Trước tình hình khó khăn hiện nay, để duy trì hoạt động, hầu hết các sân khấu (SK) kịch phải chọn giải pháp sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, vì “cây nhà lá vườn” dù sao cũng ít… tốn kém.
Từ việc “sở hữu” đội ngũ diễn viên (DV) riêng, vài năm trở lại đây, các SK đang bắt đầu chủ động luôn cả đội ngũ tác giả (TG), đạo diễn (ĐD). Tuy nhiên, đáng lo ở chỗ, không phải họ là những TG, ĐD được mời về cộng tác rồi gắn luôn với SK, mà đa phần trưởng thành từ DV hoặc kỹ thuật viên của SK. Có người được khuyến khích tiếp tục học ĐD, nhưng cũng có những ĐD, TG “tay ngang” , chỉ có kinh nghiệm từ những năm tháng làm DV. Cụ thể, SK Idecaf có Hương Giang, Tuấn Khôi, Đình Toàn; SK Hồng Vân cũng “trình làng” những ĐD vốn là DV như Xuân Trang, Diệp Tiên, Hòa Hiệp, Trịnh Kim Chi. TG Trần Khiết, ĐD Lương Duyên là những DV thế hệ đầu của SK Hoàng Thái Thanh. Tháng 7/2013, SK Thế Giới Trẻ giới thiệu đến công chúng vở diễn đầu tay của TG-ĐD Nguyễn Tấn Giàu – người từng gắn bó với Thế Giới Trẻ trong vai trò nhân viên kỹ thuật SK.
Ủng hộ lực lượng tại chỗ phát triển nghề nghiệp, có cơ hội khẳng định, đồng thời giúp anh em có thêm thu nhập – là quan điểm chung của hầu hết các nhà quản lý SK. Còn một điều khác, dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, với tình trạng DV luôn biến động và có quá nhiều sự lựa chọn để “nhảy việc” thì đây là cách “giữ chân” DV của các SK.
Xóm vịt trời – vở diễn mới nhất của “bộ đôi” TG Hương Giang – ĐD Tuấn Khôi
Không chỉ giúp các SK ít bị động về giờ giấc, con người, các TG, ĐD là người tại chỗ, gắn bó lâu năm với SK sẽ dễ dàng tiếp cận với phong cách của SK theo đúng yêu cầu của nhà quản lý. Nếu là TG kiêm ĐD thì càng lợi thế hơn khi kịch bản mới sẽ được “đo ni đóng giày” cho từng DV của SK.
Công bằng mà nói, không phải không có những TG, ĐD vốn là người tại chỗ đã được khán giả đánh giá khá tốt chỉ sau một vài vở diễn. Bộ đôi được khán giả dành cho nhiều thiện cảm nhất phải kể đến là TG Trần Khiết và ĐD Lương Duyên. Sau khi thử sức với một vài vở kịch thiếu nhi, vở kịch đầu tiên dành cho người lớn Tình nhân đến với tình nhân của TG – ĐD này đã được trao giải Cù Nèo Vàng 2012 dành cho hạng mục TG. Ở SK Idecaf, nếu Đình Toàn được xem là một trong những ĐD khá mát tay với kịch thiếu nhi thì Tuấn Khôi – Hương Giang cũng ít nhiều được khán giả nhớ đến sau các vở diễn: Cuộc chơi nghiệt ngã (ĐD Tuấn Khôi), Xóm vịt trời (TG Hương Giang, ĐD Tuấn Khôi)…
Tiếc là những điểm sáng như vậy chưa nhiều. Việc sử dụng nguồn lực tại chỗ đã dần cho thấy những lỗ hổng đáng ngại. Ngày càng có nhiều vở diễn đúng chất “cây nhà lá vườn”: kịch bản lỏng lẻo, thiếu logic, thiếu xung đột, hành động kịch. Bản dựng gần như không thấy vai trò của ĐD mà chỉ như những mảng miếng tấu hài, những chặp kịch ngắn lắp ghép một cách vụng về. Với không ít vở, sức hấp dẫn lệ thuộc hoàn toàn vào khả năng tung hứng của các DV. Hầu hết những vở thuộc loại “xem được” cũng chỉ mới dừng ở chỗ “sạch sẽ”, nhưng nếu đòi hỏi về chất lượng nghệ thuật hoặc tìm kiếm những thủ pháp độc đáo của bàn tay ĐD thì… thật khó.
Một nỗi lo khác, theo ĐD NSƯT Trần Minh Ngọc: “SK dễ dãi, TG, ĐD non tay nghề đang kéo lùi thị hiếu khán giả bằng những vở diễn nhạt. Ưu điểm của việc sử dụng nguồn lực tại chỗ giúp SK liên tục có những vở diễn mới và luôn ở trạng thái an toàn, nhưng tiếc là chất lượng nghệ thuật lại không cao. Ngày càng nhiều vở diễn chỉ chạy theo thị hiếu khán giả, thiếu những tác phẩm ghi nhận hơi thở của cuộc sống, diễn biến thời đại”. Tình trạng kéo dài còn dẫn đến một thực tế đáng lo ngại khác: làm tắc nghẽn đầu ra cho những ĐD tốt nghiệp Trường ĐH SK-ĐA TP.HCM và Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM.
Theo PNO
Bình luận (0)