Ngày 19-4 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về xây dựng Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Các đại biểu cho rằng Luật GDĐH cần nói “trúng”, nói đúng và nói thẳng hơn nữa.
Cần cơ chế khoán 10
Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng Bộ GD-ĐT hiện nay đang “ôm” rất nhiều thứ. Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch HĐQT ĐH Thành Tây không ngần ngại khi yêu cầu cần phải đề ra một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục ĐH. Để làm được điều này, phải xóa bỏ ngay 3 rào cản quyền tự chủ của ĐH. Đó là bỏ thi ĐH. Hai là bỏ chỉ tiêu tuyển sinh. Ba là bỏ quy định về xin mở mã ngành, chuyên ngành. Đồng quan điểm này, GS. Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng cho rằng bộ chỉ nên quy định khung chương trình, không quy định chương trình khung. Theo GS. Trần Phương, nên thống nhất lấy THPT làm chuẩn, bỏ kỳ thi 3 chung như hiện nay. “3 chung cũng có cái tốt, đó là vớt được “lớp váng” những thí sinh trên điểm sàn. Nhưng những thí sinh ở vùng núi, vùng sâu vùng xa thì làm sao “bò” được tới sàn. Mà họ không được vào học ĐH thì sau này, ai sẽ về làm việc tại miền núi thay họ?” – GS. Phương đặt câu hỏi. Hơn nữa, một kỳ thi tuyển sinh ĐH như hiện nay quá tốn kém và thực sự không cần thiết. GS. Phương cũng đề nghị bỏ chỉ tiêu tuyển sinh. Theo quan điểm Bộ GD-ĐT đưa ra thì đây là “phanh hãm” để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhưng GS.Trần Phương cho rằng nếu cứ để sinh viên phải ở trọ một cách tạm bợ như hiện nay, không có thư viện để đọc sách như hiện nay thì có “hãm” đến 10 năm nữa chất lượng GDĐH vẫn vậy. “Tâm lý của những người làm dự thảo luật lần này vẫn là “quản lý cho chặt”. GDĐH của Việt Nam vẫn còn quá cũ kỹ. Lập trường ĐH phải cần đến Thủ tướng Chính phủ cho phép!”, GS. Phương khẳng định.
Con trâu đặt trước cái cày!?
Không những thế, GS. Trần Phương còn chỉ ra những vô lý đang tồn tại trong GDĐH hiện nay, nhất là việc xin mở trường. Ông cho rằng việc đặt ra các tiêu chuẩn như phải có bao nhiêu tỷ đồng, bao nhiêu giảng viên, bao nhiêu GS, PGS… thì mới được mở trường thực chất là “con trâu đặt trước cái cày”. Vì tất cả những tiêu chuẩn ấy, người đi mở trường dễ dàng có thể “lòe” được cơ quan quản lý trên giấy tờ. Bộ cũng nên quy định lại khái niệm chính quy và không chính quy. Hơn nữa, trong dự thảo luật đưa ra lần này, những quy định đối với trường ĐH do nước ngoài đầu tư còn rất mơ hồ.
Văn bản, thủ tục hành chính rườm rà hiện cũng đang là rào cản đối với sự phát triển của các trường ĐH, nhất là các trường ngoài công lập. Các loại giấy “phép con” đang làm nên “văn hóa phong bì” trong ngành giáo dục hiện nay. Để xin giấy phép xây dựng, một trường ĐH đóng trên địa bàn Hà Nội đã phải xin 8 “chữ” ký của 8 sở. Đây là một thực tế. Từ hoạt động của trường mình, GS. Hoàng Xuân Sính (Trường ĐH Thăng Long) đã chỉ ra những thứ đã đưa ngành giáo dục Việt Nam đứng riêng một sân trong trường quốc tế. “Khi muốn hợp tác đào tạo liên kết với một trường ĐH nước ngoài, Bộ GD-ĐT Việt Nam đưa ra một đống giấy tờ, trong đó, yêu cầu ông hiệu trưởng trường đối tác phải “khai báo” vốn của trường, nhân viên, giáo sư, các ngành giảng dạy, chương trình thế nào. Còn về phía ĐH ở nước ngoài thì họ chẳng bao giờ khai báo”, GS. Sính cho biết.
Luật chưa đảm bảo điều kiện “thành người” cho sinh viên
Đây là khẳng định của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn tại hội nghị. Theo ông, cần chấm dứt việc sinh viên tự thuê nhà trọ, vừa tốn kém, vừa đầy rẫy tiêu cực như hiện nay. KTX phải được coi là một hợp phần hữu cơ trong tổng thể học đường ĐH văn minh, là một điều kiện để bắt buộc góp phần rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nếp sống tập thể và kỷ luật, kỹ năng giao tiếp. Điều này không được đề cập đến trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Không những thế, các ĐH phải có đủ chỗ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển toàn diện. Do đó, phải có quy định bắt buộc về điều kiện này. Thư viện cũng là vấn đề cần được đề cập tới. Phải có thư viện đủ đầu sách và có diện tích đảm bảo 50% sinh viên của trường có điều kiện được đọc sách trong thư viện.
Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, không chỉ cần điều kiện về người thầy mà còn nhiều yếu tố khác. Điều kiện đảm bảo cho sinh viên học tập, sinh hoạt cũng cần được đề cập để đưa vào luật. Vì nếu không đưa vào luật, các trường sẽ sẵn sàng “bỏ qua”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)