Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Điểm tựa của bản làng

Tạp Chí Giáo Dục

Già làng Côn Yên (trái) thăm hỏi bà con dân bản
“Đối với bà con người Vân Kiều, Pa Cô ở xã A Túc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), già làng Côn Yên không chỉ là người chỉ đường cho họ đến với phương thức sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn là “bà đỡ” của nhiều người neo đơn không nơi nương tựa, là điểm tựa của lớp trẻ trong cách ứng xử thuận hòa giữa tình làng nghĩa xóm…”. Đó là nhận xét của ông Côn Giới, Phó chủ tịch UBND xã A Túc, khi nói về già làng Côn Yên ở bản Kỳ Nơi.
Đi trước, làm đầu
“Cả vùng đất rộng hơn 3ha này, cứ đến mùa mưa là cơn lũ dồn đất, đá cuốn theo dòng suối vùi lấp hết. Qua mỗi mùa lũ, muốn có ruộng canh tác, không còn cách nào khác người nông dân phải bỏ nhiều công sức xúc lớp cát lấp ruộng đi mới có thể trồng cây lúa được”, già Côn Yên chỉ tay về phía bãi ruộng chạy dài dọc theo con suối bắt nguồn từ dòng sông Sê Pôn, nói. Mới đó mà đã gần chục mùa lũ như thế ở bản Kỳ Nơi, người dân biết cầm cây xẻng xúc lớp cát bạc màu, ngăn đập trồng cây lúa nước theo chỉ dẫn của già Côn Yên. Cái đói xa dần. Chúng tôi hỏi già Côn Yên về cách thuyết phục bà con từ bỏ phương thức phát, cốt, đốt, trỉa để làm ăn theo cách mới, ông cười lớn: “Khó lắm. Muốn bà con từ bỏ cái thói quen hàng ngàn đời đã ăn sâu vào tiềm thức thì trước hết phải làm họ tin, phải làm cho bà con thấy thành quả. Nói thì dễ, làm khó lắm. Nhưng không còn cách nào khác, muốn có cuộc sống đủ đầy thì phải bắt tay vào đổi mới thôi”.
Già Côn Yên nghĩ thế và ông làm thế. Sau mùa lũ năm 2005, ông dù đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy vẫn ngày hai buổi cặm cụi ra bờ suối, chặt cọc cây khoanh vùng thửa ruộng đã bị cát lấp rồi hì hục xúc, đổ cát lên ven bờ. Người dân trong bản đi qua thấy, lắc đầu bảo ông khùng. “Thà lên rẫy trỉa cây lúa nương còn hơn còng lưng xúc cát”, họ bảo nhau. Già Côn Yên biết ngay lúc đó dù có nói thế nào cũng bằng thừa. Ông im lặng. Vụ mùa năm ấy, 5 sào lúa nước của ông không những thành hình ruộng nương mà còn cho thu hoạch khấm khá. Nhìn những bông lúa trĩu hạt, bà con đi ngang qua đều dừng lại hỏi thăm cách làm. Sau đó ông bắt đầu đi đến từng nhà động viên bà con tìm lại những thửa ruộng của mình đã bị lũ cát vùi lấp. Rồi trời không phụ công người, mùa tiếp đó, 3ha lúa ven suối của bà con dân bản Kỳ Nơi được mùa. Ai nấy vui như mở cờ trong bụng: “Già Côn Yên nói đúng, thiên tai, bão lũ có thể vùi lấp ruộng đất và cuốn trôi của người ta nhiều của cải nhưng không thể bắt con người đầu hàng trước cái nghèo đói. Phải học theo kinh nghiệm làm ăn của ông mới mong thoát được cái nghèo”.
Đi trước, làm đầu trong phát triển kinh tế thôi chưa đủ, để thoát nghèo bền vững phải bắt đầu từ giáo dục. Già Côn Yên nghĩ vậy. Nhưng đó lại là vấn đề nan giải nhất của đồng bào vùng cao, khi mà cuộc sống mỗi ngày của bà con vẫn phải vật lộn, quăng quật quanh năm vẫn thiếu đói thì “chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp”. Vừa vận động bà con cho trẻ tới trường, ông vừa khuyến khích các con chăm học. Mỗi ngày ông cần mẫn ra ruộng, hết trồng lúa lại sang chăm sóc tiêu, trồng sắn. Ông miệt mài để cho con được tới trường. Hai đứa con gái của ông lần lượt tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế. Có tấm bằng, được làm cán bộ, giáo viên… thoát cảnh chân lấm tay bùn, bà con thấy ưng cái bụng. Thêm vào đó, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, việc đến trường của con trẻ được hỗ trợ nên tỷ lệ vận động đưa trẻ tới trường những năm sau đó tăng cao. Bản làng không còn tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học giữa chừng.
