Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TS. Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Một con người năng động

Tạp Chí Giáo Dục

TS. Huỳnh Công Minh trong ngày về thăm Trường THPT An Lạc – nơi một thời ông làm hiệu trưởng

Nhận định về ông, hầu như ai cũng đều cho rằng: ông là một con người năng động và sáng tạo. Điều này thấy khá rõ trong giai đoạn ông làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Ông liên tục đưa ra nhiều lời giải thành công cho các vấn đề: Làm thế nào để nâng chất lượng giáo dục?; Làm thế nào để giáo dục thành phố hội nhập với giáo dục quốc tế?; Làm thế nào để chất lượng giáo dục giữa nội thành và ngoại thành không còn độ chênh?; Đa dạng hóa trường lớp trên địa bàn TP.HCM như thế nào để phù hợp với nhu cầu xã hội?…

Có mô hình đưa ra mang lại những kết quả thuyết phục nhưng cũng có mô hình phải trầy trật và đòi hỏi các yếu tố về thời gian, sự chia sẻ cũng như sự phối hợp mới có kết quả như ý. Chính vì thế, trong chín đời giám đốc Sở GD-ĐT của thành phố, hình như ông là người chịu “búa rìu” dư luận nhiều nhất từ những sáng tạo của mình.
Tuổi thơ phấn đấu không mệt mỏi
Sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Bình Định (thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát). Chỉ riêng bậc tiểu học thôi ông phải theo học đến ba trường. Bởi thời điểm đó, có xã chỉ dạy lớp năm và lớp tư (lớp 1 và lớp 2 bây giờ), muốn học lớp ba phải qua xã khác. Còn lớp nhì và lớp nhất phải về tận huyện lỵ (trung tâm huyện) để được tiếp tục con đường học vấn, đoạn đường đến trường của ông mỗi ngày cả đi lẫn về hơn 20km. Cha đi tập kết, mẹ ở nhà hoạt động cách mạng, là con út trong gia đình đông con, ít nhiều ông nhận được sự ưu ái của gia đình. Ý thức được điều đó cùng với khát khao tìm kiếm tri thức, ông học hành rất chăm chỉ và luôn đạt thành tích cao. Ông nghĩ phải có tri thức mới làm những chuyện có ích cho xã hội và cộng đồng. Kết quả của sự cố gắng là thủ khoa của huyện Phù Cát trong kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 1961. Đồng thời trúng tuyển đệ thất (lớp 6) vào Trường Trung học công lập Cường Để – một trường nổi tiếng của không riêng tỉnh Bình Định mà cả khu vực miền Trung. Thấy con ham học, mẹ ông đã tảo tần khuya sớm tạo điều kiện cho ông lên thành phố Quy Nhơn theo học bảy năm trung học. Thời gian này, ông học giỏi hơn và kết quả hai kỳ thi tú tài bán phần và toàn phần đều đỗ với thứ hạng cao.
Con đường đến với cách mạng
Cả nhà ông từ cha mẹ đến anh chị đều tham gia hoạt động cách mạng nên tác động rất mạnh vào suy nghĩ của ông. Năm 1968, học dự bị MPC ở Trường Đại học Khoa học (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM), qua năm sau ông thi vào Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn (đệ nhị cấp, nay là bậc THPT) Khoa Lý – Hóa đạt thứ hạng thủ khoa. Thời gian này, ông đến với cách mạng qua việc tham gia phong trào sinh viên – học sinh đô thị miền Nam. Suốt ba năm (1968, 1969 và 1970) ông là Chủ tịch Nhóm sinh viên lý – hóa của Khoa Lý Hóa. Năm 1974, tốt nghiệp đại học, ông về dạy học ở Tuy Phong, Bình Thuận và vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 30-4-1975 ông là một trong 3 đoàn viên được chọn tham gia tiếp quản Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau đó, Thành đoàn TP.HCM cắt cử ông cùng với 23 đoàn viên của Thành đoàn về công tác tại ngành GD-ĐT. Suốt hơn 36 năm, ông đã đảm nhiệm nhiều chức trách của ngành GD-ĐT ở nhiều địa bàn, hết ngoại thành rồi đến nội thành cho đến ngày nghỉ hưu.
Con người của hành động
