Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mở cửa thị trường giáo dục: Lao động Việt Nam dễ dàng tham gia vào thị trường lao động quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Ngọc Hùng tại phòng làm việc

Cũng giống như các lĩnh vực khác, khi đất nước gia nhập WTO, giáo dục cũng phải được hội nhập. Ngày 1-1-2009, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GAT) bắt đầu có hiệu lực, ngành giáo dục làm gì để “thích ứng” với tình hình này? Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với Giáo Dục TP.HCM xung quanh vấn đề này.
PV: Bắt đầu từ 1-1-2009, Việt Nam “mở cửa thị trường” giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ đón nhận “cột mốc” này như thế nào?
– Để chuẩn bị cho việc Việt Nam gia nhập WTO, ngay từ tháng 12-2006, Hội đồng quốc gia giáo dục và Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội thảo quốc tế về WTO, GATS và giáo dục Việt Nam để định hướng cho các chính sách hội nhập. Các bộ, ngành cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng lộ trình mở cửa hội nhập giáo dục ĐH Việt Nam sao cho sự phối hợp các bộ ngành chặt chẽ hơn, tránh được các tiêu cực, giữ được bản sắc văn hóa và truyền thống trong hội nhập.
Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm tới quá trình hội nhập này và Bộ GD-ĐT đã có nhiều phiên điều trần trước Quốc hội và Chính phủ, trả lời ý kiến của các cử tri về các chính sách hội nhập quốc tế về giáo dục này.
Trên thực tế, xuất phát từ nhu cầu hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, ngành giáo dục đã có chính sách mở cửa thị trường giáo dục sớm hơn các cam kết WTO.
Để chuẩn bị cho mốc hội nhập 1-1-2009 này, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được phép chỉnh sửa lại các nghị định trên để tăng cường khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục ĐH và dạy nghề, góp phần tăng thêm nguồn lực và trí lực cho hai mảng đào tạo quan trọng này.
Chúng ta có “thị trường giáo dục” không, thưa ông?
– Dù ta có cố tình gọi giáo dục ĐH và giáo dục dạy nghề bằng tên gì đi chăng nữa thì với thế giới tất cả giáo dục qua biên giới đều có yếu tố thị trường trong đó. Chúng ta khẳng định việc cung cấp dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, THCS là trách nhiệm của nhà nước theo Hiến pháp vì thế trong những lĩnh vực này không có thị trường.
Mở cửa sẽ tạo ra cạnh tranh. Vậy làm thế nào để các trường ĐH Việt Nam có thế cạnh tranh tốt với trường nước ngoài và cạnh tranh với nhau?
– Cạnh tranh trong giáo dục là cạnh tranh về chất lượng. Để có thể tăng tính cạnh tranh thì giáo dục ĐH Việt Nam phải đổi mới. Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới toàn diện giáo dục ĐH Việt Nam ban hành năm 2005 là cơ sở để ngành giáo dục đưa ra các chương trình hành động cụ thể nâng cao chất lượng của mình. Có thể kể ra đây những nỗ lực tiến tới mục tiêu này: Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ cho các trường ĐH; Đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến của nước ngoài, các chương trình Hợp tác đào tạo tiến sĩ với các ĐH tiên tiến của nước ngoài; Đề án nâng cao năng lực dạy và sử dụng tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân…
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng có đề án xây dựng 4 trường ĐH liên kết với quốc tế làm nơi đào tạo nhân tài, đào tạo nguồn lực bậc cao, đào tạo các giáo sư và các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu cho các trường ĐH trong cả hệ thống. Với hệ thống các trường này, chúng ta cũng góp phần ngăn cản nguồn chất xám đang chảy ra nước ngoài.
Như ông đã từng nói, hiện Bộ GD-ĐT đang “lo không có ai” vào, xin ông cho biết nguyên nhân tại sao?
– Chúng ta đã mở cửa thị trường giáo dục cho đầu tư nước ngoài thực tế là từ năm 2000, nhưng đến nay ta mới thu hút được một trường ĐH và một viện: đó là ĐH RMIT của Australia và chi nhánh Học viện Kỹ thuật châu Á (AITCV). Nếu xét ra thì ngành giáo dục có thành tích thu hút đầu tư nước ngoài kém nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với nguồn lực cho giáo dục hiện nay còn rất khiêm tốn so với nhu cầu đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hàng ngàn dự án đầu tư nước ngoài đang khát lao động kỹ thuật và cán bộ quản lý hiện nay.
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này:
Đó là do tâm lý lo sợ các trường nước ngoài tràn vào và gây bất lợi cho các trường của ta nên các biện pháp bảo hộ của ta (hàng rào kỹ thuật) rất cao. Chúng ta lại chưa có chính sách cụ thể về đất đai, xây dựng hạ tầng, ưu đãi đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư giáo dục.
Kế đến là do thủ tục đầu tư, lập trường, giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, văn bản pháp quy, thời gian xét duyệt thực sự làm nản lòng các nhà đầu tư.
Nếu điều lo ngại của Bộ GD-ĐT thực sự xảy ra, Bộ sẽ làm gì để “cải thiện tình hình”?
– Một mình Bộ GD-ĐT không thể làm được việc này. Chúng ta cần một chính sách đồng bộ và sự hợp tác của các bộ ngành, UBND các tỉnh để cải thiện tình hình này.