Ăn cơm nhà, vác việc người
Chuyện đuổi nghèo cũng như chuyện học cái chữ, ông kiên trì, không chịu khuất phục khi mục đích chưa đạt được. Đức tính ấy được rèn giũa trong những năm tháng ông vào sinh ra tử trên chiến trường chống Mỹ…
Không chỉ giúp bà con cách làm ăn, già Côn Yên còn được mọi người nể trọng bởi cách ứng xử đúng mực. Ông như vị “quan tòa” công minh của bản làng. Bà con có vướng mắc gì trong tranh chấp đất đai, rừng rẫy, thậm chí vợ chồng bất hòa… cũng đều tìm đến ông. “Trong quá trình xây dựng nếp sống mới, ở vùng cao này có nhiều hủ tục lạc hậu rất khó bỏ, những vụ việc như thế xã đều mời già Côn Yên vào Ban hòa giải. Ông giải thích chí lý, chí tình, thuận lòng dân, vì thế nhiều hủ tục đã được xóa bỏ hẳn. Hàng trăm vụ tranh chấp, xích mích được hòa giải một cách êm đẹp. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao này bây giờ đã văn minh hơn nhiều”, ông Côn Giới, Phó chủ tịch UBND xã A Túc, cho biết.
Với già Côn Yên, một khi bà con trong bản còn nghèo thì ông không thể giàu. Ông vận động bà con góp quỹ, cho các hộ nghèo vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế, xây dựng các công trình cần thiết cho sinh hoạt. Ông quan tâm đặc biệt đến người già neo đơn, không nơi nương tựa. “Cả bản làng này, ai cũng cảm phục tấm lòng của già Côn Yên. Dù cuộc sống chưa thực sự giàu có nhưng ông đã giúp đỡ nhiều người neo đơn có được những năm tháng cuối đời đỡ tủi thân. Đơn cử như ông nuôi mẹ Căn Ương. Ông dựng hẳn một ngôi nhà trước sân để tiện chăm sóc bà 4 năm ròng rã, cho đến khi bà qua đời. Rồi nhiều người khác như Giã Biệt, Hồ Thị Ieng cũng được ông giúp đỡ”, ông Côn Giới nói.
Hỏi già Côn Yên về những công việc ông làm, ông nói sống trong cộng đồng thì cần có sự san sẻ, gắn kết. Một người làm không được thì nhiều người sẽ làm được. Một lần không được thì lần hai, lần ba… Chuyện đuổi nghèo cũng như chuyện học cái chữ vậy, ông kiên trì, không chịu khuất phục khi mục đích chưa đạt được. Đức tính ấy được rèn giũa trong những năm tháng vào sinh ra tử trên chiến trường chống Mỹ…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Một lòng với bà con bản làng
Sinh năm 1945, 18 tuổi, Côn Yên đã tham gia bộ đội, đi đánh giặc khắp các chiến trường Bình Trị Thiên, rồi vào tận núi rừng Đông Giang (Quảng Nam). Sau Mậu Thân 1968, ông được cho ra Bắc học trường đặc công ở Sơn Tây. Tiếp đó, năm 1971, ông được điều về học trường công an ở Vĩnh Phúc. Một năm sau ông quay về Quảng Trị nhận nhiệm vụ, làm công an ở huyện Hướng Hóa cho đến năm 1989 thì về hưu. Ông bảo, nghề hưu nhưng người không hưu, ông tham gia các hoạt động ở thôn, bản. Cho đến năm 2000, gia đình ông chuyển về quê ở bản Kỳ Nơi (xã A Túc) sinh sống.
“Nhiều năm xa quê, từ thời điểm đó mình mới có điều kiện giúp đỡ bà con bản làng – nơi chôn nhau cắt rốn. Mình giàu có, đủ đầy khi bà con dân bản có cái ăn, cái mặc, con cái được đến trường đầy đủ. Mình từng đi nhiều, biết nhiều nhưng chỉ mình biết thôi chưa đủ mà phải đem cái biết ấy để bà con đi sau cùng biết thì đó mới gọi là biết!”, già Côn Yên chia sẻ.
 
 

Bình luận (0)