Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng số lượng trường xét tuyển ĐH – CĐ, tiến tới kỳ thi “hai trong một”

Tạp Chí Giáo Dục

Báo chí đưa tin năm nay có 137 trường ĐH và CĐ không tổ chức thi tuyển sinh mà xét tuyển trên cơ sở kết quả kỳ thi “ba chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức. So với các năm trước, năm nay số lượng các trường ĐHCĐ xét tuyển tăng rất nhiều. Số lượng sinh viên tuyển mới của 137 trường này ước vào khoảng 150.000, chiếm 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cả nước. Đó là điều kiện thuận lợi cho lộ trình tiến tới kỳ thi “hai trong một” năm 2010.
Thông tin trên cho thấy tính chủ động tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ ngày càng tăng và chủ trương tiến tới một kỳ thi quốc gia của Bộ – kỳ thi “hai trong một”, vừa đánh giá tốt nghiệp phổ thông vừa xét tuyển ĐH-CĐ – ngày càng được các cơ sở đào tạo hưởng ứng, làm tiền đề cho kế hoạch tổ chức một kỳ thi quốc gia năm 2010 thành công. Đó cũng là phương cách làm gọn nhẹ công tác thi cử hàng năm, tăng độ chính xác của sự lựa chọn đối tượng đào tạo của mỗi trường ĐH-CĐ.
Theo dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2010 trở đi sẽ là một kỳ thi cấp quốc gia đánh giá cả quá trình giáo dục 12 năm của học sinh. Đó sẽ là một kỳ thi quan trọng, được tổ chức thật kỹ càng với sự tham gia không chỉ của CBGV phổ thông mà còn là của CBGV đại học. Tỷ lệ đỗ là bao nhiêu có lẽ không cần ấn định trước để “chạy theo”, có thể 30, 50 hoặc 70%, miễn là đánh giá chính xác theo yêu cầu chương trình phổ thông. Chỉ những học sinh tốt nghiệp THPT mới dự tuyển sinh ĐH-CĐ. Các trường ĐH-CĐ căn cứ vào kết quả này để xét tuyển, hoặc kết hợp khảo sát thêm môn năng khiếu phù hợp với ngành nghề thí sinh đăng ký.
Một vấn đề nhiều người quan ngại về chất lượng kỳ thi “hai trong một” là sợ các trường ĐH-CĐ xét tuyển không chính xác, thiên vị, có thể xảy ra tiêu cực trong tuyển sinh. Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng khi các trường bước vào cuộc cạnh tranh lành mạnh, phấn đấu xây dựng “thương hiệu” đẳng cấp quốc tế của mình, thì vấn đề quan ngại đó sẽ ngày càng bị loại trừ. Vả lại, Bộ còn có công cụ thanh tra, giám sát; còn có công luận lên tiếng. Khi đã công khai, minh bạch quá trình tuyển sinh, đào tạo và hiệu quả đào tạo thì các trường ĐH, CĐ tham gia xét tuyển chỉ có phát triển theo hướng tích cực.
Nếu thực hiện phương án xét tuyển ĐH-CĐ theo kết quả kỳ thi “hai trong một”, số học sinh không đỗ tốt nghiệp THPT nhưng đạt yêu cầu học tập lớp 12 sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Số học sinh này có thể đăng ký xét tuyển học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề như chủ trương của Bộ trong năm vừa qua. Biện pháp này đã góp phần phân luồng đào tạo, mở một lối đi rộng cho học sinh vào đời, đồng thời chủ trương đó cũng sẽ điều chỉnh cơ cấu đào tạo bất hợp lý “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay, tránh quá tải số lượng học sinh học lên đại học – trong đó có một số lượng không nhỏ chưa đủ năng lực học đại học, làm giảm chất lượng hiệu quả đào tạo bậc đại học và gia tăng lãng phí xã hội.
Hai Đức

Bình luận (0)