Có thể nói, ở mỗi mốc thời gian và ở mỗi cương vị ông luôn để lại ấn tượng. Khi đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn trường Trung học Bùi Thị Xuân, trường lớn nhất nước (4 trường trung học gộp lại là Lasan Tabert, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo và Võ Trường Toản) với 96 lớp và 200 giáo viên. Rồi Phó hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi và sau đó là Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc. Mỗi nơi ông đều để lại dấu ấn bằng những sáng tạo có tính đột phá và đến hôm nay những nơi đó đều kế thừa và phát huy rất hiệu quả. Làm chuyên viên tổ chức, ông thiết lập những cơ chế điều hành khoa học. Ví dụ, một cán bộ công chức từ tỉnh thành khác chuyển về thành phố thay vì một tháng mới nhận công tác, nhưng với ông chỉ ba ngày là lâu nhất. Do ông nắm rõ nhu cầu của từng đơn vị và nắm rõ nơi cư trú của người được phân công nên dễ dàng phân công mà không gây một chút ưu tư.
Làm công tác Đoàn, ông thành lập các câu lạc bộ Đoàn học sinh. Xây dựng tiền đề để rồi sau này Thành đoàn và Sở GD-ĐT quyết định giao cho học sinh làm bí thư đoàn trường.
Đặc biệt khi làm Trưởng phòng GD-ĐT quận 10, ông là người tiên phong trong việc điều tra mạng lưới trường lớp. Trên cơ sở đó có kế hoạch quy hoạch trường lớp; hay việc tách cấp 1 ra khỏi cấp 2; tổ chức đại hội giáo dục cấp quận (18-11-1988) và là quận đầu tiên của thành phố tổ chức đại hội có đại biểu Quốc hội về dự. Ông cho biết: “Tổ chức đại hội giáo dục để mọi người thấy tầm vóc quan trọng của giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó, cộng đồng xã hội cùng chia sẻ với giáo dục”. Đúng như lời ông, chúng tôi thấy vào thời điểm đó các cơ quan, đoàn thể trong quận nhìn thấy trách nhiệm và đã nhiệt tình xắn tay chia sớt công việc. Chính vì thế công tác phổ cập của quận 10 khá thuận lợi và là địa phương đầu tiên của thành phố hoàn thành công tác phổ cập và xác lập thiết chế tổ chức thực hiện công tác phổ cập được nhân rộng toàn thành phố. Đến tháng 12-1988, tại kỳ họp Quốc hội đã quyết định cho phép thu một phần học phí. Những mô hình GD-ĐT quận 10 thực hiện đã bật lên chủ trương xã hội hóa giáo dục (mọi cá nhân hay đoàn thể đều có thể tham gia); đa dạng hóa trường lớp (các hệ trường dân lập, tư thục); đổi mới phương pháp dạy học; phổ cập giáo dục… Những mô hình này là tiền đề để sau này thực hiện cả nước. Đến những năm đầu thập niên 90 thế kỉ trước, Nhà nước chủ trương đa dạng hóa trường lớp ngoài công lập, quận 10 cũng chính là địa phương đầu tiên của TP.HCM và cả nước thực hiện chủ trương này mạnh mẽ. Năm 1993, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Khoa giáo TW Nguyễn Đình Tứ và Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân đã nhân điển hình mô hình này cho nhiều địa phương trong nước. Năm 1995 xây dựng phong trào đổi mới phương pháp dạy học bằng hiệu quả thực tế. Nó chính là tiền đề để cả thành phố thực hiện sau này. Với những bước đi tiên phong hiệu quả đó, ngành GD-ĐT quận 10 liên tục là ngọn cờ đầu của thành phố.
Khi đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Giáo dục trung học và tiếp theo là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phụ trách chuyên môn ông đã có nhiều biện pháp sáng tạo để nâng cao chất lượng chuyên môn đồng đều ở các quận, huyện; khoảng cách chất lượng giữa các trường đã được rút ngắn rõ rệt từ mô hình cụm chuyên môn. Các trường giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm một cách sâu sát, ấm tình đồng nghiệp, tạo nên kết quả chất lượng vững bền là một đặc trưng của ngành GD-ĐT TP. HCM. Ông còn là người rất nhạy bén trước những chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước. Ông đã vận dụng rất tốt những chủ trương ấy vào thực tiễn – mô hình trường tự chủ đã làm sáng lên nét đổi mới của ngành, hội nhập quốc tế và được cả nước quan tâm học tập – Trường THPT Lê Quý Đôn là một điển hình.
Liên tục 5 năm (từ 2006 đến nay) GD-ĐT TP.HCM được xếp nhất nước; phong trào đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của TP.HCM luôn luôn là ngọn cờ đầu cả nước. Từ năm học 2009-2010, ngành GD-ĐT TP.HCM đã phát động đổi mới toàn diện nhà trường thì mới đây trong Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới toàn diện nhà trường. Đại hội đã đưa vào nghị quyết để GD-ĐT cả nước thực hiện
Bài, ảnh: Lê Thạch

Bình luận (0)