Cung tên – vật bất ly thân của người Ve
|
Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, làng Pêtapoót thuộc xã Đắc Ring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống chủ yếu của dân tộc Ve ở xứ này chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, săn bắn chim muông và thú rừng. Hoang sơ thế nên nơi này ẩn chứa nhiều truyền thuyết kì bí níu chân ai từng một lần đặt chân đến đó…
Vượt quãng đường ngót 200km từ thành phố Đà Nẵng về Pêtapoót, bỏ lại sau lưng ánh đèn đô thị với đầy đủ điều kiện của cuộc sống văn minh hiện đại, chúng tôi đã sống một ngày đêm trọn vẹn với đất trời và lòng người Ve giữa chốn thâm sơn cùng cốc Pêtapoót hoang vu. Giữa thế kỷ 21, người Ve ở Pêtapoót vẫn sống nhờ vào nguồn nước sinh hoạt lấy từ dưới suối, săn bắt chim muông, thú rừng để làm thức ăn chính mỗi ngày… Cuộc sống vẫn còn lắm hoang sơ!
Huyền bí về chất độc Prua
Đến Pêtapoót, câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn sự tò mò nhất của chúng tôi là chuyện về chất độc Prua – một thần dược độc đáo của người Ve. Theo các già làng, Prua là loại thuốc cực độc, có thể làm người và muông thú chết trong giây lát. Nếu không may trúng tên có độc, không có bất kỳ loài vật nào thoát khỏi lưỡi hái tử thần!
Cả làng Pêtapoót, người được bà con kính nể vì đã tìm được cây Prua và có phép gia truyền về chế biến loại thuốc độc này là già Kring Phông Nhấp. Năm nay ông ngoài 50 tuổi nhưng trông vẫn tráng kiện như gã nông dân tuổi tứ tuần. Không chỉ là người có bí truyền về thuốc độc mà Kring Phông Nhấp còn là thợ săn lừng lẫy nhất nhì làng Pêtapoót. “Ở chốn này, muốn tìm cây Prua chỉ có cách lội ngược lên đầu nguồn con sông Ring hàng chục cây số mới có. Mà mãi tận rừng sâu đó chỉ có hai cây Prua thôi. Nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến nó thành thứ thuốc cực độc được”, Kring Phông Nhấp nuốt chửng ngụm rượu, khẳng khái nói.
Không ai biết rõ nguồn gốc kịch độc Prua. Những người Ve ở đây từ đời này qua đời khác vẫn truyền nhau câu chuyện kịch độc Prua như một niềm tin bí ẩn. Tương truyền vào một đêm không trăng, làng Pêtapoót bị giặc mùa tấn công giết sạch. Trong cơn hoảng loạn vì tiếng thét vang rừng đầy oán khí chết chóc, có một chàng trai đã nhanh chân chạy thoát vào rừng. Chàng chạy mãi, chạy mãi lên thượng nguồn sông Ring. Tiếc thương cha mẹ, dân làng và uất hận kẻ thù nhưng một thân một mình không thể trả thù, chàng than khóc từ ngày này sang ngày khác. Đến khi kiệt sức thiếp đi, chàng mơ thấy một lão già tóc bạc lại gần bảo: Muốn trả thù hãy lên thượng nguồn sông Ring tìm cây Prua. Tỉnh dậy, chàng đi dọc con sông Ring gần ba tháng trời để tìm một loài cây chưa hề biết. Đến thượng nguồn, chàng nhìn quanh rồi bắt gặp ở một gốc cây to có một đống xương thú. Chàng nghĩ, có thể các con thú đi ngang qua đây vô tình ăn lá, vỏ cây hoặc dính phải nhựa cây này mà chết. Chàng lấy nhựa cây tẩm vào cung tên và đi tìm thú rừng bắn thử. Thấy những con thú bị chàng bắn tên có nhựa cây đều chết, chàng vui mừng mang cung tên đi trả thù cho dân làng…
Biểu tượng sức mạnh của người Ve
“Không biết thuốc độc Prua, không biết giương cung bắn tên thì không phải con cháu người Ve ở làng Pêtapoót!”, già Kring Hun (53 tuổi) nhấn mạnh. Câu chuyện đang hồi trầm bổng, thì ngoài sân có tiếng gọi lớn. Đó là lúc trai làng vừa săn được con heo rừng to nửa tạ. Sau tiếng thổi kèn hú vọng núi rừng, bà con trong làng xúm lại để xẻ thịt chia cho nhau. Kring Hun vừa vung dao phay rọc từng thớ thịt điêu luyện như một tay thợ lò mổ chuyên nghiệp vừa cười vang cho biết: “Con heo này trúng độc Prua mà chết”. Thấy tôi ngạc nhiên vì người làng vẫn lấy tim, gan, phèo, phổi làm gỏi ăn sống mà không sợ trúng độc, Kring Hun lại cười rung cả bắp thịt rắn chắc: “Chất độc Prua làm chết con vật nhưng không thấm qua thành ruột mà đi vào máu nên vẫn có thể ăn sống nội tạng động vật vừa chết mà người không bị trúng độc. Còn thịt thì khi nấu chín lên là được”.
