Y tế - Văn hóaThư giãn

Văn Miếu căng dây giữ rùa

Tạp Chí Giáo Dục

Những đoạn dây đỏ chăng trước nhà bia, thậm chí còn được ghim bằng kim loại vào cột gỗ Văn Miếu, gây phản cảm.
 
 
Những đoạn dây được gắn vào cột gỗ một cách phản cảm. Nó cho thấy ý thức giữ gìn di sản kém – Ảnh: Ngọc Thắng
Họa sĩ Nguyễn Văn Tiến đã trở thành Tiến “Văn Miếu” sau một trình diễn ở di tích này cách đây vài năm. Trong cuộc trình diễn đó, Tiến quỳ rạp bên cạnh những cụ rùa đội bia đá, cung kính giơ một tấm biển cao quá đầu, ghi lời đề nghị đừng sờ vào rùa. “Việc sĩ tử sờ đầu rùa đã trở thành nạn. Họ xô nhau đến sờ đầu rùa vào trước mỗi kỳ thi. Trên thân rùa, đầu rùa, bia đá đã có nhiều vết bóng mòn vẹt”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế nhớ lại.
Để bảo vệ nhóm hiện vật này, giờ đây dây đỏ được giăng vòng quanh nhà bia. Tuy nhiên, thay vì có những cột kim loại thấp đồng bộ để bắt dây, nhà quản lý đã chỉ sử dụng một phần cột kim loại. Còn lại, họ tận dụng luôn cột của nhà bia để bắt dây bảo vệ. Trên những cột gỗ vì thế ánh lên những miếng nẹp và cả ốc vít bắn vào. Theo một nhà nghiên cứu: “Việc bảo vệ di tích như vậy thật đáng buồn”.
Còn nhớ hồi tháng 2 vừa rồi, một hội thảo đã được tổ chức để tìm ra giải pháp bảo quản bia tiến sĩ ở Văn Miếu – một di sản tư liệu của nhân loại. Ngoài việc bảo vệ bia khỏi tác động của môi trường, người ta còn bàn chuyện làm sao để ngăn ngừa khách tham quan sờ hiện vật. Hai giải pháp khi đó được đưa ra gồm dùng kính chịu lực làm vách, hoặc làm lan can gỗ vây quanh nhà bia. Nếu giải pháp dùng kính an toàn triệt để, thì giải pháp lan can gỗ lại hài hòa với cảnh quan di tích. Tuy nhiên, đã nửa năm trôi qua, Văn Miếu chưa có thay đổi thật sự để bảo vệ bia tiến sĩ. Trong khi đó, sự thiếu thẩm mỹ của hàng dây này đang tiếp tục thách thức nhiều nhà nghiên cứu. Giá trị của di tích vì thế cùng bị hạn chế ít nhiều.
“Theo tôi được biết, Trung tâm hoạt động khoa học quản lý Văn Miếu đã cố hết sức để đưa ra phương án bảo vệ bia. Tuy nhiên, vẫn đang trong giai đoạn thủ tục”, một nguồn tin cho biết.
Cách đây một năm, mái ngói Văn Miếu đột ngột chuyển thành màu xanh của bạt che. Ông Nguyễn Hải, Phó giám đốc trung tâm khi ấy cho biết đã báo cáo bằng văn bản và xin sửa chữa lên Sở VH-TT-DL Hà Nội. Chỉ vài ngày sau, Sở đã cho phép trung tâm được sửa mái cấp tốc. Tuy nhiên, các thủ tục sau đó (theo đúng quy định) đã kéo dài đến khoảng 4 tháng sau mới hoàn tất. Khi đó, mái ngói dột mới được sửa lại.
Quy trình tìm phương án, trình thủ tục, chờ xong thủ tục này hiện đang diễn ra với dãy nhà bia.
 theo TNO

 

Bình luận (0)