Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Hai không” biến đi đâu?

Tạp Chí Giáo Dục

“Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn ngữ văn” được ký kết “theo tinh thần cuộc họp giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày 5-6-2011 tại Cần Thơ” mà các báo phản ánh là xì-căng-đan gây chấn động ngành giáo dục, trong không khí các tỉnh thành đang rất phấn khởi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với tỉ lệ đỗ cao ngất ngưởng nhất từ trước tới nay!
Theo số liệu công bố của các sở GD-ĐT các tỉnh thành trên cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay ở cả hai hệ THPT và giáo dục thường xuyên tăng phổ biến từ 5% – 30%, thậm chí có địa phương tăng đến 40%. Nhiều tỉnh, thành có tỉ lệ đỗ rất cao (hệ THPT)  như Bắc Giang 99,37%, Hòa Bình 97%, Thanh Hóa 99,23%, Quảng Nam 97,84%, Hà Tĩnh 99,14%…
Các tỉnh ở ĐBSCL cũng có tỉ lệ đỗ rất cao như Sóc Trăng 90,74% – tăng 19% so với năm 2010- cao nhất trong nhiều năm qua, Hậu Giang 97,94%- tăng gần 10%, Trà Vinh 91,87%- tăng hơn 13% –  cao nhất trong nhiều năm qua, Bạc Liêu 95%, An Giang 98,3%… Không biết kết quả thí sinh đỗ cao ngất ngưởng ở các tỉnh ĐBSCL có bao nhiêu phần trăm từ tác động của “Biên bản thống nhất…” mà 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL đã ký kết nhằm thỏa thuận để “nâng cao chất lượng” bằng cách cho điểm “vô tư” bài làm của thí sinh – thoát ly hẳn hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT? Bộ GD-ĐT có biết “Biên bản…” này không, có được xin ý kiến không hay các tỉnh ĐBSCL “sáng tạo tự phát”? 
Trên bình diện cả nước, tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cao ngất ngưởng, nên buồn hay nên vui? Có thực con cái chúng ta giỏi thật hay bệnh thành tích vốn đã là căn bệnh mãn tính, nay quay trở lại? Cứ đà này, một vài năm nữa tỉ lệ tốt nghiệp THPT sẽ đạt 100%, như vậy có nên tổ chức thi hay không, có nên lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ để xét tuyển vào ĐH-CĐ? Và nhiều câu hỏi khác cần phải được đặt ra.
Còn nhớ, năm 2006 là năm nhiều tỉnh, thành đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT 100%, làm dư luận xã hội âu lo với con số “tuyệt đẹp” này. Xã hội rất bức xúc trước những  hiện tượng tiêu cực trong thi cử như việc bắc thang ném bài thi, khi thi xong phòng thi trắng “phao”, tài liệu… Để trị “căn bệnh” này, Chính phủ đã có Chỉ thị 33 đưa giáo dục vào nề nếp. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa Chỉ thị 33 bằng việc phát động phong trào “hai không”, “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Phong trào này đã có tác động tức thì với căn bệnh mãn tính. Nếu năm 2006 nhiều địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT 100% thì năm 2007 (lần 1) chỉ đạt 66,7%, trong đó có nhiều địa phương chỉ đạt dưới 50%. Lúc đó, nhiều người tin rằng ngành giáo dục đã “bốc” đúng thuốc. Nhưng theo thời gian rất ngắn sau đó, tỉ lệ tốt nghiệp THPT lại tăng lên, như năm 2009 cả nước đạt 83%, năm 2009 đạt 83,8%, năm 2010 trên 90% và năm 2011 chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT tăng dần theo mỗi năm sau phong trào “hai không” nói lên điều gì? Có phải ngành giáo dục… quên phong trào “hai không”, hay phong trào này đã “phát huy tác dụng” làm cho học sinh ngày càng học giỏi hơn? Câu hỏi đó không khó trả lời khi mà chúng ta chứng kiến, thấy tận mắt “Biên bản…” đã ký kết của 11 tỉnh ĐBSCL? Có ai dám chắc rằng những biên bản như vậy hoặc dưới các hình thức khác không diễn ra ở khu vực khác, địa phương khác?
Tất cả cho thấy căn bệnh thành tích đang quay trở lại và nếu chúng ta tự mãn với thành tích “tuyệt đẹp” này, ngành giáo dục sẽ đi về đâu?
 Theo Lưu Nhi Dũ

(NLD)

 

Bình luận (0)