Những ngày gần đây, dư luận liên tiếp đón nhận tin: clip nữ sinh đánh bạn tại Nghệ An, hai nữ sinh viên đánh lộn tại cổng Trường ĐH Hà Tĩnh… Những sự việc trước đây chỉ xảy ra ở ngoài xã hội và cũng chỉ với những đối tượng đặc biệt thì ngày nay lại xuất hiện tại các trường học, nơi có môi trường giáo dục và môi trường sư phạm của mỗi quốc gia. Phải chăng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang trơ lỳ hơn, vô cảm hơn?…
Năm nào cũng vậy, thường vào đầu và cuối năm học, lại rộ lên bạo lực học đường. Không chỉ là đánh đơn lẻ mà còn đánh hội đồng; không chỉ đánh hù dọa hay xâu đầu đánh võ biền mà đánh có nhóm, có kế hoạch. Có thể thấy đủ để nói rằng những ẩn họa trong môi trường học đường đang gia tăng. Đó là chưa kể đến chuyện đánh nhau đến chết, đánh nhau một cách tàn nhẫn. Thậm chí sự vô cảm, thờ ơ khi thấy bạo lực diễn ra ngay trước mắt mình, với người bạn thân của mình mới là đáng sợ.
Không còn là chuyện nhỏ!
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 7-2010, cả nước xảy ra 1.600 vụ HS đánh nhau. Trong đó, hơn 700 HS đã bị đuổi học, gần 1.000 HS bị khiển trách, 1.500 HS bị cảnh cáo. Mới đây,trưa 8-9, nữ sinh Nguyễn Thị Hà Như – lớp 12A6 Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh, Nghệ An) đã bị đánh hội đồng bởi Nguyễn Thị Hương Trà – lớp 12B1 Trường THPT Hữu Nghị và là một vận động viên karatedo cùng hai cô gái khác đã bị đuổi học. Trong video clip tải trên mạng có tiếng nói của một số người đứng xem và bàn tán vụ việc nhưng không can thiệp. Sáng 16-9, do mâu thuẫn trước đó nên hai HS của Trường THPT bán công Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) là Võ Nhật Hoàn và Phạm Văn Hoàng, đều học lớp 10 đã dùng hung khí rượt đánh nhau trong giờ ra chơi. Hậu quả là Nhật Hoàn đã tử vong sau khi bị Văn Hoàng đâm 2 nhát dao. Ngày 31-3, Dương Quốc Bảo – HS lớp 7A2 Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bị nhóm bạn nam đánh hội đồng ngay tại lớp. Ngày 30-3, Võ Thanh Thảo – HS lớp 8A3 Trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) đã bị 2 người bạn cùng lớp đánh đến ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu. Trong lúc vui chơi giờ giải lao, Nguyễn Quỳnh Anh giẫm vào chân Vũ Ngọc Diệp (cả hai đều là HS lớp 10 Trường THPT Trần Nhân Tông, TP. Hà Nội) khiến hai bên cự cãi nhau. Chiều 3-3, Diệp rủ một số HS đã bỏ học ở trường khác kéo Anh đi đánh hội đồng ở một vườn hoa. Vụ việc này liên quan đến 10 HS, trong đó có những HS bàng quan đứng/ngồi xem hoặc dùng điện thoại quay lại cảnh ẩu đả để phát tán trên mạng…
Trước những sự việc này, một giáo viên THCS ở Hà Nội chia sẻ: Đây chỉ là những hình ảnh xuất hiện trước dư luận, còn đằng sau nó, trong môi trường học đường hiện nay, dù học sinh mới học lớp 6, lớp 7 cũng có hiện tượng giải quyết mâu thuẫn cá nhân bằng cách… “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, gây ra những hậu quả khôn lường, làm mất đi hình ảnh vốn tốt đẹp ở môi trường học đường. Có thể nói việc bạo lực học đường liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau và nó được xem như một hệ lụy. Hệ lụy của việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc con cái, nhà trường chưa thực sự làm tốt việc giáo dục đạo đức – giáo dục làm người, một số tổ chức có liên quan đến việc giáo dục học sinh vẫn chưa theo kịp những diễn tiến phức tạp về tâm lý nhóm trong sự biến chuyển của xã hội.
