Vừa qua, tại Trường Tiểu học Thực nghiệm, không ít người Hà Nội đã thể hiện sự “thanh lịch” bằng cách đạp đổ cổng trường, quăng giày, vứt dép để xin học cho con. Còn tại TP.HCM, nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra cả năm tiền lương để “mua” cho con một chỗ học ở “trường điểm”…
Những việc làm trên có đáng không? Với người trong cuộc thì đáng lắm. Bởi có ông bố, bà mẹ nào lại không mơ ước con mình trở thành Ngô Bảo Châu thứ 2 của Việt Nam đâu chứ. Nhưng liệu, có phải cứ học “trường điểm” là trở thành thiên tài?
Chỉ thua nhau cái… sân trường
Với nhiều phụ huynh ở TP.HCM, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 là “trường điểm”. Bởi vậy, “Năm nào nhà trường cũng có khoảng 500 hồ sơ xin tuyển trái tuyến, trong khi nhu cầu của trường chỉ có 30-40 học sinh”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Trên thực tế Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có thật sự là “trường điểm” không? Về đội ngũ giáo viên, cũng như các trường trong quận, đều do Phòng GD-ĐT quận phân công về. Về cơ sở vật chất, sự đầu tư của ngân sách không có gì đặc biệt, thậm chí còn ít hơn so với những trường nhỏ. Còn chất lượng dạy học, “Trong kỳ thi cuối học kỳ II lớp 5 vừa qua, toàn trường có 98/327 học sinh đạt từ 19-20 điểm (môn tiếng Việt và môn toán), chiếm 33,4%”, cô Điệp cho biết thêm.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải, Q.1 tỷ lệ này là 60,7%. Trong đó, số học sinh đạt 20 điểm là 12/56 em (chiếm 21,4%), đạt 19 điểm là 22/56 em (chiếm 39,3%). Thầy Lê Công Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Kỳ thi này do Phòng GD-ĐT Q.1 ra đề. Giáo viên ở các trường khác tới trường coi thi. Còn chấm điểm là chấm chung toàn quận. Vì vậy rất công bằng và đúng chất lượng”.
Tại Q.1, Trường Tiểu học Trần Quang Khải là “trường làng”, bị phụ huynh chê. Do vậy, không năm nào nhà trường tuyển đủ chỉ tiêu. Sở dĩ có tình trạng này là do trường có diện tích nhỏ, sân chơi chật – mỗi khi tổ chức chào cờ là học sinh phải chen nhau mà đứng. Tuy nhiên, bên trong mỗi phòng học thì rất đúng chuẩn – từ bàn ghế, diện tích cho đến sĩ số học sinh. Các thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học đều được UBND Q.1 ưu tiên đầu tư.
Cùng chung số phận bị phụ huynh chê là Trường Tiểu học Điện Biên, P.11, Q.10. Thầy Trần Minh Thư – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Theo điều tra dân số trong độ tuổi thì trung bình mỗi năm trường phải tiếp nhận từ 200-250 trẻ trên địa bàn P.11. Song, năm nào chúng tôi cũng chỉ tuyển được khoảng 10% chỉ tiêu”. Và lý do trường bị phụ huynh chê là do diện tích nhỏ. Còn chất lượng thì, “Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh giỏi đạt khoảng 50%. Trong đó, lớp 2 là 72%, lớp 3 là 76%…”, thầy Thư cho biết thêm.
Nói về sự khác biệt giữa “trường điểm” và “trường làng”, cô Điệp cho rằng: “Các trường chỉ khác nhau về sân bãi thôi”…
Quan trọng là sự chăm sóc của giáo viên
Nói về sự quan tâm của giáo viên tới học sinh thì chắc chắn ở những trường có sĩ số học sinh/lớp thấp vẫn tốt hơn. Cũng đúng thôi. Một lớp chỉ có 25-30 học sinh nên giáo viên có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc đến từng em. Gia cảnh các em thế nào, giáo viên đều nắm được. Còn ở các “trường điểm”, sĩ số học sinh/lớp lên tới 45-50 em nên giáo viên rất cực. “Học sinh cũng chẳng sung sướng gì, vì lớp học chật chội. Mỗi khi tổ chức hoạt động nhóm rất khó khăn”, cô Điệp thừa nhận.
Không phải là phụ huynh không biết “trường điểm” luôn bị áp lực về sĩ số nhưng bằng mọi giá họ vẫn muốn con học ở đây. Bởi họ nghĩ, nếu học “trường làng”, con mình sẽ kém cỏi. Nhưng thực tế không phải vậy.
Vừa qua, Nhà xuất bản Lambert, Đức đã mua bản quyền luận văn tốt nghiệp loại xuất sắc của Trần Nguyễn Trường Sinh (SN 1990) – sinh viên Trường ĐH Lahti, Phần Lan để in thành sách và phát hành ở các nước châu Âu, châu Mỹ. Có ai biết rằng, 15 năm về trước, Trường Sinh đã học lớp 1 tại “trường làng” – Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn, Q.10, TP.HCM. Sau đó học cấp 2 tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Q.10. Năm học 2005-2006, Trường Sinh thi đậu vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm 2008, Trường Sinh lấy được học bổng của Phần Lan và đi du học. Trường Sinh đã được chọn là đại diện thanh niên Phần Lan đi dự Đại hội Thanh niên – sinh viên quốc tế vào tháng 5-2011.
Một trường hợp khác cũng là học sinh “trường làng” đang du học tại Singapore. Hơn 10 năm trước, Nguyễn Thị H.A. học lớp 1 tại Trường Tiểu học Kết Đoàn, Q.1. Lớp 6, em thi đậu vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Năm 2010, em thi và được học bổng toàn phần của Singapore. Cũng trong năm đó, H.A. trúng tuyển vào 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm 2011, H.A. đã sang Singapore du học…
Trong khi đó, năm học 2001-2002, Nguyễn Đ. được phụ huynh “chạy” vào “trường điểm” – Trường Tiểu học Hòa Bình, Q.1 – nhưng khi thi vào lớp 10 (năm 2010) lại rớt cả 3 nguyện vọng. Mặc dù 3 trường THPT công lập mà Đ. đăng ký đều là những trường tốp giữa và tốp dưới.
ThS. Trần Minh Thư – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên, Q.10 cho rằng: “”Chạy trường” là tâm lý háo danh của phụ huynh để khoe với mọi người là con tôi học trường nọ, trường kia. Theo tôi là không cần thiết. Với học sinh tiểu học, quan trọng là sự chăm sóc, trách nhiệm của giáo viên đối với các em. Điều đó giúp các em hình thành nhân cách trong giai đoạn đầu đời. Nó phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay là học để biết cách sống, học để làm người…”.
Từ thực tế này cho thấy, phụ huynh không nên lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc để “chạy trường”. Hãy để trẻ được học đúng tuyến, vừa gần nhà lại được giáo viên quan tâm…
Hòa Triều
Bình luận (0)