Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ngành GD-ĐT 5 TP lớn: Kiến nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc

Tạp Chí Giáo Dục

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội nghị

Ngày 14-3, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị giao ban lần thứ 2 cụm thi đua vùng 7 (gồm 5 TP: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) năm học 2011-2012. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Chất lượng giáo dục của 5 TP có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục của cả nước”…
Chất lượng giáo dục từng bước hội nhập quốc tế
Với sứ mệnh là đầu tàu của cả nước về phát triển GD-ĐT, trong học kỳ I vừa qua, cả 5 TP đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.
“Chương trình kiên cố hóa trường, lớp được các địa phương quan tâm chỉ đạo. Các điều kiện về thiết bị, thư viện và đồ dùng dạy học từng bước được trang bị. Năm 2011, kinh phí đầu tư cho các dự án xây dựng, sửa chữa, cải tạo và các chương trình mục tiêu của TP.HCM là 552,614 tỷ đồng với 306 dự án; Đà Nẵng: 116 tỷ đồng, Cần Thơ: gần 167 tỷ đồng; Hà Nội: 540,5 tỷ đồng để xây mới 39 trường và 240 phòng học. Ngoài ra, Hà Nội đã đầu tư 140 tỷ đồng mua sách và trang thiết bị dạy học”, ông Nguyễn Hữu Độ – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Cụm trưởng Cụm thi đua vùng 7 báo cáo.
Theo đó, số trường lớp của 5 TP lớn tăng đáng kể. Đến nay, 5 TP có tổng cộng 5.613 trường (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, TCCN, GDTX), trong đó Hà Nội: 2.434 trường, TP.HCM: 1.652 trường… Đặc biệt, số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia của các TP khá lớn: 1.160 trường.
Để chất lượng GD-ĐT được nâng lên sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới, ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất – trang thiết bị dạy học, 5 TP không ngừng quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Riêng TP.HCM, ngoài việc mỗi năm xây mới trên 1 ngàn phòng học, tuyển trên 3 ngàn giáo viên, bồi dưỡng nâng chuẩn cho hàng ngàn giáo viên, UBND TP còn cho phép ngành GD-ĐT triển khai nhân rộng mô hình trường chất lượng cao. Đặc biệt, “Sở GD-ĐT TP đã trình và được UBND TP phê duyệt Đề án học phí theo Nghị định 49. Trong kỳ họp Hội đồng Nhân dân sắp tới, UBND TP sẽ trình đề án này. Nếu được thông qua, Sở GD-ĐT TP sẽ áp dụng từ năm học 2012-2013”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết.
Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Bên cạnh những thuận lợi để phát triển giáo dục, 5 TP lớn cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, các sở đều có những kiến nghị với Bộ GD-ĐT.
Chẳng hạn như liên quan đến giáo dục mầm non, cả Sở GD-ĐT TP.HCM và Hà Nội đều có kiến nghị với Bộ GD-ĐT bổ sung định biên  cho trường mầm non. Bởi đặc thù của ngành GDMN là thực hiện song song hai nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Về vấn đề này, ông Bùi Mạnh Nhị – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết: “Cục Nhà giáo đang sửa lại Thông tư 71, theo đó số cô/cháu sẽ là 2,5 giáo viên/30 cháu”.
Còn Sở GD-ĐT Hải Phòng thì đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy định về dạy thêm và học thêm. Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm – học thêm. Tuy vậy, giáo viên không được tổ chức dạy tại nhà mà phải dạy ở trung tâm hoặc ở trường.
“Vấn đề dạy thêm – học thêm, Bộ GD-ĐT rất trăn trở. Cô giáo mà dạy thêm cho cả lớp là không phù hợp vì có em khá, có em giỏi nhưng cũng có em trung bình. Vả lại, giáo viên dạy thêm thì sẽ đụng đến chuyện tiền nong mà đụng đến tiền thì mất tư thế quá dù đó là đồng tiền chính đáng. Vì vậy, nhà trường sẽ phân loại học sinh, lớp dành cho học sinh khá muốn lên giỏi, học sinh trung bình muốn lên khá… để tổ chức dạy thêm. Và việc học thêm là trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh, không ép buộc”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu.
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng kiến nghị về chuẩn bàn ghế học sinh theo Thông tư 26/2011/TTLT là không phù hợp. “Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã đóng bàn ghế học sinh theo chuẩn này, sau một tuần đưa vào sử dụng đã có nhiều bất cập về kích cỡ. Học sinh kêu là bàn ghế quá thấp. Nếu ngồi lâu như thế này thì chắc chắn học sinh sẽ bị vẹo cột sống, khòm lưng”, ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng phản ánh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo, không được máy móc. Tùy vào đối tượng học sinh ở từng khu vực mà kích cỡ bàn ghế khác nhau. Vì với chuẩn hiện nay, học sinh ở vùng sâu vùng xa thì chân không tới đất, ngược lại với học sinh ở các TP thì quá thấp.
Bài, ảnh: Hòa Triều 
 

Bình luận (0)