Giáo viên ở đâu?
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho rằng, trong xã hội hiện đại, chúng ta càng phải trả giá nhiều vì thế có những sự việc không phải đợi trẻ em lớn lên mới cho tiếp cận mà sớm cho trải nghiệm, sẽ tốt hơn. Và một trong những con đường dạy các em trải nghiệm là qua giáo dục. Hiện tại, giáo dục tập trung nhiều vào dạy văn hóa, mà chưa chú trọng đến hoạt động tinh thần. Điều rất cần hiện nay là giáo dục cho học sinh nền tảng sâu hơn về giá trị sống và kỹ năng sống. Giáo dục về giá trị sống để dạy cho các em biết thế nào là tôn trọng, yêu thương, tự do… Và có một điều đáng nói, khi những sự việc xảy ra, rất ít thầy cô biết được, phía sau những gương mặt học trò thơ ngây kia là những biến động, những chơi vơi mà các em phải tự “bơi”, tự vùng vẫy để vượt qua một thời kỳ không dễ dàng của thời ấu thơ để bước ra thế giới rộng lớn. Không những thế, những tiếng chuông báo động về sự biến thái, về sự suy đồi về đạo đức nghề nghiệp vẫn hàng ngày được rung lên cảnh báo ngay trong các nhà trường, ngay với chính các thầy cô! Một khảo sát mới công bố cho thấy trên 70% giáo viên không có tác động đối với học trò là con số khiến người ta phải giật mình suy nghĩ.
Đừng để trẻ “mồ côi” trong chính gia đình của mình
Về phía gia đình, chúng ta đã làm gì? Xin đừng đổ lỗi hoàn toàn cho môi trường, cho xã hội. Có một thực tế, không ít đứa trẻ đã “mồ côi” ngay trong chính gia đình mình khi mà phụ huynh quá mải miết lao vào vòng xoáy của cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, theo một khảo sát mới đây, trong số 2.452 gia đình có con trong độ tuổi 15-17 thì 446 gia đình (chiếm 18%) xảy ra hiện tượng bố mẹ đánh mắng chửi nhau; 21,2% số gia đình tồn tại bạo lực gia đình… Sống trong một bầu không khí như vậy, trẻ em thường bị trầm cảm hoặc bạo lực sinh ra bạo lực. Đó cũng là nguyên nhân khiến các em ngày càng trở nên trơ lì hơn, vô cảm hơn, dã man hơn. Đã đành, các em thích sử dụng “nắm đấm” theo trào lưu phim ảnh và các trò chơi trực tuyến thay vì tìm tới những giá trị đích thực, những khát vọng về tương lai. Nhưng ở một góc độ khác, người lớn chúng ta đã cho trẻ tất cả những yêu thương, những sẻ chia và sự quan tâm đúng nghĩa hay chưa?
Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm thì rất nhiều giá trị đang thay đổi nhưng các bạn trẻ lại chưa được giáo dục một cách có bài bản. Một bộ phận đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu những giá trị ảo, giá trị không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Ở một góc độ khác, nhiều bạn trẻ được đánh giá quá cao nên họ ngộ nhận về bản thân, dẫn đến có những hành vi vượt ngưỡng cho phép. Thái độ sống thiếu bao dung, vị tha khiến người ta rất dễ có những hành động không kiềm chế được, người vị tha thường ứng xử dễ dàng trước những tình huống khó. Hơn nữa, khi các bạn trẻ quan sát, chứng kiến điều “chướng tai, gai mắt” không được xử lý nghiêm nên họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường. Đó là chưa nói đến khá nhiều trường hợp, người lớn không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, trong việc thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)