Men rượu ngà say, già Kring Phông Nhấp tra một mũi tên vào nỏ tích tắc đưa lên bắn cái tách. Một con chuột lấp ló trong cái hang cách đó vài chục mét bị mũi tên xuyên thẳng. Già Nhấp hướng về phía đám trẻ con đang căng tròn mắt thán phục, chậm rãi nói: “Cung tên, thuốc độc Prua là biểu tượng sức mạnh của người Ve ở làng Pêtapoót!”.
Xa lắm… Pêtapoót
Những đứa trẻ người Ve từ tấm bé đã được người lớn kể về sức mạnh cung tên và chất độc Prua – niềm tự hào của dân bản
|
Đến Pêtapoót nghe câu chuyện huyền bí lôi cuốn lòng người nhưng nếu nhìn nó dưới góc độ phát triển kinh tế, khoa học xem ra còn lắm câu chuyện xót xa. Nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ, người Ve chẳng có mấy ai bước chân ra khỏi làng để về thành phố. Họ chỉ biết sống cuộc đời mình trong cái vòng tuần hoàn: sinh ra, lớn lên biết cầm cây cung cái nỏ thì theo chân cha vào rừng “săn, bắt, hái lượm”. Hầu như chưa ai biết đến chiếc điện thoại hay có một lần được cưỡi chiếc xe gắn máy vi vu đó đây. Đêm bên nóc nhà sàn vọng tiếng gió u u luồn vào vách nứa, nhấp ngụm rượu làm từ rễ cây rừng cay hăng hắc đến cổ họng, già làng Kring Nhấp ngồi trên cái đòn càn kê cao trong nhà sàn, giọng ông chùng xuống rầu như lá cây chuối úa ngoài bìa rừng: “Cả làng vẻn vẹn chỉ có vài chục nóc nhà được lợp mái bằng ống tre nứa chẻ đôi, lắp theo kiểu ngói âm dương. Hơn 20 hộ dân, gần 40 khẩu. Năm 1980, trong lúc đi tuần tra, các chiến sĩ biên phòng Đồn 661 phát hiện ra nhóm người Ve mình. Kể từ đó ngôi làng Pêtapoót dưới ngọn núi Pèng Giàng này được hình thành. Đời miềng chưa một lần ra khỏi cánh rừng này”.
Chung nỗi lòng người lớn, trẻ em ở đây cũng như phần lớn bố mẹ của chúng, mù chữ khá nhiều, bởi ăn ở biệt lập như vậy biết đi đâu học cái chữ. Mấy năm gần đây nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự quan tâm của ngành giáo dục, có gần chục đứa trẻ của làng được ra trung tâm xã học cái chữ. Đối với dân làng Pêtapoót trải qua bao nhiêu thế hệ sống trong nghèo khó, đói rách, mù chữ thì các em là nguồn tài sản quý giá nhất. Bởi với họ, chỉ có các em mới là chiếc cầu nối đưa tâm trí của những người chưa từng đặt chân đến phố thị, chưa từng tiếp xúc với cuộc sống hiện đại có thể tưởng tượng ra hình ảnh cái ti vi biết nói tiếng người; người nông dân cưỡi máy ra đồng cày đất hay cái tàu hỏa dài loằng ngoằng như con rắn mai gầm có thể mang hàng trăm con người đi xa mà không cần mỏi chân lội bộ…
Người Ve ở Pêtapoót còn xa lắm với tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)