhưng cô đã biết làm cho “con thuyền” từ từ chuyển hướng vào quỹ đạo chung của ngành GD-ĐT Q. Thủ Đức. Vì thế, sau khi hiệu trưởng đương nhiệm đến tuổi nghỉ hưu, cô Liễu đã ghé vai gánh vác trách nhiệm mà tập thể nhà trường và Ban đại diện CMHS tin tưởng giao phó. Hai năm làm công tác quản lý đủ cho một tân hiệu trưởng có thêm trải nghiệm ban đầu khi bắt tay vào chỉ huy cả “guồng máy” hoạt động. Ngày càng nhiều lớp phụ đạo được mở ra giúp HS nhà trường lấy lại “phong độ” học tập. Nhờ vậy, tỷ lệ HS yếu kém hạn chế bớt, HS giỏi có thêm đất dụng võ khi được thi thố tài năng trong các đội tuyển. Một trang giáo án chuyền tay nhau cũng đã nối thêm “nhịp cầu vàng” chuyên môn trong tổ khối. Thầy cô trẻ có thêm kinh nghiệm đứng lớp, GV lớn tuổi yên tâm hơn khi có đàn em kế cận đang ngày một trưởng thành. Các tiết dự giờ thao giảng từng bước được chuyển thành những diễn đàn sôi nổi góp phần định hướng nội dung và phương pháp dạy học cho toàn thể GV nhà trường.
Gắn bó nhiều năm với công tác chủ nhiệm, đội ngũ GV có thêm độ dày về kinh nghiệm giáo dục HS chậm tiến chưa ngoan. Trong các cuộc thi GVCN giỏi và GV dạy giỏi đã xuất hiện nhiều gương mặt mới như cô Hồ Thị Kim Ngân, cô Nguyễn Thị Ngọc Phong, cô Trần Thị Ánh Nguyệt, thầy Hồ Văn Thịnh, cô Lê Thị Xuân Dung … Không muốn HS của mình phải thất học vì nghèo, BGH nhà trường đã tìm mọi nguồn học bổng để “nâng cánh ước mơ” cho các em.
Thời gian qua, Trường THCS Ngô Chí Quốc đã “cung cấp” cho các trường THPT Gia Định, THPT Võ Thị Sáu, THPT Nguyễn Hữu Huân một đội ngũ HS lớp chuyên Anh và chuyên hóa chất lượng cao. Trong đó, hai “ngôi sao” đang nổi lên trên bảng vàng thành tích đó là Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Thanh Huyền. “Có bột mới gột nên hồ”, nếu không có những tháng ngày vất vả ôn luyện của thầy trò nhà trường thì không thể có được “đỉnh cao” đáng tự hào của ngày hôm nay.
Từ một ngôi trường làng thiếu thốn trăm bề nằm trong dự án loại 2, Trường THCS Ngô Chí Quốc đã tự mình vươn dậy với sức bật Phù Đổng để hướng tới trường THCS loại 1. Giữa đầm lầy nước đọng năm nào, một đóa sen đang nở xòe cánh thắm. Nhìn hình ảnh đó tôi lại nghĩ đến ngôi trường mang tên vị anh hùng liệt sĩ Ngô Chí Quốc trên vùng đất phía đông bắc thành phố mang tên Bác. Có được hiện thực bừng sáng ngày hôm nay không thể thiếu bàn tay chăm sóc của thầy Tuấn, thầy Nhã, cô Ngân, thầy Dũng “bộ sậu” trong BGH và đặc biệt là cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Liễu – những người âm thầm cống hiến suốt 20 năm qua.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)