Vợ chồng ông Nghi – bà Hoa cùng nhau vượt khó trong ngôi nhà ven mép sông Bến Hải
|
Chỉ cách một dòng sông nhưng mất 20 năm đằng đẵng ngóng trông, đợi chờ, người dân đôi bờ vỹ tuyến 17 mới có dịp gặp gỡ, thăm hỏi nhau; cha mẹ gặp con, vợ gặp chồng, những đôi uyên ương hẹn thề mới có thể đưa nhau về quê qua cầu Hiền Lương…
Bên dòng sông Bến Hải, ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị)có một đôi vợ chồng già suốt 40 mùa mưa nắng đi qua, vẫn lặng lẽ nắm chặt tay nhau vượt qua bao gian khó. Sau mỗi ngày cật lực làm lụng mưu sinh, ông lại đọc cho bà nghe những vần thơ về quê hương, đất nước và bao giờ cũng dừng lại ở những câu thơ ngọt ngào của Cảnh Trà: “Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh/ Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên/ Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”/ Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẹn lại”… Ông bà tên Hoàng Nghi – Hoàng Thị Hoa, là hai trong số những nhân chứng sống về tình yêu, sự gắn kết sắt son đôi bờ Nam – Bắc về chân lý “Đất nước Việt Nam là một”, sức mạnh của quân xâm lược không thể chia cắt được sức mạnh dân tộc.
Chuyến lạc đường định mệnh
Trong ngôi nhà nhỏ bên rặng bần ven mép sông Bến Hải, ông Nghi cất giọng trầm ấm kể lại: “Năm 1972, bà Hoa đưa người thân ra Bắc để dưỡng thương. Đáng lẽ bà ấy qua sông ở bến đò B Cửa Tùng nhưng do lạ nước lạ cái nên vô tình lạc vào làng Hiền Lương. Lúc đó tui là dân quân du kích, đang làm nhiệm vụ ở đây, gặp bà ấy đi lạc thì giúp đỡ. Ngày đó, nhiệm vụ giải phóng quê hương được đặt lên hàng đầu, đồng đội, đồng chí giúp nhau lúc khó khăn là chuyện thường tình, chả ai nghĩ đến chuyện yêu đương. Ở lại Vĩnh Thành được tầm nửa tháng thì bà ấy về Cửa Tùng”. Ông Nghi cũng không ngờ rằng, những ngày ngắn ngủi gặp cô du kích đi lạc ấy lại là cuộc gặp gỡ định mệnh.
Sau khi bà Hoa rời Vĩnh Thành về Cửa Tùng, ông Nghi bắt đầu có cảm giác nhung nhớ xa xôi. Nhiều đêm vắt tay lên trán nghĩ suy, tìm một cái cớ cụ thể cho nỗi nhớ ấy nhưng ông đành lắc đầu. Sau đó ông Nghi tìm về thăm bà Hoa thêm lần nữa ở Cửa Tùng. Rồi ít lâu sau bà lại phải vượt dòng Bến Hải, trở về quê ở Triệu Phong để tiếp tục công tác. Ngồi cạnh chồng, bà Hoa tươi cười nói: “Thời buổi bom đạn, sống chết trong gang tấc nên hôm tui trở lại quê nhà tiếp tục công tác, tui không nói lời thề hẹn chi với ông ấy cả nhưng trong thâm tâm, cứ nghĩ rằng đây chính là tri kỉ của đời mình rồi”.
Ngày hai lượt, ông Nghi chèo thuyền đưa bà Hoa sang sông thăm con cháu hay đi chợ rồi đợi đón bà về
|
Vì hoàn cảnh chiến tranh, họ lặng lẽ xa nhau. Nỗi nhớ ngày một đầy hơn. Ông Nghi đôi lần vượt dòng Bến Hải đi tìm bà Hoa theo địa chỉ được bà nói cho ông biết trước ngày trở vào Nam. “Ngày đó, nghe nói thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung là quê bà ấy, chứ tui không hình dung được nó ra làm sao. Cứ vừa đi, vừa hỏi dò. Lần đầu tìm đến không gặp được, lại phải trở ra. Sau đó nhờ mấy chú bộ đội hỏi dò tin tức, mới biết bà ấy ở trong đó cũng ra chiến trường, gùi tăng, cõng gạo vất vả lắm. Rồi tui quyết tâm trở lại lần thứ 2, đúng lúc gặp bà ấy đi làm nhiệm vụ trên đường trở về. Rứa là suốt 6 tháng trời mất liên lạc, tui mới tìm được bà ấy”. Hôm đó ông đã kịp trao cho bà tấm áo làm niềm tin. Rồi thư đi, thư về, cái nhận được, cái mất do hoàn cảnh chiến tranh. “Hồi nớ, yêu nhau chủ yếu là có niềm tin dành cho nhau. Một lá thư, một món quà kỷ niệm đã trao coi như vật làm tin, cứ thế mà giữ và hi vọng đến ngày độc lập”, ông Nghi nói.
