Làng Khoai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) có lẽ là ngôi làng… kỷ lục về rác – nhiều rác nhất Việt Nam. Đến mức, theo lời Trưởng thôn Nguyễn Văn Thăng, tìm hộ nào không tham gia nghề thu mua, tái chế phế liệu, có lẽ khó hơn tìm đom đóm trong đêm trăng sáng.
Làng “ăn rác”
Trong lịch sử các làng nghề truyền thống Việt Nam, làng Khoai cũng có tên trong danh sách, tuy nhiên không có vẻ gì lãng mạn: Làng nghề tái chế phế liệu. Người dân làng nghề gọi làng mình bằng từ nôm na dễ hiểu: Làng… ăn rác.
Phế liệu và rác thải la liệt khắp làng.
Làng Khoai là “đầu nậu”, “nơi tập kết” cuối cùng các loại phế thải (chủ yếu là nhựa, vỏ chai nhựa, nylon…) để tái chế ra các sản phẩm khác: Túi nylon, quần áo mưa (loại mặc một lần), đồ dân dụng bằng nhựa… Cho nên, dù làng nằm giữa vùng đồng bằng Bắc bộ, song bước chân vào làng cứ ngỡ như lạc vào một khu… công nghiệp, bởi biển hiệu các cơ sở tái chế, sản xuất nhựa, sản xuất túi nylon, áo mưa, đồ dân dụng bằng nhựa, xốp… giăng dọc trục đường làng, dọc hai bên bờ sông… Người người, nhà nhà trong làng làm nghề tái chế phế liệu. Các chủ cơ sở tái chế đua nhau thành lập công ty, xưởng tái chế… để cung cấp sỉ, lẻ khắp trong Nam ngoài Bắc.
Nghề “ăn rác” của làng Khoai đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây thay da đổi thịt: Nhà cao tầng mọc lên san sát. Xe ôtô (xe chở hàng, xe hơi du lịch đắt tiền) đỗ chật đường làng. Cả làng hiếm hoi tìm thấy một khu đất trống, bởi người ta tận dụng tối đa làm nơi tập kết, sơ chế, phân loại, đóng ép… các loại phế liệu khắp các tỉnh đổ về.
Chỉ khổ cho những con đường làng chật chội và nhếch nhác, vì những kiện vỏ nhựa được ép bằng máy thành từng lốc xếp chồng lên nhau cao ngất ngưởng; những bao tải nylon vứt đầy hai bên đường; rãnh nước thải lúc nào cũng vẩn lên váng tù đọng… Con sông chảy qua làng trước hiền lành yên ả và là nguồn nước sinh hoạt của cả làng, nay dù đã được kè cứng hai bên bờ nhưng rác thải đã ùn ùn lấp kín cả lòng sông.
Theo lời của Trưởng thôn Tây Minh Khai – anh Nguyễn Văn Thăng, làng có 900 hộ dân thì có tới 99% số hộ làm nghề tái chế. Nếu tìm gia đình không làm nghề tái chế có lẽ còn khó hơn đi tìm… đom đóm dưới đêm trăng!
Cả làng có lẽ chẳng còn bóng cây nào che nắng mưa cho đường thôn ngõ xóm, vì để có mặt bằng sản xuất, các hộ dân đã thi nhau đốn chặt. Khoảng đầu năm 2000, cán bộ ngành môi trường đã đến kiểm tra nồng độ không khí, nguồn nước… của làng Khoai. Kết quả phân tích cho thấy, tất cả các chỉ số này đều vượt mức cho phép hàng chục lần. Làng Khoai trở thành một trong những “điểm đỏ” về ô nhiễm môi trường làng nghề của Hưng Yên và của cả nước.
Bà Vũ Thị Vòng, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Văn Lâm cho biết: dự án xây dựng, quy hoạch, phát triển làng nghề, quy hoạch làng nghề tái chế phế thải của làng Khoai được bắt đầu từ năm 2006. Khi đó, tỉnh, huyện, thị trấn đều lo… ế vì không đủ số hộ đăng ký thuê đất, mua đất chuyển xưởng chế biến sang khu vực làng nghề. Thế nhưng, đến nay khu quy hoạch làng nghề… không còn chỗ vì số các cơ sở sản xuất đăng ký nhiều quá. Huyện Văn Lâm đang có kế hoạch mở rộng khu quy hoạch làng nghề để “quay” các xưởng tái chế ra khỏi khu dân cư, trả lại sự trong lành cho môi trường!
Không biết, quy hoạch làng nghề có giải quyết được bao nhiêu phần trăm mức độ ô nhiễm. Trong khi tình trạng “nhà nhà tái chế, người người tái chế” phế phẩm nhựa ở làng Khoai đã là vấn đề nhức nhối gần 20 năm nay, kể từ khi nghề thu mua, tái chế phế liệu ở làng Khoai bắt đầu manh nha từ những năm đầu thập niên 1990.
