> Sửa lỗi SGK: Có 4 loại “lỗi” phải sửa trong SGK
> Mỗi cuốn SGK chỉ có khoảng 2 lỗi phải chỉnh sửa
Hạt đậu Hà Lan thành… củ su hào
Tại SGK Ngữ văn lớp 6 tập 2, cụm từ “Hồn phất phơ mười phương” được đề nghị sửa lại thành “Hồn mười phương phất phơ”. Thầy Nguyễn Dương, một thầy giáo già có thâm niên dạy Văn hàng chục năm của trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cười buồn mà cho rằng, khi đọc những chỉnh sửa kiểu như vậy không hiểu để làm gì, mười phương phất phơ thì cũng như phất phơ mười phương chứ có khác nhau gì mấy! Cái chính là khi soạn sách, người ta đã lầm lẫn đến mức không nhớ được trình tự câu của tác giả thôi. Chỉnh sửa lại càng làm bài học thêm rối rắm không cần thiết và tự nhiên tạo ấn tượng không tốt cho học sinh. Người lớn làm sai lại bắt trẻ con phải nặng đầu!”
“Nhưng, có những lỗi thì không thể… tha thứ vì không hiểu đầu óc của những người soạn sách để… đâu đâu mà dẫn đến nhầm lẫn như vậy. Ví như SGK Ngữ văn lớp 6, tập 1 đã in “5 truyền thuyết” và phải sửa thành “6 truyền thuyết”.
Hay như trong SGK Lịch sử lớp 6 đã in: “Sông Hồng ở mạn Bắc và nối với sông Cầu ở mạn Nam” và đã phải sửa thành: “Sông Hồng ở mạn Nam và nối với sông Cầu ở mạn Bắc” – thầy Dương nói.
Tệ hơn, trong SGK tiếng Anh lớp 6 đã có hình vẽ minh hoạ cho bài là củ su hào và phải chỉnh sửa vẽ lại củ su hào thành… hạt đậu Hà Lan!
“Bắt sống” thành “bắt giết”
Bên cạnh sự “nghễnh ngãng” nguy hiểm của những người soạn sách kiểu như trên thì có những lỗi dù đã được chỉnh sửa nhưng vẫn không “thoáng” hơn là mấy so với sự tối nghĩa của câu phải chỉnh sửa.
Ví dụ trong sách Ngữ văn tập một, câu đã in là “Chúng mày sẽ xem sự thất bại (mà chúng mày) phải nhận lấy” được đề nghị sửa lại là: “Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong”. Toán lớp 7 tập 2 đã in: “tìm cạnh bờ sông” được đề nghị sửa lại là “tìm ở cạnh bờ sông đó”.
Dù sao, có chỉnh sửa mới phát hiện ra được những sai phạm khá… “ngây ngô” kiểu như SGK Ngữ văn 7 đã in “Cớ sao mà kẻ thù lại dám đến xâm phạm” được đề nghị sửa lại thành “Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm”.
Hay như SGK Ngữ văn lớp 10 đã in “5 – 7 – 5 âm (chỉ có 7, 8 chữ Nhật)”- khác nào thách đố học sinh và đã phải đề nghị sửa lại thành: “5 – 7 – 5 âm tiết. (Tiếng Nhật đa âm tiết, nên 17 âm tiết ấy thực ra chỉ có mấy từ).”
SGK Ngữ văn 10 (nâng cao) tập một đã sử dụng từ rất ấn tượng là “Sản sinh văn bản” và sự “ấn tượng” này đã phải đề nghị sửa lại là “Tạo lập văn bản”.
SGK Ngữ văn 10 (nâng cao) tập hai thì đã tự “phong” cho “Truyền kì mạn lục giải âm” là của Nguyễn Quang Hồng và cuối cùng phải chỉnh sửa là: “Truyền kì mạn lục giải âm” do Nguyễn Quang Hồng phiên âm, chú giải”.
Ngạc nhiên hơn khi cũng cuốn sách này đã in nhầm lẫn đến mức “bắt sống Lưu Hoằng Thao” và lại phải sửa thành “bắt giết Lưu Hoằng Thao”!
M.M (Theo Dantri)
Bình luận (0)