Đám cưới bên bờ vỹ tuyến
Sau nhiều lần thư đi, tin lại, năm 1974, đám cưới của đôi uyên ương chồng Bắc – vợ Nam được tổ chức thật long trọng và ấm cúng trong tiếng vỗ tay, chúc phúc ngày đưa dâu đi qua cầu Hiền Lương.
“Cái thời khắc nắm tay bà ấy qua cầu Hiền Lương, đi dưới chân cột cờ tung bay, tui có cảm xúc lạ lắm. Cô dâu, chú rể thời ấy chỉ mặc chiếc áo nâu bạc màu mưa nắng nhưng trong lòng xốn xang hạnh phúc. Tui thầm nghĩ, dù gian khó cũng sẽ nắm chặt tay bà ấy đi đến trọn đời”, ông Nghi nói.
|
Nhớ lại ngày đó, bà Hoa không nén được giọt nước mắt xúc động: “Năm 1974, khi cây cầu Hiền Lương bị đánh sập nhiều năm trước được sửa chữa, không lâu sau đó hai vợ chồng quyết định đám cưới. Lễ cưới được tổ chức ở quê tui – huyện Triệu Phong, sau đó tui theo ông ấy về làng Hiền Lương. Ngày bước chân đi qua cầu, bà con gặp đều bắt tay chúc mừng, hai vợ chồng vui đến trào nước mắt. Vậy là sau bao nhiêu xa cách, cuối cùng người dân đôi bờ vỹ tuyến đã có thể qua lại”. Một đám cưới đơn sơ, bình dị giữa thời buổi ngặt nghèo cũng như bao nhiêu đám cưới khác với bánh kẹo, nước chè xanh được tổ chức tại nhà trai ở làng Hiền Lương. Nhưng với nhiều người dân, đám cưới ấy không chỉ là hạnh phúc của đôi uyên ương mà còn là khát vọng của hàng vạn người dân khi cây cầu nối đôi bờ Bến Hải thành hiện thực. Không còn cảnh chồng Bắc – vợ Nam chỉ cách một con sông, một nhịp cầu mà suốt 20 năm đằng đẵng không thể gặp mặt. Nói như ông Đinh Như Quang, nguyên Phó bí thư Xã đoàn Vĩnh Thành: “Đi qua những năm tháng chiến tranh, ít ai ngờ làng Hiền Lương dưới cột cờ giới tuyến bị bom đạn băm vằm tơi tả lại tiềm tàng một niềm tin mãnh liệt đến vậy”…
Chia tay vợ chồng ông Nghi – bà Hoa trên con đường trải bê tông, chúng tôi đi qua cầu Hiền Lương, dòng nước Bến Hải vẫn mải miết về xuôi. Từng tấc đất nơi vùng giới tuyến một thời là nỗi đau chia cắt, kẻ Bắc – người Nam đau đáu khát vọng thống nhất giờ đây đã hồi sinh, liền da thịt. Chúng tôi chợt nhớ lời bà Hoa: “Con dâu tui cũng là người ở bên kia cầu Hiền Lương đó!”. Trong lời bà chất chứa cả niềm tin và sự khẳng định gắn kết của con sông không đủ đôi bờ này như lẽ tất yếu!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Hạnh phúc bền chặt
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông bà đón đứa con trai đầu lòng chào đời. Ông đặt tên con là Hữu – tên quê bà (Tam Hữu). Ông bà có với nhau 4 mặt con. Ông chọn mảnh đất sát mép sông Bến Hải để dựng nhà. Ông bảo bà: “Chính nơi này mình từng gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. Bởi vậy tôi muốn cùng bà sống trọn đời nơi buổi đầu gặp gỡ. Cũng là để nhắc nhở cháu con về cuộc sống gia đình, dẫu có bộn bề sóng gió, khó khăn thì tình cảm dành cho nhau vẫn không thể dứt rời”. Bây giờ khi con cái đã lớn khôn, mỗi sáng ông chèo thuyền ngang dòng Bến Hải đưa bà sang sông thăm con cháu hay đi chợ. Chiều tà, ông lại ngồi đợi ở bến sông để đưa bà về. Nhịp sống đơn sơ mà ấm nồng hạnh phúc.
|
Bình luận (0)