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư giáo dục và đang tích cực tìm kiếm đối tác hợp tác với Việt Nam. Tháng 5-2009, 45 Bộ trưởng Giáo dục các nước Á – Âu sẽ đến họp tại Hà Nội để bàn đến khả năng tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai khu vực và tìm kiếm nhưng giải pháp hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục cũng như giáo dục vì sự phát triển bền vững trong ASEM. Với những nỗ lực hợp tác quốc tế, trong năm qua nhiều chính phủ châu Âu đã đưa Việt Nam vào danh sách số một được hưởng viện trợ ODA cho giáo dục và chúng tôi đã nhận được nhiều đề suất hợp tác hết sức thuận lợi từ phía bạn.
Khi mở cửa thị trường bán lẻ, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có lợi, vậy khi “mở cửa thị trường giáo dục” nhưng không có ai vào, liệu sinh viên có bị “thiệt” không thưa ông?
– Nếu không thu hút được hợp tác, liên kết giáo dục và đầu tư nước ngoài vào giáo dục ĐH và dạy nghề Việt Nam chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển này của đất nước. Người học sẽ bị thiệt thòi vì không được hưởng những dịch vụ có chất lượng trong khi vẫn mất tiền và mất luôn cả tuổi xuân của mình. Cửa sổ cơ hội để biến gánh nặng dân số thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ qua đi và Việt Nam sẽ mất đi sự hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. 
Sinh viên sẽ được lợi gì từ sự cạnh tranh này?
– Người học sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm cũng như chất lượng mà các cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay chưa đạt được.
Với các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế do các cơ sở đào tạo quốc tế cung cấp, lao động Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường lao động trong khu vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hoặc tham gia thị trường lao động quốc tế với mức thu nhập cao hơn.
Sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH Việt Nam sẽ có điều kiện bổ túc các kỹ năng mà các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đòi hỏi để tăng khả năng tìm kiếm việc làm trong nước.
Để sinh viên có được cái lợi trên ngay bây giờ, các trường ĐH và CĐ của ta cần phải xác định được lợi thế cạnh tranh của từng trường trong quá trình hội nhập này là gì? Việt Nam có khả năng xuất khẩu lao động bậc cao, chuyên gia, tri thức, hợp đồng nghiên cứu khoa học, công nghệ trong những lĩnh vực nào để tìm được bước đi và cách làm thích hợp.
Cái lo là: Nếu không quản lý tốt, những chuyện lừa đảo thương mại sẽ xảy ra và thực tế đã xảy ra với một số địa phương. Việc này đòi hỏi khâu quản lý phải có sự phối hợp đồng bộ và phải về một mối.
Thực tế, thời gian qua, các trường ĐH được thành lập ồ ạt, chất lượng không đảm bảo, người học không có lỗi nhưng phải chịu thiệt thòi. Cách khắc phục là như thế nào?
Nếu biết khai thác và tạo được cơ chế khuyến khích thích hợp, chúng ta có thể có khả năng thu hút các trường ĐH có chất lượng cao trên thế giới vào hợp tác, mở trường góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam.

Box: Kinh nghiệm cho thấy nếu ta có chính sách hợp tác quốc tế tốt hơn, hỗ trợ và khuyến khích các trường huy động nguồn lực từ các nước để xây dựng chương trình đào tạo có chất lượng, cung cấp giáo viên trong giai đoạn đầu phát triển và đồng thời cấp học bổng cho giáo viên và sinh viên Việt Nam xuất sắc đi đào tạo và chuyển giao công nghệ tại trường nước ngoài. “Chất lượng” cần được hiểu là “sự hợp lý” của nguồn nhân lực đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì không nhất thiết phải đi tìm ở nhưng nơi đắt tiền.
– Khi chúng ta cho phép các ĐH, CĐ mới ra đời, nhất là các ĐH dân lập, ta chưa thực sự có được giải pháp để hỗ trợ cho các ĐH, CĐ này. Cái khó nhất của chúng ta là thầy giáo và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các trường này.
Việc gắn trường học với doanh nghiệp là chủ trương đúng để trường học có thể khai thác thế mạnh của doanh nghiệp nhất là trang thiết bị. Dù sau này ta có nhiều tiền thế nào đi chăng nữa các thiết bị của doanh nghiệp luôn luôn là những thiết bị và công nghệ tiên tiến nhất. Để làm được việc này, Bộ GD-ĐT phải có chính sách để doanh nghiệp tham gia vào quy trình quản trị nhà trường và tác động tới chương trình và giáo trình đào tạo.
Chúng ta cũng cần có chính sách đối xử công bằng hơn và khuyến khích hơn với khu vực tư nhân, các trường ĐH tư thục trong việc đào tạo cán bộ, hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các trường này.
Ông có thể nói gì với những người trẻ thời “mở cửa” ĐH hiện nay?
– Nhà nước đã có chính sách cho sinh viên vay tiền đi học để những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học hành. Hãy cố gắng học tập để nắm lấy cơ hội này. Hãy chọn những trường mà khi tốt nghiệp xong các em có được việc làm, nhất là những việc làm có mức lương đủ sống. Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch buộc các trường phải chịu trách nhiệm với xã hội và phải công bố số liệu sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên bây giờ nếu biết “liệu cơm gắp mắm” là những người còn giàu bản sắc dân tộc và sẽ có thể thành công bất kể bất trắc của cuộc đời.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)