Người dân bức xúc…
Đó là câu chuyện khiến người dân thôn Tây Minh Khai (xóm 2, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) hoang mang và bức xúc, bởi nhiều ngôi mộ an táng tại nghĩa trang làng từ 5-6 năm nhưng vẫn không phân hủy để gia đình làm thủ tục cải táng cho người thân. Nhiều gia đình, khi gặp phải tình huống trên đã phải đậy nắp huyệt lại, đợi thêm thời gian cho người chết phân hủy hết mới tiến hành cải táng lại. Không ít gia đình lo lắng về mặt tâm linh, kiêng kỵ việc “đào lên, lấp lại” nên phải dùng biện pháp… róc những bộ phận thi hài chưa phân hủy để cải táng cho người thân.
Anh Đinh Văn Ngọc, một người dân trú tại thôn Tây Minh Khai xác nhận: “Nhiều gia đình cải táng cho người chết, nhưng vì vẫn chưa phân hủy hết, họ đành phải lấp lại!”. Chính gia đình anh Ngọc cũng gặp phải trường hợp như vậy. “Gia đình ông giáo Sáng, ông Bính… khi tiến hành sang cát, vẫn còn nguyên hiện trạng như lúc mới mất” – ông Tứ, một người dân sống gần nghĩa trang thôn Tây Minh Khai, kể lại.
Anh Phùng Văn Kiêu, quản trang nghĩa trang thôn Tây Minh Khai gần chục năm, nhà ở ngay lối vào nghĩa trang, xác nhận: “Trong thời gian tôi làm quản trang, rất nhiều gia đình đã gặp phải trường hợp trớ trêu không ai muốn!”. “Ban đầu, nhiều gia đình nghĩ rằng đó là mộ kết, gia đình có phước lớn. Thế nhưng, quá nhiều trường hợp lặp lại hiện tượng trên khiến người dân hoang mang. Hiện tượng này xảy ra khoảng 6-7 năm nay. Cứ 10 ngôi mộ thì có tới 7-8 trường hợp người chết không hoặc chưa phân hủy hết!” – Anh Phùng Văn Kiêu cho hay. Cũng theo anh Kiêu, trước đây, chưa bao giờ người dân làng Khoai gặp phải hiện tượng “oái oăm” như thế. Trong khi đó, tại nghĩa trang xóm Đông Minh Khai (cùng thuộc làng Khoai), người chết chỉ chôn 2-3 năm đã hoàn toàn phân hủy sạch sẽ, chưa xảy ra hiện tượng mộ “kết giả” như ở nghĩa trang Tây Minh Khai. Trước hiện tượng trên, nhiều gia đình khi có người thân mất, đã chọn phương án hỏa táng để “an toàn”.
Người dân làng Khoai cho rằng, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi ô nhiễm nguồn nước thải từ nhiều nhà máy xung quanh nghĩa trang xả trực tiếp vào nghĩa trang. Các hóa chất độc hại đã khiến người chết không phân hủy được. Nghĩa trang Tây Minh Khai nằm lọt thỏm giữa 3 nhà máy xây xung quanh, gồm Nhà máy Kính Việt Hưng, Công ty May Nguyễn Hoàng và Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng xe máy Việt Nam (VAP). Con đường mòn chạy vào nghĩa trang dài chừng 300m. Có lẽ, đây là điểm khô ráo, sạch sẽ nhất ở nghĩa trang. Song song với con đường là rãnh nước thải ngả màu đen kịt, sủi ngầu bọt. Theo lời anh Phùng Văn Kiêu, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ rãnh nước thải không thể chịu được.
Trước kia, nghĩa trang làng Khoai nằm giữa cánh đồng, địa hình cao bằng mặt ruộng. Từ khi các nhà máy xây dựng quanh nghĩa trang đã làm mặt bằng nền móng cao hơn khiến nghĩa trang làng Khoai trở thành khu đất thấp nhất, lại bị bao bọc bởi tường xây bốn xung quanh nên không có đường thoát nước. Vì thế, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, nghĩa trang đã biến thành một cái… ao tù.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Vòng, Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Văn Lâm, chưa thể kết luận được nguyên nhân chính xác có phải do ô nhiễm nguồn nước thải của các doanh nghiệp xây dựng nhà máy xung quanh nghĩa trang hay không, vì muốn kết luận phải có bằng chứng, có kết quả nghiên cứu các mẫu chất thải lấy từ khu vực nghĩa trang làng Khoai. Bà Vòng cũng thừa nhận: Hiện tại, cơ quan chuyên ngành cấp huyện như Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Văn Lâm chưa đủ nhân lực và năng lực để có thể tiến hành lấy các mẫu về nghiên cứu, phân tích. Phải có một cơ quan, tổ chức chuyên môn làm công tác này, lúc đó mới có thể kết luận được nguyên nhân từ đâu.
Làng quê – môi trường sống tưởng như trong lành nhất ở nông thôn Việt Nam – đang đứng trước những hiểm họa cận kề của vấn đề ô nhiễm môi trường. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhưng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, khi sự phát triển chưa đạt đến tầm bền vững. Trong lúc chính cơ quan quản lý nhà nước theo lĩnh vực cũng chưa dám “lên tiếng”, người dân làng Khoai chỉ biết ngậm ngùi về hiện tượng không ai muốn đối với dân làng mình. Nếu cứ kéo dài mãi tình trạng này, thì cả người sống, người chết ở làng Khoai đều khổ!
Khánh Linh – Thái Bình
Theo Báo Tin Tức
Bình luận (0)