Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Nghĩa tình đôi bờ Sê Pôn

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Hồ Văn Linh, Trưởng bản Ra Man giúp bà con bản Ổi (Lào) đưa khoai mì sang xã Xy bán
Chúng tôi ngược Khe Sanh, đến xã Xy (một trong 7 xã thuộc vùng Lìa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khi trăm hoa đang đua nhau khoe sắc. Đứng ở bến sông Sê Pôn – nơi chảy qua bản Ra Man (xã Xy), nhìn về bên kia bản Ổi (huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet, Lào), rất đông bà con gùi những a chói mì nặng trĩu, đưa lên thuyền chở sang Ra Man bán. Trên bến sông tấp nập người qua lại ấy, tuyệt nhiên không thấy sự “phân chia” ranh giới mà chỉ thấy những nụ cười và cái bắt tay thân thiện…
1. Chúng tôi đứng lặng trên bến sông Sê Pôn, đoạn chảy qua địa phận xã Xy (huyện Hướng Hóa), nhìn đôi bờ tìm chút dấu tích chiến tranh còn vương vãi đâu đó nhưng tuyệt nhiên không thấy. Trước mắt chỉ có những con thuyền độc mộc chở đầy mì liên tục cập bến. Bà con mang các sản phẩm làm được sang bản Ra Man để bán. Già Thạo Hơn, Trưởng bản Ổi, phấn khởi nói: “Nhờ có bà con ở Ra Man bày cho cách trồng trọt, chăn nuôi và tặng cây giống mà đời sống của mọi người ở bản Ổi mấy năm trở lại đây khấm khá hẳn lên”. Theo hướng tay chỉ của già Thạo Hơn, hàng chục người nông dân lưng gùi những a chói nặng trĩu mì đi về hướng trung tâm xã Xy. Ngược đường, chúng tôi gặp những người Vân Kiều, Pa Cô vẫy tay chào nhau và nở nụ cười thân tình. Trong kí ức mẫn tiệp của già Thạo Hơn, cách đây tầm 20 năm về trước, vùng đất ven dòng Sê Pôn này hoang vu lắm. Cây cối mọc rậm rạp, lau sậy chen kín lối đi. Người dân đôi bờ sống dựa vào cây lúa rẫy, con chim, con thú bẫy được trên rừng. Bốn mùa mưa rừng, nắng núi, người dân chân đất, đầu trần rẽ cây mà đi. Từ ngày các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đời sống bà con Vân Kiều, Pa Cô nơi đây đổi thay hẳn. Thôn bản dọc con sông Sê Pôn sầm uất hơn. Phía bên kia ở nước bạn Lào, nhiều thôn bản còn khó khăn về đường sá… đã sang vùng Lìa để trao đổi, giao thương… “Hồi xưa chỗ ni nghèo lắm, cật lực làm lụng chỉ kiếm ăn đủ 6 tháng/năm, thời gian còn lại gần như đói quay, đói quắt”, mế Kăn Hon (63 tuổi), một người dân Lào đang trên đường gùi khoai mì vượt sông đến bản Ra Man nói.
Anh Hồ Văn Linh, Trưởng bản Ra Man, tâm sự: “Cả bản có 108 hộ dân với hơn 638 nhân khẩu. Trước đây bản có đến 70% hộ nghèo, nhờ có cây mì, cây chuối, rồi được tiếp cận với phương thức sản xuất mới nên vài năm trở lại đây đời sống khấm khá hẳn. Con em trong độ tuổi đều được vận động tới trường. Bà con hai bản Ra Man và Ổi đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giữ đường biên cột mốc, đảm bảo an ninh trật tự”.
Những chuyến đò bà con bản Ổi (Lào) đưa mì vượt Sê Pôn sang bán ở bản Ra Man
2. Đến mảnh đất “hai như một” này, không còn xa lạ với cảnh trước mỗi mùa gieo hạt, trỉa cây, người ta lại thấy hình ảnh bà con bản Ra Man gùi, gánh cây giống sang bản bạn… Sự sẻ chia ấy đã tạo nên những chuyển biến lớn trong tư duy làm ăn, xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ dân. Bây giờ, bà con bản Ổi nhiều hộ gia đình thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng từ mì, chuối không còn là chuyện hiếm.
Bà con hai bản đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn. “Tháng trước, mình vừa đi rừng về thì nửa đêm lên cơn sốt mê man. Không có xe lên bệnh viện huyện, đường sá lại xa xôi, hiểm trở. May mà người thân kịp vượt sông sang xã Xy, nhờ các y bác sĩ trạm y tế ở đây cứu chữa kịp thời, nếu không giờ này mình về với rừng ma rồi”, anh Thạo Ngõ (41 tuổi) nói. “Cả bản miềng mỗi khi ốm đau đều đến nhờ y bác sĩ trạm xá Xy cứu giúp”, ông Thạo Hơn tiếp lời.
Còn nhớ trận hỏa hoạn năm 2009, gần 20 nóc nhà của bà con bản Ổi chốc lát biến thành tro. Nhiều người đêm phải vạ vật bên gốc cây, trẻ con nheo nhóc đói rét. Tưởng khó lòng vực lại. Hai ngày sau, bà con cảm động rơi nước mắt khi nhìn thấy bà con bản Ra Man mang theo cưa, đục, gạo, sắn… đến hỗ trợ dựng lại nhà cửa. “Ở rẻo cao này, kinh hoàng nhất là những trận lũ lụt. Lũ lớn bất ngờ. Thấy mưa, chưa kịp trở tay nước đã dâng tận nóc nhà. Bà con hai bên bản Ra Man và bản Ổi, khi thì bên này, khi bên khác lại nỗ lực giúp nhau vượt qua thiên tai. Nghĩa tình ấy trở nên gắn bó”, anh Hồ Văn Linh chia sẻ.
3. Đêm ở vùng rẻo cao xuống thật nhanh. Bữa cơm đãi khách ở nhà Trưởng bản Hồ Văn Linh có rất đông bà con hai bản đến chia vui. Già Thạo Hơn phấn khởi nói: “Khách của bản Ra Man cũng là khách bản Ổi. Chừ dân hai bản miềng không còn vào rừng đào củ mài, chặt cây đốt rừng làm rẫy, săn bắt chim thú trên rừng nữa mà đã biết cách trồng cây lúa nước, nuôi cá, làm chuồng nuôi con heo, con bò rồi”. Chuyền tay nhau ly rượu trắng làm từ khoai mì trên nương chống lại cái rét chốn núi rừng về đêm, chợt thấy ấm lòng trước sự chân thật của già Thạo Hơn, của bà con hai bản dành cho nhau. Có lẽ, nghĩa tình ấy đã giúp đồng bào ở rẻo cao này vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, đảm bảo an ninh biên giới, xây dựng một cuộc sống ấm no hơn!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Dù khác nhau về địa giới hành chính, quốc tịch nhưng bà con nhân dân hai bên biên giới Lào và Việt gắn bó nghĩa tình, tự nhiên như đôi bờ dòng sông Sê Pôn hàng ngàn đời nay vậy. Cùng nhau đánh đuổi giặc xâm lược, cùng nhau bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, phát triển kinh tế, giúp nhau trong khó khăn hoạn nạn…”, ông Là Hời, Phó bí thư khu vực Pa Lọ, huyện Mường Nòong, Lào nói. 
 

Bình luận (0)