Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Thi trên “sân nhà” dễ thắng!

Tạp Chí Giáo Dục

TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn ngày 19-4
Ngày mai (21-4), hạn cuối để thí sinh (TS) cả nước nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH-CĐ. Biết lượng sức, TS với học lực bình thường vẫn có cơ hội đậu vào các trường ĐH vùng, ĐH địa phương, nhất là ở những ngành rất “khát” người học.
Chọn trường gần, nhiều lợi thế
Thay vì chỉ “chăm chăm” vào những trường ĐH xa – lớn; năm nay, nhiều TS đã biết lượng sức đăng ký chọn học trường “gần nhà”. Đây cũng là xu hướng chọn ngành của nhiều TS trong những mùa tuyển sinh gần đây. Chỉ tính trong mùa tuyển sinh gần đây nhất (năm 2010), Sở GD-ĐT Đồng Tháp thống kê, lượng hồ sơ tập trung vào Trường ĐH Đồng Tháp đông nhất với hơn 6.700 bộ, ngang với mức năm 2009. Bên cạnh đó, còn gần 2.300 thí sinh chọn thi CĐ Cộng đồng Đồng Tháp. Tương tự, Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng cũng ước lượng khoảng gần 7.000 thí sinh tỉnh Sóc Trăng chọn thi vào trường “gần nhà”. Tại Lâm Đồng, Trường ĐH Đà Lạt chiếm nhiều hồ sơ nhất với 4.800 bộ. Gần 50% học sinh tại tỉnh An Giang chọn ĐH An Giang với gần 11.000 hồ sơ… Mùa tuyển sinh năm nay, cơ hội rộng thêm cho TS muốn “đầu quân” vào tỉnh nhà khi mà chỉ tiêu của nhiều ĐH vùng, ĐH địa phương tăng gần 10%. Trong khi đó, chỉ tiêu của các ĐH-CĐ tại các thành phố lớn không dao động nhiều. ThS. Trương Trọng Ánh (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang) cho biết, lượng TS tập trung nộp hồ sơ vào trường đông nhất vào những ngày cuối. Trong khoảng trên 200 hồ sơ nhận được trong những ngày đầu, khối ngành kinh tế vẫn là lựa chọn của phần đông TS. Khoảng 50% TS Khánh Hòa chọn thi vào trường ĐH tỉnh nhà. Số lượng TS tỉnh Khánh Hòa nhập học tại trường hằng năm cũng chiếm đến 2/3. Tuy nhiên, cũng theo ThS. Ánh, chất lượng đầu vào cũng chưa được như mong đợi bởi phần đông TS tỉnh nhà thi vào trường thường có học lực bình thường. Những em khá – giỏi thường có xu hướng chọn trường tại các thành phố lớn.
ThS. Nguyễn Vĩnh An (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh, TS khi chọn học trường địa phương sẽ chịu mức chi phí thấp hơn; cùng khối ngành đào tạo nhưng điểm đầu vào tại các trường tỉnh cũng thấp hơn một số trường lớn và như vậy cơ hội đậu cũng dễ dàng hơn cho các em. Tại Trường ĐH Cần Thơ, ngành hóa dược có mức điểm đầu vào cao nhất (20 điểm) nhưng cũng có những ngành chỉ lấy ngang mức điểm sàn. ThS. An ước tính, lượng hồ sơ TS nộp trực tiếp tại trường khoảng 2.000 và con số này sẽ tăng nhanh vào những ngày cuối.
Chủ động “hút” thí sinh
Thực tế, những mùa tuyển sinh trở lại đây, không ít ngành ở các trường địa phương rơi vào tình trạng khan hiếm thí sinh; năm nào cũng “thấp thỏm” chờ từng em đến đăng ký, nhập học… Năm nay, các trường có những chủ động đáng kể nhằm khắc phục tình trạng trên, thu hút sự quan tâm của TS. ThS. Nguyễn Vĩnh An cho rằng, với sự linh động trong đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay, ngay khi học ở trường địa phương, các trường vẫn tạo điều kiện để những SV có khả năng được đăng ký học song song hai ngành cùng lúc. Năm nay, ĐH Đà Nẵng cũng ra hẳn quy định cụ thể việc đào tạo chương trình thứ hai giữa các trường thành viên, hướng đến việc tạo thuận lợi cho SV học hai ngành cùng lúc tại hai trường thành viên khi SV có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện bắt buộc.
Ngoài đảm bảo chế độ học bổng chung cho người học theo quy định, các trường năm nay khuyến khích người học bằng việc tăng cường học bổng từ nguồn tài trợ của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp… Tại hầu hết các trường, những TS thi đạt điểm cao, thủ khoa, á khoa… luôn được trường tuyên dương, trao học bổng nhằm động viên quá trình nỗ lực của các em. Tại Trường ĐH Tây Nguyên, những ngành đào tạo nhân lực cho địa phương, người học sẽ được hưởng mức học phí “ưu ái” hơn. Việc xét tặng học bổng cũng dành ưu tiên nhiều hơn cho những nhóm ngành này…
Bài, ảnh: M.T

Có trường chỉ nhận được vài chục hồ sơ
Đại diện Trường ĐH Tiền Giang cho biết, sau nhiều ngày, trường vẫn chỉ nhận được khoảng vài chục hồ sơ đăng ký dự thi. Trường ĐH Sài Gòn thu được hơn 1.000 hồ sơ. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng khoảng 1.000 bộ. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận được trên 300 hồ sơ, gần đạt mức năm ngoái. Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM nhận được 250 hồ sơ, số lượng TS chọn các ngành sư phạm tại trường không dao động bao nhiêu so với năm ngoái…

 

Bình luận (0)